Hậu sốt đất, homestay được lòng nhà đầu tư

Trước thông tin thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại sau nhiều cơn sốt đất từ nửa đầu năm đến nay, nhiều nhà đầu tư thay vì đi gom đất đã chuyển hướng sang đầu tư homestay.

Hậu sốt đất, homestay được lòng nhà đầu tư - Ảnh 1

Với đà tăng trưởng do sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch, các loại hình homestay hoặc khu nghỉ dưỡng trở thành xu hướng được nhiều nhà đầu tư ưu ái lựa chọn. Nhu cầu thuê phòng lưu trú, nghỉ dưỡng tại các điểm du lịch trở nên nóng dần lên không chỉ về giá cả mà còn được dự đoán tăng trưởng về giá trị.

Anh Minh Nhật (TP.HCM) cho biết, trước đây khoản tiền nhàn rỗi anh sẽ lựa chọn mua và đầu tư đất nền tại các tỉnh, vùng ven. Thời gian gần đây, nhận thấy thị trường xuất hiện nhiều cơn sốt ảo, anh quyết định chuyển hướng sang đầu tư kinh doanh trên bất động sản để hạn chế rủi ro. Trong số đó, anh cho hay Đà Lạt là nơi anh dự định xây dựng homestay vừa tận dụng đất mua được lại còn đón sóng du lịch tiềm năng.

“Tôi dự định đầu tư 4 phòng homestay trên mảnh đất hơn 3.000 m2 ở Bảo Lộc (Lâm Đồng). Vì làm homestay nên chi phí xây dựng chỉ tầm gần chục tỷ đồng. Các căn homestay sẽ được xây dựng theo dạng nhà nguyên căn, với mức giá 4-5 triệu đồng/đêm (tuỳ thuộc thời gian thuê cuối tuần hay trong tuần). Mỗi căn homestay này ở được khoảng 7 - 8 người/đêm, nên rất phù hợp với du khách là gia đình, nhóm bạn trẻ.”, anh chia sẻ.

Theo anh Nhật, bạn bè anh cũng có hướng kinh doanh tương tự và cho thấy kết quả khá khả quan. Nhiều căn homestay trong bán kính gần đều kín phòng, khách hàng liên tục gọi đặt phòng, hầu như rất ít khi có phòng trống sẵn. Đặc biệt vào những dịp cuối tuần hoặc có sự kiện, lễ hội thì khách hàng đặt kín lịch trước hẳn một tháng.

“Thời điểm này thị trường bất động sản rất ít giao dịch, vì vậy chuyển sang kinh doanh homestay vừa có nguồn thu đều đặn hàng tháng, giá trị của khu đất cũng được nâng giá trị rõ rệt”, anh Nhật nói thêm.

Theo tính toán sơ bộ, mỗi tháng anh Nhật cho thuê được khoảng 15 đêm (bù trừ có những khi không full hết phòng), thì thu nhập cũng khoảng 300 - 400 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ thêm về những dự định trong tương lai, anh Nhật cho biết, anh sẽ tìm hiểu và nâng cấp các trang thiết bị và dịch vụ mới hơn để tạo điểm nhấn riêng biệt cho homestay. Với nhu cầu check-in địa điểm của giới trẻ, anh cho răng việc cập nhật xu hướng để khiến khách hàng quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm của mình là điều vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, anh cho biết anh vẫn khá lo lắng vì đây là lần đầu anh đầu tư vào loại hình này.

Tương tự anh Nhật, chị Vân Anh (Hà Nội) cũng cho hay, chị vốn chuyên đầu tư về đất nghỉ dưỡng ven đô nên lúc thị trường sốt, chị thường chỉ quan tâm đến việc mua bán trao tay các lô đất này kiếm lời. Nhưng từ khi thị trường chững lại, chị chuyển sang xây các căn homestay nghỉ dưỡng để vừa có thu nhập từ việc cho thuê phòng, vừa nâng giá trị đất của mình.

Chị tính toán, lô đất tại Sóc Sơn (Hà Nội) của chị có view hồ, nên làm du lịch nghỉ dưỡng rất phù hợp. Giá của nhiều căn villa nghỉ dưỡng tại khu vực này lên tới 15 - 20 triệu đồng/đêm cho khoảng 20 - 30 du khách. Bên cạnh đó, khi có khu nghỉ dưỡng xây dựng trên đất, lô đất chắc chắn sẽ có giá trị hơn so với khi hoang hóa.

“Tôi dự tính sẽ kinh doanh homestay vài năm để hoàn vốn và chờ thị trường sôi động, sau đó sẽ chuyển nhượng lại cả khu homestay này cho nhà đầu tư khác”, chị Vân Anh cho biết.

Theo các chuyên gia, khi thị trường nghỉ dưỡng nói riêng và bất động sản nghỉ dưỡng nói chung đang dần chạm đến điểm bão hoà, nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng và lưu trú của rất nhiều người cũng đang dần dịch chuyển theo. Bỏ qua những khu resort nghỉ dưỡng đắt đỏ hay khách sạn hạng sang, kinh doanh homestay đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho nhiều chủ đầu tư kinh doanh lưu trú.

Homestay đang là điểm đón nhu cầu đầu tư và nhu cầu nghỉ dưỡng. Theo xu hướng hiện nay, khách du lịch tìm đến các homestay nhiều hơn, với nhu cầu làm mới trải nghiệm du lịch nghỉ dưỡng của bản thân. Bên cạnh đó, đầu tư homestay, không cần đầu tư quá nhiều vào nguồn vốn, nguồn lực hay đặc biệt là đội ngũ nhân sự.

Theo Chất lượng và Cuộc sống