Doanh nghiệp chật vật xử lý dư nợ trái phiếu
Thị trường gặp nhiều khó khăn, việc các doanh nghiệp xin gia hạn trái phiếu hoặc hoán đổi phương thức thanh toán trái phiếu diễn ra tại nhiều doanh nghiệp. Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp vẫn công bố thông tin bất thường về việc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu hay điều chỉnh các điều khoản trái phiếu với các trái chủ.
-
Chật vật với dư nợ trái phiếu
Từ đầu năm đến nay, hàng loạt doanh nghiệp thông báo chậm thanh toán trái phiếu đến hạn, gặp gỡ trái chủ đàm phán phương án bán tài sản trả nợ. Tình cảnh này dự báo còn gia tăng, bởi năm 2023-2024 là thời kỳ đỉnh nợ.
Thông tin mới đây nhất cho biết, BNP Global không thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu, và đang đàm phán với yêu cầu của trái chủ về việc bán tài sản đảm bảo là cổ phiếu SGB của Saigonbank. Cụ thể, theo thông tin công bố của CTCP BNP Global, đơn vị đã chậm thanh toán 2 lô trái phiếu BNPCH2123001 và BNPCH2123002 với tổng giá trị gần 2.700 tỷ đồng trong đó có 2.600 tỷ đồng tiền gốc và hơn 96 tỷ đồng tiền lãi.
Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu này là 58.727.926 cổ phiếu SGB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương. Hiện BNP Global đang trong quá trình đàm phán với trái chủ, yêu cầu bán tài sản đảm bảo. Nếu trái chủ và BNP Global đồng ý phương án bán tài sản đảm bảo, hơn 58,7 triệu cổ phiếu SGB sẽ được tung ra thị trường. Số cổ phiếu này chiếm đến 19% vốn điều lệ của Saigonbank.
Trong tháng 6, một loạt ông lớn trong bất động sản vẫn tiếp tục xin gia hạn trái phiếu CTCP Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va - Novaland vừa thông báo được gia hạn lô trái phiếu giá trị 1.000 tỷ phát hành vào tháng 9.2022 thêm 21 tháng kể từ ngày đáo hạn 19.6. Novaland cho biết, lãi suất trái phiếu áp dụng từ ngày 19.6 đến ngày cuối cùng của kỳ hạn trái phiếu điều chỉnh sẽ cố định tại mức 11,5%/năm.
Trước lô trái phiếu này, Novaland cũng liên tục đạt được thoả thuận giãn nợ, gia hạn trái phiếu. Trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của Novaland mới tổ chức gần đây, Chủ tịch HĐQT Bùi Thành Nhơn cho biết Novaland dự định tiếp tục tái cấu trúc tài chính, trong đó tổng khối lượng trái phiếu còn lại cần thương lượng gia hạn của năm nay là 5.500 tỷ đồng.
Hay như CTCP Fuji Nutri Food vừa thông báo chậm thanh toán 23 tỷ đồng tiền lãi của lô trái phiếu FNFCH2124001. Lý do là doanh nghiệp chưa thu xếp kịp nguồn thanh toán. Sang tháng 8 tới, Fuji Nutri Food sẽ phải thu xếp lượng tiền lớn cho việc đáo hạn lô trái phiếu FNFCH2223001, tổng giá trị 1.000 tỷ đồng, lãi suất 10%/ năm. Với lô trái phiếu này, Fuji Nutri Food cũng có 2 lần chậm thanh toán tiền lãi.
Còn 116.500 tỷ đồng giá trị trái phiếu sẽ đáo hạn trong năm 2023
Kết thúc tháng 6/2023, tổng hợp dữ liệu từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, còn 116.500 tỷ đồng giá trị trái phiếu sẽ đáo hạn trong năm 2023.
Sang đến tháng 7, tổng giá trị trái phiếu đáo hạn là 19.400 tỷ đồng. Trong đó, 7.200 tỷ đồng là trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến nhóm Vạn Thịnh Phát với Setra (3.750 tỷ) và CTCP Đầu tư Quang Thuận (3.450 tỷ). Cụ thể, Setra Corp phát hành 31 lô trái phiếu (từ STRCB2023001 đến STRCB2023031) vào ngày 31/7/2020, đáo hạn vào ngày 31/7/2023, lãi suất là 11,5%/năm. Tương tự, cùng thời gian, Đầu tư Quang Thuận huy động 3.450 tỷ đồng qua việc phát hành 29 lô trái phiếu.
Không tính nhóm liên quan đến Vạn Thịnh Phát , tổng giá trị trái phiếu đáo hạn không bao gồm trái phiếu của các ngân hàng trong tháng 7 là 12.200 tỷ đồng trong đó Công ty TNHH Saigon Glory (thuộc Bitexco) đến kỳ đáo hạn 2 lô trái phiếu SGL-2020.04 và SGL-2020.05 vào ngày 28/7 và 10/7 với tổng giá trị đáo hạn là 2.000 tỷ đồng. Diễn biến mới nhất Saigon Glory đã gửi ý kiến trái chủ để lùi thời gian đáo hạn sang năm 2024.
Ngoài ra, nhóm Novaland đáo hạn 1.738 tỷ đồng bao gồm Novaland Group đáo hạn 1.300 tỷ trái phiếu vào ngày 20/7 và gần 138 tỷ vào ngày 23/7; Công ty TNHH Bất động sản Vĩnh Xuân đáo hạn 300 tỷ vào ngày 10/7,… cùng nhiều nhóm doanh nghiệp khác.
Trước đó, chia sẻ về vấn đề khủng hoảng của nhiều doanh nghiệp bất động sản trong thời gian vừa qua, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định, tình trạng khó khăn kéo dài không chỉ ảnh hưởng tới các đối tượng tham gia thị trường BĐS mà còn kéo theo sự trì trệ của nhiều ngành nghề liên quan. Nếu không tìm được “lối thoát” kịp thời, rất có thể thị trường sẽ phải đối mặt với kịch bản “ra đi” của hàng loạt đối tượng, từ doanh nghiệp đầu tư, phát triển BĐS đến doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ BĐS và môi giới BĐS. Hậu quả này sẽ trở thành vấn nạn cho cả nền kinh tế.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, trong tháng 7 này sẽ đưa vào vận hành sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ, đây là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, phía thị trường tín dụng có “bơm” được tiền qua thị trường này hay không mới là vấn đề quan trọng.