Hàng chục vạn doanh nghiệp "chết yểu", tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là chưa phù hợp

Trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp rượu, bia, nước giải khát nói riêng chịu tác động dồn dập các yếu tố bất lợi, kéo theo hàng chục vạn doanh nghiệp "chết yểu", việc đưa ra giải pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là chưa phù hợp.

Giữ nguyên mức thuế ít nhất trong 3 - 5 năm

Ngày 21/6 vừa qua, Bộ Tài chính đã chính thức có tờ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Theo tờ trình, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) để tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và lộ trình tăng thuế theo mức tăng thu nhập và lạm phát.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần cân nhắc kỹ tác động của việc tăng thuế suất đối với rượu, bia.

Tại hội thảo "Góp ý xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi", ngày 4/7 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, ngành bia đóng vai trò quan trọng với đời sống xã hội và sự phát triển kinh tế của đất nước. Với các nhà máy phân bổ hầu khắp các tỉnh, ngành đồ uống Việt Nam có vai trò kinh tế lớn khi luôn đứng ở vị trí những DN đóng góp hàng đầu cho ngân sách.

Hàng chục vạn doanh nghiệp "chết yểu", tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là chưa phù hợp - Ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA).

Chủ tịch VBA kiến nghị, chưa nên sửa đổi Luật Thuế TTĐB, ít nhất trong thời gian 2023-2025 và ổn định chính sách thuế như hiện nay để giúp các DN vượt qua khó khăn và phục hồi sau thời gian khủng hoảng bởi đại dịch.

Tại sự kiện, đại diện một số đơn vị sản xuất bia lớn ở Việt Nam - những DN sẽ là đối tượng ảnh hưởng trực tiếp từ dự thảo luật cũng có kiến nghị tương tự. Ông Bennett Neo - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đánh giá, luật này rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến các thương hiệu bia của Việt Nam và Sabeco.

Tổng Giám đốc Sabeco cũng kiến nghị, giữ nguyên mức thuế ít nhất trong vòng từ 3-5 năm. Việt Nam nên duy trì mức tính thuế như hiện tại và điều chỉnh theo lộ trình, ít nhất trong 10 năm tới.

Bà Phạm Thu Thủy - Kế toán trưởng Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cho biết, dù Nhà nước đã đưa ra chính sách hỗ trợ DN, tuy nhiên hiện sức mua của người tiêu dùng liên tục giảm, giá cả đầu vào tăng. DN sản xuất bia không thể tăng giá bán và không thể bán được hàng. 90-95% sản phẩm của DN ở phân khúc phổ thông. Do đó, ngoài lợi thế tài chính, trong trường hợp dự thảo luật thuế tính đến phương pháp tuyệt đối hay hỗn hợp, đây cũng là áp lực lớn với DN.

"Vô hình chung, nội dung này sẽ có lợi thế hơn về mặt cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế sản xuất bia cao cấp tại Việt Nam. Kiến nghị với dự thảo, chưa sửa đổi tăng thuế tiêu thụ với mặt hàng bia rượu giai đoạn này ít nhất đến 2025 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sau COVID-19", bà Thủy đề xuất.

Đại diện khối DN, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, lần nào sửa Luật TTĐB, các DN rất quan tâm, sốt sắng bởi vì nó tác động trực tiếp đến ngành hàng. Ngành đồ uống đang chịu đang chịu tác động lớn của quy định pháp luật như Nghị định 152/2019.

Hiện các thủ tục hành chính cũng như việc đánh nhiều loại thuế đã tác động lớn đến DN, nhất là DN đồ uống. Do vậy, việc tăng thuế trong bối cảnh hiện nay có lẽ là chưa phù hợp. DN đặt vấn đề, liệu gốc rễ việc điều chỉnh sắc thuế ở đây có phải là dành cho nguồn thu hay không?

Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhấn mạnh, ngành rượu bia chịu tác động nhiều nhất trong thời gian qua bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và chính sách pháp luật, nhất là kể từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực.

"Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm ngành bia rất cần sự hỗ trợ và chung tay của Nhà nước để có thể duy trì sản xuất, phát triển, đặc biệt là các DN sản xuất các sản phẩm rượu bia thương hiệu Việt mà họ đã phải mất rất nhiều năm để có thể gây dựng tên tuổi trên thị trường trong nước, dần vươn ra thị trường thế giới", luật sư Quỳnh Anh nói.

Không phải cứ tăng thuế là tăng thu

Là người tham gia xây dựng chính sách mấy chục năm qua, GS,TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, tăng trưởng 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,2%.

Hàng chục vạn doanh nghiệp "chết yểu", tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là chưa phù hợp - Ảnh 2

GS,TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE).

"Hiện nay khốn khổ nhất là DN, mà khốn khổ nhất là hơn 90% DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Họ không có tiền trả cho ngân hàng, cho lao động, không có tiền mua nhiên vật liệu và không sản xuất được.

Câu chuyện hiện nay là câu chuyện của Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành cùng các UBND tỉnh, thành phố là tập trung giải cứu DN. Trong bối cảnh hàng chục vạn DN đang "chết yểu", số DN mới hoạt động, trở lại thị trường gần bằng DN phá sản và chờ phá sản thì việc đưa ra giải pháp tăng thuế TTĐB là không phù hợp", Chủ tịch VAFIE nêu.

Theo GS,TSKH Nguyễn Mại, thời điểm này không nên đưa ra bất kỳ chủ trương tăng bất kỳ loại thuế nào. Ông đồng tình với ý kiến nên đánh giá lại việc phân biệt giữa rượu với bia, với nước giải khát. Đề nghị Bộ Tài chính nên nghiên cứu kỹ hơn các vấn đề liên quan đến thuế, đừng chỉ nghĩ đến chuyện thu ngân sách Nhà nước, bởi không phải lúc nào tăng thuế cũng là tăng thu.

Cùng góc nhìn về khó khăn của DN, TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, trong 30 năm qua, đây là thời điểm DN Việt Nam khó khăn nhất và chịu nhiều mất mát, thiệt thòi nhất.

Tác động tiêu cực đầu tiên đến từ đại dịch COVID-19 và ngành rượu, bia, nước giải khát đều bị ảnh hưởng mạnh. Ở bên ngoài, cầu giảm và lạm phát gia tăng. Ảnh hưởng tiếp theo đến từ những thủ tục và xử phạt hành chính, có tác động mạnh và làm giảm nhu cầu tiêu thụ của xã hội. Có thể nói, dồn dập các tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến DN. Nền kinh tế chưa bao giờ gặp nhiều khó khăn thế này.

"Trong bối cảnh như thế, tinh thần của Chính phủ là thúc đẩy, hỗ trợ, khuyến khích hoặc sáng kiến tăng chi để chi cho người dân. Phía Nhà nước cần thảo luận sử dụng nguồn thu có hiệu quả. Chính sách tài khóa không tập trung vào thu mà là về phía chi. Nghĩa là chi thế nào cho hiệu quả, chứ không phải tăng thu. Với cách làm như thế, tôi hy vọng mới có thể đạt được mục tiêu nhiệm kỳ và mục tiêu chiến lược", TS Nguyễn Đình Cung khuyến nghị.

Ngoài các kiến nghị chưa điều chỉnh thuế TTĐB hay bất cứ hành động chính sách gì có thể khiến DN khó khăn hơn, các đại biểu cũng bàn thảo khá nhiều tới phương pháp tính thuế. Theo đa số đề xuất, nên giữ nguyên phương pháp tính thuế tương đối như hiện nay ít nhất trong 5-10 năm tới. Luồng quan điểm thứ 2 cho rằng cần tính thuế theo phương pháp tuyệt đối và hỗn hợp và cũng chỉ ra lý do vì sao Việt Nam cần áp dụng cách tính thuế này.

Nguyệt Minh

Theo Doanh nghiệp Việt Nam