Lãnh đạo Hòa Phát: “Không ai có thể làm thép mãi được”, chuẩn bị đầu tư dự án nào tại Cần Thơ?
Việc CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) chuyển mình sang lĩnh vực bất động sản có lẽ không còn quá bất ngờ. Trên thực tế doanh nghiệp này cũng đã đầu tư nhiều dự án từ sớm. Mới đây Hoà Phát đã được UBND TP Cần Thơ cho khảo sát dự án quy mô 88,2 ha tại Cái Răng và dự án 6,24 ha tại Ninh Kiều.
Góp 2.000 tỷ lập công ty BĐS, Hòa Phát đang làm ăn thế nào?
Cụ thể, vừa qua Hòa Phát đã công bố nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc góp gần 2.000 tỉ thành lập CTCP Bất động sản Hòa Phát. Theo đó, doanh nghiệp được thành lập có vốn điều lệ là 2.000 tỉ đồng. Trong đó, HPG chiếm 99,9% vốn điều lệ, tương ứng vốn góp là 1.998 tỉ đồng. Bất động sản Hòa Phát có trụ sở chính tại số 66 phố Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Trước đó, vào ngày 28.9.2001, HPG đã thành lập công ty con là CTCP Xây dựng và Phát triển Đô thị Hòa Phát có vốn điều lệ 1.300 tỉ đồng. Trong đó, HPG sở hữu 99,85% vốn. Đô thị Hòa Phát hoạt động chính trong các lĩnh vực đầu tư và xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp để cho thuê lại, đầu tư và kinh doanh bất động sản và xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp.
Về tình hình kinh doanh của Tập đoàn Hòa Phát, doanh thu chủ yếu vẫn từ việc “làm thép”. Cụ thể, theo BCTC hợp nhất Quý 1/2021 cho thấy, lợi nhuận sau thuế trong quý của công ty đạt 7.006 tỷ đồng, tăng 4.701 tỷ đồng, tăng 204% so với Quý 1/2020 (2.305 tỷ đồng).
Theo giải trình kết quả Quý 1/2021 của Hòa Phát, công ty cho biết kết quả trên chủ yếu do sản lượng thép thô tiêu thụ 60% so với cùng kỳ, giá vốn tốt, giá bán tốt, đồng thời mảng nông nghiệp tiếp tục tăng mạnh.
Tại ngày 31/3/2021 tổng tài sản Hào Phát đạt 139.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ kinh doanh BĐS chỉ chiếm 3.584 tỷ đồng. Đồng thời tổng nợ phải trả đạt 72.760 tỷ đồng.
Chuẩn bị đầu tư những dự án nào tại Cần Thơ?
Việc Hòa Phát tìm đường lấn sân sâu vào lĩnh vực bất động sản không còn là bất ngờ với nhiều người, khi mà trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trần Đình Long cho biết, trong tương lai HPG sẽ có sự chuyển hướng tập trung vào nhiều mảng, trong đó mảng bất động sản và phân khúc nhà ở sẽ được quan tâm nhiều hơn so với bất động sản công nghiệp.
Nói về hướng đi mới này, ông Trần Đình Long tuyên bố tại đại hội: “Chúng ta đang có uy tín, có tiếng trên thị trường. Năm vừa rồi chúng tôi liên tục đi địa phương tìm tòi để phát triển các dự án giá vốn thấp. Lúc nào cũng vậy, trước đây, hiện nay và sau này cũng sẽ tìm dự án để M&A và chỉ M&A khi chắc chắn có lợi nhuận”.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, Hòa Phát đang là chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng nhiều khu công nghiệp như Khu công nghiệp Phố Nối A, Khu công nghiệp Yên Mỹ II tại tỉnh Hưng Yên, hay Khu công nghiệp Hoà Mạc tại tỉnh Hà Nam. Bên cạnh đó còn có dự án Mandarin Garden hay Chung cư Hòa Phát 257 Giải Phóng.
Quyết định “đổi hướng” trong danh mục kinh doanh của Hòa Phát có thể nói có khá nhiều triển vọng, khi ngành thép đã mang đến cho HPG những khoản lợi nhuận vững chắc và khổng lồ, là bàn đạp quan trọng để doanh nghiệp có thể tiến xa hơn trong những dự định mới của mình.
Và mới đây, Hoà Phát đã được UBND TP Cần Thơ cho khảo sát dự án quy mô 88,2 ha tại Cái Răng và dự án 6,24 ha tại Ninh Kiều.
Cụ thể, Dự án khu đô thị thương mại – dịch vụ tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng có quy mô 88,2 ha, trong đó khu nhà ở là 58,1 ha, diện tích còn lại là trung tâm hội chợ triển lãm. Khu đô thị thương mại – dịch vụ thứ hai tại đường Lê Lợi và Trần Văn Khéo thuộc phường Cái Khế, quận Ninh Kiều có quy mô 6,24 ha.
Lãnh đạo Cần Thơ cho biết sẽ tạo điều kiện cho Hoà Phát nghiên cứu đầu tư nhưng lưu ý quyết định lần này không mang ý nghĩa chấp thuận chủ trương đầu tư hay chủ đầu tư dự án. Hoà Phát có 6 tháng để khảo sát, nghiên cứu các dự án tính từ ngày 6/5. Doanh nghiệp tự chi trả các chi phí liên quan đến hoạt động này và không được làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu vực.