Hoàn thiện phương án tăng vốn cho Big 4 ngân hàng
Chính phủ đã hoàn thiện hồ sơ tăng vốn cho Vietcombank, BIDV, VietinBank; hoàn thiện các thủ tục chuyển cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.
Trong báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chính phủ đã cập nhật tiến độ tăng vốn cho nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước.
Theo đó, Chính phủ đã trình cấp có thẩm quyền phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại ngân hàng Vietcombank. Cùng với đó, hoàn thiện hồ sơ tăng vốn điều lệ đối với các ngân hàng Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Ngân hàng Hợp tác xã.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã hoàn thiện các thủ tục chuyển cấp bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng Agribank theo các nghị quyết, quyết định của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.
Chính phủ cho hay, các ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) cả về quy mô vốn, tài sản, huy động vốn và tín dụng. Các giải pháp nâng cao năng lực tài chính, tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục được triển khai tích cực.
Trước đó, tại phiên họp chiều 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank theo tờ trình của Chính phủ.
Trong tờ trình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank với số tiền hơn 20.695 tỷ đồng.
Nguồn vốn đầu tư bổ sung từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông nhà nước từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 của Vietcombank.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay Thường trực Ủy ban nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc đưa nội dung này vào nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Nhóm Big4 rất cần tăng vốn để giữ vững vai trò dẫn dắt ngành ngân hàng Việt Nam. Nhưng vì đặc thù hoạt động, quá trình tăng vốn của các ngân hàng này cần phải được NHNN, Bộ Tài chính, Chính phủ, Quốc hội phê duyệt. Việc này phải đi xin từng năm, theo trình tự khiến cho thời gian phê duyệt bị kéo dài.
Trong khi đó, việc tăng vốn của nhóm ngân hàng tư nhân dễ dàng hơn khi chỉ cần sự đồng thuận của cổ đông và đáp ứng các quy định về giới hạn sở hữu.
Hệ quả của tình trạng này là quỹ lợi nhuận chưa phân phối của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước liên tục mở rộng qua các năm nhưng vốn điều lệ đã bị các ngân hàng tư nhân lớn như Techcombank và VPBank "vượt mặt".
Liên quan đến chuyện tăng vốn điều lệ của nhóm Big 4 ngân hàng, NHNN vừa quyết định điều chỉnh vốn điều lệ của Agribank từ 40.963 tỷ đồng lên 51.639 tỷ đồng kể từ 4/10/2024. Đây là một bước tiến quan trọng giúp Agribank cải thiện năng lực tài chính và đảm bảo khả năng mở rộng hoạt động.
Với mức vốn điều lệ mới, Agribank hiện là ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ 7 trong toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam. Nhưng so với nhóm Big4, Agribank vẫn có mức vốn điều lệ thấp nhất và đứng sau ba ngân hàng thương mại cổ phần là MB (hơn 52.100 tỷ đồng) và Techcombank (70.450 tỷ đồng) và VPBank (hơn 79.300 tỷ đồng).