Hòa Phát phát hành hơn 1,3 tỷ cổ phiếu trả cổ tức năm 2021, tỷ lệ 30%
Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của CTCP Tập đoàn Hòa Phát tăng lên 58.148 tỷ đồng, cao nhất trên thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện tại.
Vốn điều lệ lớn nhất sàn chứng khoán
Hòa Phát thông báo 17/6 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức năm 2021 bằng tiền và bằng cổ phiếu năm 2021, gồm 5% tiền mặt (mỗi cổ phiếu nhận 500 đồng) và 30% bằng cổ phiếu (người sở hữu 10 cổ phiếu được nhận 3 cổ phiếu mới).
Hiện nay, Hòa Phát có 4.472.922.706 cổ phiếu đang lưu hành và sẽ phát hành thêm 1.341.876.811 cổ phiếu. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của Hòa Phát tăng lên 58.148 tỷ đồng, vượt qua BIDV, VietinBank, Vietcombank, VPBank để trở thành doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất sàn chứng khoán.
Tuy nhiên, ngôi vương của Hòa Phát sớm thuộc về VPBank khi ngân hàng này có kế hoạch tăng vốn từ 45.057 tỷ đồng lên 79.334 tỷ đồng ngay trong năm nay. Ngoài ra, vốn điều lệ của VietinBank và BIDV cũng sớm vượt qua Hòa Phát khi hai ngân hàng này đang trình các cơ quan quản lý kế hoạch tăng lên mức 63.376 tỷ đồng đối với VietinBank và 61.208 tỷ đồng đối với BIDV.
Cổ phiếu HPG giảm sâu, thổi bay 112.270 tỷ đồng
Cổ phiếu HPG của Hòa Phát từng được mệnh danh là “cổ phiếu quốc dân”, luôn nằm trong top giá trị giao dịch của thị trường chứng khoán với thanh khoản trị giá hàng ngàn tỷ đồng/phiên. Vốn hóa từng đạt 261.219 tỷ đồng vào 18/10/2021 và lọt vào top 4 của thị trường chỉ sau bộ ba Vietcombank, Vingroup, Vinhomes.
Thế nhưng ngành thép mang tính chất chu kỳ. Điều này đã tác động mạnh đến giá cổ phiếu HPG nói riêng và ngành thép nói chung. Đóng cửa ngày 6/6/2022, cổ phiếu HPG chỉ còn 33.300 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giảm 43% từ đỉnh đã khiến vốn hóa của Hòa Phát bị bốc hơi 112.270 tỷ đồng và chỉ còn 148.948 tỷ đồng. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư tin tưởng “cổ phiếu quốc dân” bị cháy tài khoản khi full margin.
Đà lao dốc của cổ phiếu HPG chưa có dấu hiệu dừng lại khi kết quả kinh doanh được dự báo giảm trong thời gian tới do giá thép đi xuống. Năm 2022, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 160.000 tỷ đồng, tăng 7% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế ở mức 25.000 - 30.000 tỷ đồng, giảm 13 - 27,5%. Trong khi đó, năm 2021, doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 66% và 160% so với năm trước.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát đánh giá kế hoạch kinh doanh năm 2022 là kế hoạch thách thức. Do ngành thép đang bước vào thời kỳ khó khăn và dự báo kết quả kinh doanh quý 2, 3 và cả năm sẽ “thê thảm”.