Hoa Sen (HSG) của đại gia Lê Phước Vũ đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực bất động sản

CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Mã CK: HSG) vừa thông qua kế hoạch góp thêm vốn vào công ty bất động sản tại Yên Bái để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và triển khai dự án.

Hoa Sen (HSG) của đại gia Lê Phước Vũ đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực bất động sản
Hoa Sen (HSG) của đại gia Lê Phước Vũ đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực bất động sản

Cụ thể, Hoa Sen dự kiến góp thêm 81 tỷ đồng vào CTCP Hoa Sen Yên Bái để nâng vốn điều lệ từ 340 tỷ đồng lên 421 tỷ đồng, thời gian hoàn thành góp vốn là ngày 21/2/2023.

Phía Hoa Sen cho biết, hình thức tăng tỷ lệ sở hữu sẽ được tập đoàn thực hiện bằng cách mua thêm 8,1 triệu cổ phiếu do CTCP Hoa Sen Yên Bái phát hành để huy động vốn, mệnh giá mỗi cổ phiếu là 10.000 đồng.

Được biết, số tiền huy động được, CTCP Hoa Sen Yên Bái sẽ dùng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và triển khai dự án.

Sau tăng vốn, vốn điều lệ của CTCP Hoa Sen Yên Bái là 421 tỷ đồng. Trong đó, Hoa Sen sở hữu 95,962% vốn điều lệ, tiếp tục ghi nhận đầu tư vào công ty con và còn lại 4,038% vốn điều lệ thuộc về nhóm cổ đông khác.

Quyết định của HSG về việc góp thêm vốn vào Hoa Sen Yên Bái.  
Quyết định của HSG về việc góp thêm vốn vào Hoa Sen Yên Bái.  

Theo tìm hiểu, CTCP Hoa Sen Yên Bái được thành lập ngày 5/5/2016, có trụ sở tại phường Đồng Tâm, tỉnh Yên Bái với lĩnh vực kinh doanh chính là cho thuê văn phòng, kinh doanh nhà. Đây cũng chính là chủ đầu tư của dự án Trung tâm thương mại, khách sạn Hoa Sen Yên Bái với tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng.

Trước đó, Hoa Sen từng chuyển nhượng để rút hết vốn ra khỏi 3 dự án bất động sản và 1 dự án logistics là dự án Cảng Quốc tế Hoa Sen – Gemadept. Cụ thể, Tập đoàn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ tiếp tục chuyển nhượng dự án tại Đường Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long B, quận 9, TP HCM để thu hồi vốn đầu tư, tổng giá trị chuyển nhượng gần 140 tỷ đồng.

Mặt khác, cũng do khó khăn về tài chính khiến Hoa Sen quyết định ngừng triển khai Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái Đầm Vân Hội – Yên Bái hồi tháng 9/2018.

Về tình hình kinh doanh, theo BCTC quý 1 niên độ tài chính 2022-2023 (1/10/2022-31/12/2022), của Hoa Sen cho thấy, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 7.917,4 tỷ đồng, giảm 53,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ quý thứ hai liên tiếp, giá trị lỗ là 680,2 tỷ đồng.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1 niên độ tài chính 2022-2023 (1/10/2022-31/12/2022) của HSG.  
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1 niên độ tài chính 2022-2023 (1/10/2022-31/12/2022) của HSG.  

Trước đó, quý 4 niên độ tài chính 2021-2022, Hoa Sen cũng ghi nhận lỗ 886,98 tỷ đồng. Như vậy, trong hai quý liên tiếp, Hoa Sen đã ghi nhận lỗ 1.567,18 tỷ đồng.

Về kế hoạch sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, mới đây Hoa Sen đã công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên niên độ tài chính 2022-2023 đề cập đến các phương án kinh doanh khác nhau.

Theo đó, Hoa Sen đưa ra hai hoạch kinh doanh theo sản lượng tiêu thụ với lợi nhuận 100 tỷ đồng và 300 tỷ đồng, đều thấp so với kế hoạch 10 năm trở lại đây.

Kịch bản đầu tiên của Hoa Sen dựa trên sản lượng tiêu thụ 1,52 triệu tấn, gồm 1,4 triệu tấn thành phẩm và 152.000 tấn phụ phẩm, tương đương 84% kết quả thực hiện niên độ trước. Doanh thu niên độ này dự kiến đạt 34.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế trong phương án này phấn đấu đạt 100 tỷ đồng, thấp hơn cả mức 251 tỷ của năm tài chính 2021-2022.

Với kịch bản khả quan hơn là tiêu thụ được 1,63 triệu tấn, bao gồm 1,5 triệu tấn thành phẩm và 130.000 tấn phụ phẩm. Ở phương án này, tập đoàn của Chủ tịch Lê Phước Vũ dự kiến thu 36.000 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế 300 tỷ đồng.

Phía Hoa Sen cho biết, xuất khẩu thép năm nay tiềm ẩn nhiều bất ổn trong bối cảnh ngày càng nhiều thách thức về cạnh tranh và rào cản thương mại. Bên cạnh đó, các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang cũng được đánh giá sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất của công ty.

An Nhiên

Theo Kinh doanh và Phát triển