Hòa Phát mua mỏ quặng sắt tại Úc: Sáng suốt

GS.TSKH Phạm Phố đánh giá bước đi của Hòa Phát rất sáng suốt, giúp doanh nghiệp này có được nguồn cung ổn định, lâu dài.

Ngày 31/5, Tập đoàn Hòa Phát thông báo đã mua thành công mỏ quặng sắt tại Úc.

Theo đó, ngày 28/5, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài Liên bang Úc (FIRB) đã chấp thuận phê duyệt hợp đồng mua 100% cổ phần dự án mỏ quặng sắt Roper Valley của công ty con tại Úc thuộc Tập đoàn Hòa Phát. Mỏ quặng sắt Roper Valley có trữ lượng ước tính đạt 320 triệu tấn.

Sau khi giao dịch hoàn tất, Hòa Phát là chủ sở hữu dự án quặng sắt Roper Valley với trữ lượng dự đoán 320 triệu tấn và công suất khai thác 4 triệu tấn/năm.

Hòa Phát cho biết, tập đoàn này tiếp tục nghiên cứu để đầu tư mua tiếp một số mỏ sắt mới tại Úc, nhằm đảm bảo về lâu dài nguồn cung ít nhất 50% nhu cầu quặng sắt của Tập đoàn (tương đương 10 triệu tấn/năm).

Bên cạnh đó, nguyên liệu cấu thành đến 30% giá thép là than luyện cốc hiện được Hòa Phát nhập khẩu từ nước Úc – thị trường cung cấp than luyện cốc lớn nhất thế giới. Tập đoàn đang nghiên cứu để trong tương lai có thể sẽ mua một vài mỏ than luyện cốc của Úc nhằm từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu sản xuất quan trọng này.

Trao đổi với Đất Việt, chuyên gia luyện kim - GS.TSKH Phạm Phố đánh giá, bước đi này của Hòa Phát rất sáng suốt, giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu một cách ổn định, lâu dài.

Theo ông, bình thường Úc ít khi bán cả mỏ, tuy nhiên hiện nay, do căng thẳng chính trị và thương mại với Trung Quốc khiến Bắc Kinh hạn chế mua quặng sắt của Canberra, điều kiện Úc bán cả mỏ quặng cho Việt Nam trở nên dễ dàng hơn mà không tăng giá.

Hòa Phát mua mỏ quặng sắt tại Úc: Sáng suốt - Ảnh 1
Mỏ quặng sắt Roper Valley có trữ lượng ước tính đạt 320 triệu tấn. Ảnh: Hòa Phát

"Với bước đi này, Hòa Phát chủ động được nguồn nguyên liệu, chỉ còn phải lo vấn đề khai thác và vận tải. Doanh nghiệp phải cho người sang giám sát, điều hành, cùng với đội ngũ công nhân nước bạn khai thác.

Phần đông nhà máy thép của Việt Nam dựa vào sắt thép vụn để sản xuất. Tuy nhiên, sắt thép vụn hiện nay hạn chế, giá lại tăng, chất lượng kém, chưa kể khó khăn trong vận chuyển. Có thể nói, những doanh nghiệp sản xuất thép bằng công nghệ lò điện, sử dụng sắt thép vụn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong tương lai. Cho nên, bước đi lần này của Hòa Phát rất quan trọng", GS Phố nhận xét.

Vị chuyên gia cũng đánh giá cao kết hoạch mua mỏ than luyện cốc của Hòa Phát.  Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, mua mỏ than để sản xuất cốc là rất khó, quá trình sản xuất cốc tốn nhiều tiền. Do đó, thường thì doanh nghiệp hợp tác, cổ phần với đối tác ở Úc sẽ dễ dàng hơn là tự chủ hoàn toàn.

"Dĩ nhiên việc này doanh nghiệp tùy điều kiện cụ thể mà lựa chọn. Để sản xuất ra cốc thì phải dùng than mỡ, không phải than đá. Hàm lượng carbon trong đó cao và chứa cả một lượng dầu nhất định. Khi nung lên, lượng dầu bốc hơi, để lại những rỗ xốp. Những rỗ xốp này sẽ làm cho luồng khí chuyển động, không bị tắc và nó sẽ cung cấp nhiên liệu liên tục.

Nếu doanh nghiệp mua được mỏ quặng, đồng thời liên kết với đối  tác ở Úc để sản xuất ra cốc thì rất tốt. Việc này tùy theo khả năng điều hành của doanh nghiệp, muốn sản xuất ra cốc thì phải có những chuyên gia  giỏi, còn quặng thì đơn giản - chỉ việc đào, đãi rồi mang về.

Nếu phương hướng của doanh nghiệp là mua được mỏ than mỡ thì chở than mỡ về Việt Nam, sản xuất cốc tại Việt Nam thì tốt và cũng đơn giản hơn, do quá trình sản xuất ra than cốc còn nhiều sản phẩm khác.

Ví dụ, khi luyện cốc, khí bốc lên chứa rất nhiều nhiên liệu, trong đó CO rất cao, cho giá trị điện năng cao, cung cấp cho quá trình sản xuất điện, nung lò hơi...", GS.TSKH Phạm Phố phân tích.

Ông cũng lưu ý sản xuất thép từ quặng có quy trình phức tạp hơn sản xuất thép từ phế liệu (sắt thép vụn) và giá thành cũng thấp hơn. Còn chất lượng thép ra sao tùy vào quá trình sản xuất. Ngay cả thép vụn muốn sản xuất ra thép tốt thì phải  tuyển, phân loại kỹ càng. Hiện nay thép vụn trên thế giới còn ít, nhiều tạp chất, doanh nghiệp sản xuất mua về thì phải làm kỹ bước tuyển, phân loại, mà như vậy tốn rất nhiều tiền.

Về vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường, GS Phố cho hay, lò cao phức tạp hơn lò điện sử dụng sắt thép vụn. Khi lò cao thải ra khí thì phải đầu tư thiết bị thu hồi bụi than để sử dụng lại. Tương tự, khí thải ra chứa nhiều CO, nếu để bay ra ngoài môi trường rất độc hại, do vậy phải thu hồi để đưa trở lại đốt trong các lò điện hoặc lò nung. 

Nói như vậy không có nghĩa lò điện không phải xử lý ô nhiễm môi trường. Bản thân lò điện cũng phải trang bị thiết bị thu lại khí thải, bụi than và lọc.

Bởi công nghệ, thiết bị để xử lý ô nhiễm môi trường rất tốn kém nên theo GS Phố, quan trọng là các nhà máy sản xuất thép có chịu đầu tư hay không.

Thành Luân

Theo Đất Việt