Hòa Phát cán mốc “kỷ lục” sản lượng, vượt xa Formosa nhờ “át chủ bài”

Với vị thế là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam sản xuất được thép cuộn cán nóng (HRC), Hòa Phát đã ghi dấu mốc 8 triệu tấn HRC vào ngày 24/10.

Cán mốc kỷ lục về sản lượng HRC

Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG) vừa thông báo về cột mốc sản lượng thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 8 triệu tấn sau 3 năm đưa vào sản xuất.

Báo cáo tốc độ tăng trưởng của sản lượng HRC tại Hòa Phát giai đoạn 2020-2023.
Báo cáo tốc độ tăng trưởng của sản lượng HRC tại Hòa Phát giai đoạn 2020-2023.

Tập đoàn Hòa Phát bắt đầu sản xuất HRC vào tháng 5/2020, song sản phẩm chỉ ứng dụng trong nội bộ. Đến tháng 11/2020, Hòa Phát mới chính thức cung cấp HRC cho thị trường nội địa và quốc tế. Sản phẩm hạ nguồn HRC của Hòa Phát gồm ống thép và tôn mạ đạt sản lượng lần lượt gần 48.000 tấn và 20.000 tấn trong tháng 9/2023, tương ứng tăng 20% và 75% so với tháng 8. Con số sản lượng năm 2025 dự kiến đạt 5,6 triệu tấn/năm, qua đó công suất thép thô của Hòa Phát sẽ đạt 14 triệu tấn/năm.

“Cú nhảy” về doanh số này là do trong năm qua, nhà máy Hòa Phát đã thực hiện các cải tiến về công nghệ trong dây chuyền sản xuất. Cụ thể, tập đoàn đã đưa vào vận hành máy tạo cuộn số 3 từ cuối năm 2022, nhằm nâng công suất tạo cuộn, đảm bảo phương án dự phòng cho quá trình sản xuất liên tục. Hơn nữa, đầu tháng 1/2023, Hòa Phát cũng đưa vào thử nghiệm giá cán F5, với khả năng cán mỏng HRC từ 1.5mm xuống 1.2 mm nhằm cải thiện kích thước hình học của sản phẩm.

Trong quý II/2023, Tập đoàn Hòa Phát đạt doanh thu và lợi nhuận đạt 29.800 và 1.448 tỉ đồng, lần lượt giảm 21% và 64% so với cùng kì năm trước. Trong báo cáo 6 tháng đầu năm, Hòa Phát đã đạt 56.665 tỉ đồng về doanh thu, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế hơn 1.830 tỉ đồng, giảm 85%. Mặc dù ghi nhận con số giảm mạnh với cùng kỳ năm 2022, song lợi nhuận trong quý 2 năm 2023 của Hòa Phát vẫn gấp gần 3,8 lần so với lợi nhuận quý 1.

Sản lượng vượt xa Formosa - “ông lớn” thép ngoại tại Việt Nam

Hòa Phát kỳ vọng đưa HRC vươn ra thị trường nước ngoài.
Hòa Phát kỳ vọng đưa HRC vươn ra thị trường nước ngoài.

Nhu cầu thị trường của HRC mỗi năm đang là khoảng 13 triệu tấn, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải nhập khẩu khoảng 60% con số này. Sản phẩm HRC là nguyên liệu chính cho các hoạt động sản xuất ống thép, tôn mạ, kết cấu thép, chế tạo cơ khí, ô-tô, và sản phẩm gia dụng.

Formosa, có tên gọi khác là Tập đoàn Thép Hà Tĩnh (FHS) cũng là doanh nghiệp có vốn FDI lớn nhất tại Việt Nam, với số tổng số vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ USD. Nhà máy Formosa cũng có sản phẩm chủ lực là HRC.

Trong báo cáo 9 tháng năm 2023, Formosa Hà Tĩnh đạt sản lượng hơn 3,4 triệu tấn thép các loại (tăng 2,6 % so với cùng kỳ năm 2022) với doanh thu đạt trên 3 tỷ USD.

Tuy nhiên, con số lũy kế 9 tháng năm 2023 của Tập đoàn Hòa Phát, sản lượng đạt hơn 4,8 triệu tấn thép thô, tuy giảm 21% so với cùng kỳ 2022, vẫn “vượt xa” Formosa và trở thành đơn vị sản xuất thép nhiều nhất khu vực Đông Nam Á.

Hòa Phát khẳng định sản xuất thép và những nguyên liệu thép liên quan là hoạt động kinh doanh chủ lực, trong đó sản xuất HRC sẽ là “con át chủ bài” đóng góp lợi nhuận sau thuế chính của Tập đoàn. Tuy nhiên, trong những năm tiếp theo, Tập đoàn sẽ mở rộng sản xuất thép chất lượng cao, đầu tư vào các sản phẩm chi tiết như ốc vít, dự ứng lực... 

Theo Chất lượng và cuộc sống