ĐHĐCĐ Hòa Phát: Cổ đông HPG thắc mắc vì sao doanh nghiệp lại đặt mục tiêu lợi nhuận đi lùi?

Sáng nay 24/5, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2022. Theo đó, hai nội dung chính được cổ đông thảo luận là kế hoạch kinh doanh năm 2022 và phương án cổ tức năm 2021.

Tại đại hội, Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát đề xuất phương án doanh thu hợp nhất năm nay 160.000 tỷ đồng, tăng gần 7% so với thực hiện năm ngoái và là mức cao chưa từng thấy trong lịch sử Hòa Phát.

Lợi nhuận sau thuế phấn đấu đạt 25.000 – 30.000 tỷ đồng, cao hơn kết quả năm 2020 nhưng thấp hơn 13-28% so với năm 2021 như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Quý I vừa qua, Hòa Phát ghi nhận doanh thu khoảng 44.400 tỷ và lãi sau thuế 8.200 tỷ, tức là đã thực hiện khoảng 28% mục tiêu doanh thu và 27% kế hoạch lợi nhuận.

Về cổ tức năm 2021, Hòa Phát đề xuất phương án chi trả tổng tỷ lệ 35%, bao gồm 5% bằng tiền mặt và 30% bằng cổ phiếu.

Như vậy, nhà đầu tư nắm giữ 100 cổ phiếu HPG tại ngày chốt quyền sẽ được nhận 50.000 đồng tiền mặt (chưa trừ thuế, phí) và 30 cổ phiếu HPG mới. Nhiều cổ đông tại đại hội thường niên sáng 24/5 đã đề xuất Hòa Phát nâng tỷ lệ cổ tức tiền mặt lên 10%, tương đương 1.000 đồng/cp.

Ông Trần Đình Long - chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát phát biểu tại ĐHĐCĐ diễn ra sáng nay ngày 24/5.
Ông Trần Đình Long - chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát phát biểu tại ĐHĐCĐ diễn ra sáng nay ngày 24/5.

Với việc Hòa Phát đặt mục tiêu năm 2022 thấp hơn mức 34.521 tỷ đồng của năm ngoái nhiều cổ đông HPG đã chất vấn tại sao công ty lại đặt mục tiêu đi xuống. Chủ tịch Trần Đình Long lý giải rằng ngành thép đang gặp nhiều khó khăn.

“Quý vị cứ đợi kết quả kinh doanh quý II, quý III, quý IV đi rồi sẽ thấy. Lúc này ngành thép đang không thuận lợi. Đợi hai tháng nữa sẽ có kết quả kinh doanh quý II, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào”, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát nói.

Nguyên nhân thứ nhất là giá nguyên vật liệu tăng mạnh do xung đột Nga - Ukraine làm giá than luyện coke tăng 100 - 200 USD/tấn, ông Long chỉ ra. Nguyên nhân thứ hai là chính sách Zero COVID của Trung Quốc khiến cho nhu cầu thép giảm.

Khi xung đột Nga - Ukraine mới bùng ra, nhiều người cho rằng ngành thép Việt Nam sẽ hưởng lợi từ việc bớt đi hai đối thủ cạnh tranh do Nga và Ukraine đều là hai nhà sản xuất thép lớn. Tuy nhiên, thực tế không phải màu hồng như vậy, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát chia sẻ.

Ông Long cũng trấn an cổ đông bằng khẳng định: Trong bất cứ hoàn cảnh nào Hòa Phát cũng luôn có kết quả tốt nhất ngành thép, hơn tất cả doanh nghiệp khác.

An Nhiên

Theo Chất lượng và Cuộc sống