Hàng loạt cao tốc miền Tây Nam bộ gặp khó vì đội vốn

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, ĐBSCL được quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166 km với quy mô từ 4 - 6 làn xe.

6 tuyến này gồm 3 tuyến cao tốc trục dọc, 3 tuyến cao tốc trục ngang.

3 tuyến cao tốc trục dọc với tổng chiều dài 575 km, gồm cao tốc bắc - nam phía đông dài 245 km, cao tốc bắc - nam phía tây dài 180 km, cao tốc TP. HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng dài 150 km.

3 tuyến cao tốc trục ngang với chiều dài khoảng 591 km gồm cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 191 km, cao tốc Hà Tiên (Kiên Giang) - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 212 km, cao tốc Hồng Ngự (Đồng Tháp) - Trà Vinh dài 188 km.

Các tuyến cao tốc còn lại sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030.

Theo thông tin từ Cục Quản lý đầu tư xây dựng, tính đến thời điểm này, mạng lưới đường bộ trong khu vực ĐBSCL đã được cải thiện với gần 187km đường cao tốc, 2.669km đường quốc lộ và 4.559km đường tỉnh lộ. 

Hiện khu vực ĐBSCL đang triển khai đầu tư xây dựng 8 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 463km, tổng mức đầu tư khoảng 94.400 tỷ đồng, dự kiến năm 2026 sẽ cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, hiện các dự án này vẫn đang gặp một số vướng mắc về giải phóng mặt bằng và vật liệu đắp nền.

Đặc biệt, một số dự án bị phát sinh nhiều chi phí, làm tăng tổng mức đầu tư dẫn đến phải trình cấp có thẩm quyền phê duyệt lại chủ trương đầu tư làm kéo dài thời gian thực hiện.

Có thể kể đến dự án đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh bị tăng tổng mức đầu tư từ 4.770 tỷ đồng thành 6.209 tỷ đồng do chi phí giải phóng mặt bằng và chi phí xây dựng tăng. Tương tự, dự án đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu cũng có tổng mức đầu tư tăng lên 3.818 tỷ đồng, tăng thêm 1.572 tỷ đồng so với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Dự án cầu Rạch Miễu 2 cũng tăng tổng mức đầu tư thêm 1.600 tỷ đồng và thời hạn hoàn thành được lùi sang năm 2026 thay vì năm 2025.

Trần Lê

Theo VietnamFinance