TP Hồ Chí Minh: Hoa Sen đề nghị cấp giấy đi đường, đồng phục cho nhân viên xuất nhập khẩu
Với yêu cầu của UBND TP Hồ Chí Minh về tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông kể từ 0h ngày 23/8, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen lo ngại nếu nhân viên xuất nhập khẩu, nhân viên chứng từ không được di chuyển để xử lý công việc theo quy định mới, hoạt động sản xuất - xuất khẩu sẽ bị đình trệ, gây tổn thất rất lớn.
Ngày 21/8, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (Hoa Sen) có công văn gửi UBND TP Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam đề nghị cấp giấy đi đường, đồng phục cho nhân viên xuất nhập khẩu và chứng từ.
Hoa Sen cho biết, văn phòng chính của họ đặt tại TP Hồ Chí Minh có chức năng điều hành hoạt động sản xuất, cung ứng, xuất - nhập khẩu của 9 nhà máy trên cả nước. Do đó việc di chuyển của nhân viên xuất - nhập khẩu, nhân viên chứng từ ngân hàng là hết sức cấp thiết để giải quyết các thủ tục tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Cụ thể là xin cấp chứng nhận xuất xứ để xuất khẩu hàng hoá (tại Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực tỉnh Bình Dương, hoặc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - tại TP Hồ Chí Minh và Bình Dương), lấy vận đơn gốc tại các hãng tàu, xuất trình bộ chứng từ thanh toán L/C tại các ngân hàng.
Các nhân viên xuất nhập khẩu và chứng từ buộc phải di chuyển vì các thủ tục này phải thực hiện bằng giấy (không có thủ tục online).
Hiện nay, Hoa Sen đang sản xuất và xuất khẩu khoảng 200 nghìn tấn hàng hoá mỗi tháng, các hợp đồng xuất khẩu của công ty đã ký đến cuối năm, tiến độ giao hàng rất gấp. Trong khi đó tình trạng giao thông gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là tình trạng ách tắc cầu cảng xuất - nhập khẩu.
"Vì vậy, chúng tôi rất lo ngại nếu nhân viên xuất – nhập khẩu, nhân viên chứng từ ngân hàng không được di chuyển để xử lý công việc theo quy định mới, hoạt động sản xuất - xuất khẩu sẽ bị đình trệ. Chúng tôi sẽ phải đối mặt với tổn thất rất lớn, trách nhiệm bồi thường cho các khách hàng quốc tế là chưa thể lường trước được", Hoa Sen bày tỏ.
Trước tình hình này, Hoa Sen đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận cấp giấy đi đường, cấp đồng phục cho một số nhân viên chuyên trách của DN để xử lý các công việc trong lĩnh vực xuất - nhập khẩu, ngân hàng nêu trên. Công văn đề nghị này được gửi kèm theo danh sách nhân viên của Hoa Sen.
Với Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam, Hoa Sen đề nghị cùng xem xét và có ý kiến để tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất – xuất khẩu song song với việc phòng chống dịch an toàn, hiệu quả.
Ngày 21/8, UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản số 2795/UBND-VX về việc tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Theo đó, từ 0h ngày 23/8/2021 đến ngày 6/9/2021, tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của TP, của Trung ương đóng trên địa bàn TP triển khai thực hiện phương án 3 tại chỗ hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” (tối đa 1/4 tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị) và phải có mặt tại cơ quan, đơn vị trước 0h ngày 23/8.
Các nhóm đối tượng được phép tham gia lưu thông vẫn thực hiện theo Công văn số 2718/UBND-VX ngày 15/8/2021 của UBND, bắt buộc có giấy đi đường và dấu hiệu nhận diện theo quy định.
Cách thức nhận diện gồm mẫu giấy đi đường (thực hiện theo mẫu) và đồng phục. Với đồng phục, các ngành có đồng phục ngành và công nhân thực hiện các dịch vụ công ích. Riêng công chức, viên chức và các nhóm lực lượng tham gia, hỗ trợ phòng chống dịch khác: mặc áo nhận diện do TP cấp.