Hàng trăm dự án bất động sản tại TP Hồ Chí Minh chờ gỡ vướng pháp lý

Những vướng mắc liên quan đến pháp lý đã khiến hàng trăm dự án bất động sản tại TP Hồ Chí Minh nằm “bất động” trong những năm qua. Pháp lý cũng là vướng mắc lớn nhất của thị trường bất động sản cần phải được tháo gỡ nếu muốn thị trường phát triển lành mạnh và bền vững.

Hàng trăm dự án bất động sản tại TP Hồ Chí Minh chờ gỡ vướng pháp lý - Ảnh 1

Chia nhóm vướng mắc pháp lý đối với các dự án

Đánh giá về thị trường bất động sản thời điểm hiện tại, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh nhận định, thị trường bất động sản phát triển nhưng chưa ổn định, nguồn cung giữa các phân khúc tăng giảm không đều, cơ cấu sản phẩm mất cân đối. Nhiều dự án chủ đầu tư nhận cọc giữ chỗ lên đến 80% giá trị nhà, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng, nhất là khi pháp lý các dự án chưa đầy đủ.

Theo số liệu từ Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) trên địa bàn Thành phố hiện có khoảng 143 dự án đang gặp vướng mắc pháp lý khiến các chủ đầu tư và người mua nhà tại những dự án này rất khó khăn, bức xúc.

Chia sẻ tại tại đại hội Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) lần thứ IV nhiệm kỳ 2022-2027 diễn ra mới đây, ông Quân cho biết có thể chia các dự án đang vướng pháp lý trên địa bàn thành 3 nhóm để từng bước tháo gỡ.

Cụ thể bao gồm các nhóm: không thể thực hiện được; giải quyết được và nhóm hồ sơ cần báo cáo cấp trên xem xét. Từ đó, sẽ xác định các giải pháp cụ thể, tập trung tháo gỡ khó khăn pháp lý của các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản.

Đồng thời, ông Quân cũng đề nghị HoREA khi thực hiện các báo cáo, kiến nghị trong thời gian tới cần xác định thẩm quyền giải quyết trách nhiệm của các sở, nghành, đơn vị liên quan đồng thời đề xuất cụ thể phương hướng giải quyết phù hợp quy định pháp luật đối với từng trường hợp.

Yêu cầu các sở ngành chủ động trong công tác cải cách hành chính, nghiên cứu các giải pháp để tháo gỡ nhưng vướng mắc về xây dựng nhà ở, đất đai, góp phần phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, ổn định, bền vững.

Tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, thị trường bất động sản đang rất khó khăn, sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền; thiếu nguồn cung nhà ở đi liền với cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý, thiếu nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, thừa nhà ở cao cấp; giá nhà tăng liên tục vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân nên khó tạo lập được nhà ở.

Ông Châu cũng cho rằng, vướng mắc pháp lý của thị trường bất động sản hiện nay là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở, mà nếu không có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả thì thị trường bất động sản có thể trượt vào suy thoái, khủng hoảng có thể kéo theo suy thoái, khủng hoảng kinh tế, tác động bất lợi đến mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.

TS Sử Ngọc Khương - Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn Đầu Tư Savills Việt Nam nêu quan điểm, thực tế, thị trường bất động sản đã đối mặt với khó khăn về mặt pháp lý trong nhiều năm qua, do đó vấn đề tài chính chỉ là một yếu tố khiến tình trạng này khó khăn thêm. Để thị trường có thể phục hồi mạnh mẽ trở lại cần phải có hỗ trợ về pháp lý trong việc phát triển dự án cho các doanh nghiệp.

Gỡ vướng pháp lý cho dự án bất động sản là vấn đề cần được ưu tiên.  
Gỡ vướng pháp lý cho dự án bất động sản là vấn đề cần được ưu tiên.  

Nhằm khơi thông thị trường bất động sản, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ khẩn trương xem xét ban hành Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng và Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể của các dự án bất động sản, đô thị, nhà ở.

Trước đó, hôm 14/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có giải pháp và đẩy nhanh xử lý vướng mắc, còn doanh nghiệp cơ cấu lại dòng tiền, sản phẩm... để thị trường bất động sản sớm vượt khó.

Vào giữa tháng 11, Thủ tướng đã lập Tổ công tác đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho thị trường này. Tại công điện hôm đó, lãnh đạo Chính phủ kêu gọi các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp chung sức, hợp lực để vượt qua khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển đúng quy luật, an toàn, lành mạnh.

Kinh doanh và Phát triển