Hai vợ chồng không thể chia nhau 1.000 Bitcoin và vấn đề pháp lý tài sản số

Đại diện SSID cho rằng tài sản số như Bitcoin chưa được công nhận là một loại tài sản theo pháp luật sẽ gây khó khăn trong việc xử lý các vấn đề pháp lý.

Thời gian gần đây, tài sản số đang nổi lên như một tâm điểm thảo luận, không chỉ trong các cuộc trò chuyện bên ly cà phê hay trà đá vỉa hè, mà còn hiện diện ngày càng rõ nét trong các văn kiện chính thức của Quốc hội và Chính phủ.

Hàng loạt động thái chính sách cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc đưa tài sản số ra khỏi vùng xám pháp lý. Chiến lược Blockchain quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 10/2024, Luật Công nghiệp Công nghệ số mới được Quốc hội thông qua, Nghị quyết về xây dựng Trung tâm Tài chính Quốc tế và các dự thảo thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hóa,…, tất cả đều đang tạo nên một bức tranh sôi động về tài sản số tại Việt Nam.

Chia sẻ tại chương trình “CAFÉ cùng Chứng” với chủ đề “Tài sản số khác gì tài sản chữ”, ông Lê Bảo Nguyên, Giám đốc dự án, kiêm Trợ lý Chủ tịch HĐQT và Phó Tổng Giám đốc CTCP Công nghệ số SSI (SSID) cho rằng, nhà đầu tư Việt Nam đang đứng trước những cơ hội tiềm năng lớn, khi tài sản số từng bước được đưa vào khuôn khổ pháp lý rõ ràng và bài bản.

Ông Lê Bảo Nguyên cho rằng thị trường tài sản số tại Việt Nam đang đứng trước cơ hội để bứt phá mạnh mẽ.
Ông Lê Bảo Nguyên cho rằng thị trường tài sản số tại Việt Nam đang đứng trước cơ hội để bứt phá mạnh mẽ.

Theo ông Nguyên, một trong những lợi ích quan trọng nhất của việc luật hóa tài sản số chính là bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư. Trước đây, trong bối cảnh thiếu khung pháp lý rõ ràng, nhà đầu tư Việt buộc phải sử dụng các nền tảng giao dịch nước ngoài, chấp nhận rủi ro cao mà không có sự bảo hộ từ pháp luật trong nước.

Bên cạnh đó, tài sản số như Bitcoin chưa được công nhận là một loại tài sản theo pháp luật cũng sẽ gây khó khăn trong việc xử lý các vấn đề pháp lý.

“Chẳng hạn như trường hợp hai vợ chồng muốn chia nhau 1.000 Bitcoin nhưng không thể chia được vì bản chất nó chưa phải là tài sản được pháp luật công nhận”, ông Nguyên dẫn chứng.

Ngoài ra, nhà đầu tư có thể đa dạng hóa cơ hội đầu tư bên cạnh những kênh đầu tư truyền thống như chứng khoán, bất động sản, vàng hay gửi tiết kiệm. Công nghệ blockchain còn mở ra cơ hội token hóa các bất động sản hoặc các dự án công để gọi vốn (race fund) từ nước ngoài cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.

Cùng với những chuyển động gần đây, đại diện SSID cho rằng, thị trường tài sản số tại Việt Nam đang đứng cơ hội để bứt phá mạnh mẽ hơn.

Theo ông Nguyên, cũng giống như kênh đầu tư truyền thống là chứng khoán, tài sản số cũng có tốc độ phát triển rất nhanh. Nếu nhìn lại thị trường chứng khoán Việt Nam cách đây 5 - 6 năm, tức khoảng năm 2019, thanh khoản mỗi phiên chỉ quanh mức 3.000 - 4.000 tỷ đồng. Nhưng đến hiện tại, con số đó đã tăng gấp 10 lần, lên tới 30.000 - 40.000 tỷ mỗi phiên.

“Tài sản số thậm chí còn biến động nhanh hơn nữa, và nếu được nhà đầu tư chấp nhận rộng rãi, được pháp luật bảo hộ với quy định rõ ràng, thì tiềm năng phát triển về quy mô và thanh khoản của thị trường này là rất lớn, tương tự như sự bứt phá của chứng khoán vài năm qua”, ông Nguyên cho hay.

Tuy nhiên, đại diện của SSID cũng chỉ ra một điểm khác biệt quan trọng: chứng khoán Việt Nam ra đời từ năm 2000 – so với các thị trường khu vực thì Việt Nam là người đi sau, và đến nay vẫn đang là thị trường cận biên. Song với tài sản số, Việt Nam lại nằm trong nhóm quốc gia tiên phong xây dựng khung pháp lý. Chưa kể, các nền tảng giao dịch lớn trên thế giới đều xếp Việt Nam vào nhóm thị trường chiến lược và liên tục nhắc tên Việt Nam trong các báo cáo toàn cầu.

“Chúng ta đã có bước đi rõ ràng trong việc luật hóa tài sản số, và hiện đang hoàn thiện các dự thảo thí điểm cho thị trường này. Nếu đi đúng hướng, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm tài sản số của khu vực”, đại diện SSID khẳng định.

Theo kế hoạch, trong hai ngày 1 - 2/8/2025, sự kiện GM Việt Nam 2025 được tổ chức bởi Kyros Ventures và SSI Digital (SSID) sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội.

Được xem là “Tuần lễ blockchain & Web3 lớn nhất Châu Á”, GM Việt Nam 2025 còn có sự góp mặt của hơn 200 diễn giả hàng đầu thế giới, đến từ các tổ chức danh tiếng trong lĩnh vực blockchain và tài sản số như Sui, BingX, MEXC, Aptos, Gate, TRON, Holdstation, Tether, ATX, Polkadot, Meta Earth, U2U Network, Manta Network, CoinEx, BITGP, AIDv2, HTX, UniLive, NEO, Scallop, BTSE, Bitunix, D'CENT, Coinsilium, io.net, HashKey Exchange, HiBT, Bullbit, Sogni, Tezos… cùng nhiều cơ quan quản lý và chuyên gia từ Hàn Quốc, Singapore, UAE, Hong Kong và Mỹ.

Khánh Tú

Theo Vietnamfinance