Hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn tiếp tục sôi nổi trong tháng 12/2022

Trong tháng 12/2022, hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn một phần hoặc toàn bộ các lô trái phiếu đáo hạn vào năm 2023, 2024 tiếp tục diễn ra sôi động tại loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng rồi đến ngân hàng, công ty chứng khoán...

Trong tháng 12/2022, hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn một phần hoặc toàn bộ các lô trái phiếu đáo hạn vào năm 2023, 2024 tiếp tục diễn ra sôi động tại loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng rồi đến ngân hàng, công ty chứng khoán...

Số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu cho thấy, tính từ đầu năm tới ngày 23/12/2022, giá trị phát hành trái phiếu mới (cả phát hành ra công chúng lẫn phát hành riêng lẻ) đạt gần 255.000 tỷ đồng, giảm gần 62% so với cùng kỳ. Trong đó, phát hành trái phiếu ra công chúng giảm 61% (chiếm tỷ lệ 4% tổng giá trị phát hành), còn TPDN phát hành riêng lẻ giảm tới 63% (chiếm 96% tổng giá trị phát hành).

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu, tính từ đầu năm đến ngày 23/12/2022, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại đạt gần 200.000 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2021. Việc mua lại trước hạn tăng bất thường một phần do thị trường bất lợi, song đa phần là do làn sóng bán tháo trái phiếu của các trái chủ.

Như vậy, nếu trừ đi số trái phiếu mua lại trước hạn, năm 2022, doanh nghiệp chỉ huy động thêm được gần 55.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu, bằng 1/10 lượng phát hành ròng ra thị trường năm 2021. Điều này đồng nghĩa, doanh nghiệp bị hụt gần nửa triệu tỷ đồng vốn huy động qua kênh trái phiếu so với năm ngoái. Trong năm 2021, các doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu mới thành công 658.000 tỷ đồng, trong khi chỉ mua lại trước hạn 116.000 tỷ đồng.

Nguồn: Internet.
Nguồn: Internet.

Doanh nghiệp bất động sản, xây dựng nháo nhào mua lại trái phiếu trước hạn

Tại chuyên trang trái phiếu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 12/2022, các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng tiếp tục ghi nhận hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn diễn ra sôi nổi. Theo đó, lần lượt các tập đoàn địa ốc, như: Novaland, Hưng Thịnh Land, Phát Đạt, CenGroup, Hưng Thịnh Land, Gelex, Cao ốc Phương Đông, Tổng cty Sông Đà, Tổng cty Xây dựng Trường Sơn,Tập đoàn Danh Khôi,… đã công bố mua lại chính các lô trái phiếu vừa phát hành trong quý 3/2022 với giá trị mua lại từ vài chục tỷ đồng đến vài trăm tỷ đồng.

Chẳng hạn, Công ty TNHH Đầu tư và kinh doanh bất động sản khu đông ngày 21/12/2022 thực hiện mua lại 131,4 tỷ đồng lô trái phiếu mã KD200-241219 trị giá 200 tỷ đồng được phát hành ngày 24/12/2019 và đáo hạn ngày 24/12/2022.Khối lượng còn lại sau khi mua là 68,5 tỷ đồng. Cùng ngày, doanh nghiệp này cũng  mua lại trước hạn 199,5 tỷ đồng của lô trái phiếu KD240-241219 trị giá 240 tỷ đồng được phát hàng ngày 24/12/2019 và đáo hạn ngày 24/6/2023. Khối lượng còn lại sau khi mua lại là 40,4 tỷ đồng.

CTCP Kinh doanh BĐS Thái Bình ngày 26/12 cũng thực hiện mua lại trước hạn 9,2 tỷ đồng của lô trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng được phát hành ngày 26/12/2019 và đáo hạn ngày 26/12/2023. Khối lượng còn lại sau khi mua lại là 415,8 tỷ đồng. Tiếp đến ngày 27/12, doanh nghiệp này lại mua lại trước hạn 165,8 tỷ đồng lô trái phiếu này. Như vậy, khối lượng còn lại sau khi mua lại là 250 tỷ đồng.

CTCP Xây dựng số 3 Hà Nội ngày 14/12 mua lại trước hạn 24,6 tỷ đồng lô trái phiếu HANCO3BOND2019 có giá trị 500 tỷ đồng. Đến ngày 26/12 tiếp tục mua lại 33,5 tỷ đồng lô trái phiếu này. Như vậy, khối lượng còn lại sau khi mua lại là 391,9 tỷ đồng.

Đặc biệt, tháng 12/2022, CTCP tập đoàn Gelex đã mua lại trước hạn 4 lô trái phiếu. Cụ thể, trong hai ngày 5,20/12, Gelex mua lại 8,3 tỷ đồng của lô trái phiếu BONGEX/2020.02 trị giá 200 tỷ đồng được phát hành ngày 23/7/2020 và đáo hạn ngày 23/7/2023. Như vậy, khối lượng còn lại sau khi mua lại là 122 tỷ đồng. Ngày 5 và 20/12 cũng mua lại 7,7 tỷ đồng của lô trái phiếu BONDGEX/2020.01 trị giá 200 tỷ đồng.

Ngày 14/12 cũng mua lại 77,7 tỷ đồng lô trái phiếu 300 tỷ đồng phát hàng năm 2020 và đáo hạn năm 2023. Ngày 23/12, Gelex mua lại trước hạn 200 tỷ đồng của lô trái phiếu GEXH2124002 trị giá 1.000 tỷ đồng phát hàng ngày 23/12/2021 và đạo hạn ngày 23/12/2024.

CTCP đầu tư Hải Phát từ ngày 23/11/ đến 1/12 đã thực hiện mua lại 94 tỷ đồng của lô trái phiếu mã TP.HAIPHAT.01.2017/0001 trị giá 500 tỷ đồng.

CTCP Fecon ngày 13/12 đã thực hiện mua lại 25 tỷ đồng của lô trái phiếu 150 tỷ đồng có mã FCNH2223001 phát hành năm tháng 6/2022 và đáo hạn tháng 12/2023. Đến ngày 15/12 lại tiếp tục thực hiện mua lại 11,8 tỷ đồng của lô trái phiếu 95 tỷ đồng mã FCNH2123001 phát hàng năm 2021 và đáo hạn 2023.

Nguồn: Internet.
Nguồn: Internet.

Nhóm tài chính cũng dồn dập mua lại trái phiếu trước hạn

Ngoài nhóm bất động sản và xây dựng thì các ngân hàng, công ty chứng khoán cũng ghi nhận giá trị mua lại trái phiếu trước hạn lớn trong tháng 12. Theo đó, hàng loạt ngân hàng như Techcombank, Vietinbank, SHB, LienVietPostBank,… đến các công ty chứng khoán như CK Kỹ Thương, CK Smartinvest, CK Dầu Khí, CK MB,…

Điển hình như VPBank tháng 12/2022 đã mua lại trước hạn toàn bộ 6 lô trái phiếu trị giá 9.970 tỷ đồng. Các lô trái phiếu này được phát hành năm 2021 và đáo hạn năm 2024. Ngân hàng Vietcombank ngày 20/12 đã thực hiện mua lại trước hạn toàn bộ 360 tỷ đồng của lô trái phiếu mã VCB_BOND_RL10_2017_11 phát hành năm 2017 và đáo hạn 2027.

Tương tự, TPBank ngày 12/12 cũng mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng được phát hành năm 2020 và đáo hạn 12/2023. Ngày 19/12 tiếp tục mua lại toàn bộ 500 tỷ đồng lô trái phiếu TPBANKBOND_A4_171220_3Y_2 cũng phát hành năm 2020 và đáo hạn 12/2023.

Chứng khoán Bản Việt ngày 15/12 đã thực hiện mua lại trước hạn 300 tỷ đồng của lô trái phiếu 500 tỷ đồng mã VCIH2123001 phát hành năm 2021 và đáo hạn 5/2023. Đến 19/12 lại tiếp tục mua lại trước hạn 41 tỷ đồng của lô trái phiếu VCIH2123006 trị giá 46 tỷ đồng.

Ngân hàng OCB cũng mua lại toàn bộ trước hạn hai lô trái phiếu với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng được phát hành năm 2020 và đáo hạn 12/2023. Tương tự, tháng 12 ngân hàng ABBank cũng đã mua lại toàn bộ trước hạn 2 lô trái phiếu với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng được phát hành năm 2021 và đáo hạn 2023.

CTCP Chứng khoán Rồng Việt trong tháng 12/2022 mua lại trước hạn 4 lô trái phiếu được phát hành năm 2021 và năm 2022, ngày đáo hạn năm 2023. CTCP kinh doanh F88 ngày 27/12 cũng mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu 45 tỷ đồng mã F88CH223007.

Kết quả mua lại trái phiếu trước hạn tại Chứng khoán Rồng Việt (HNX).
Kết quả mua lại trái phiếu trước hạn tại Chứng khoán Rồng Việt (HNX).

Theo thống kê của VNDirect, trong quý IV/2022 toàn thị trường có khoảng 20.000 tỷ đồng trái phiếu sẽ phải đáo hạn. Đến năm 2023 sẽ có hơn 107.000 tỷ đồng trái phiếu phải đáo hạn (tăng 56% so với cùng kỳ). Và đến năm 2024 cũng sẽ có hơn 112.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản phải đáo hạn. Do lượng trái phiếu đáo hạn khá lớn nên trong năm 2023 áp lực trả nợ sẽ đè nặng lên các doanh nghiệp phát hành. Và để giảm bớt áp lực này các doanh nghiệp có hai lựa chọn, hoặc là đàm phán với các trái chủ để kéo dài thời hạn thanh toán; hoặc cắt giảm đầu tư, tinh giảm bộ máy để có nguồn tiền mua lại các lô trái phiếu sắp đến thời gian đáo hạn.

Thống kê của VNDirect cho thấy, đến giữa tháng 12/2022 các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn gần 164.000 tỷ đồng trái phiếu đã phát hành, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021.

Các chuyên gia tại VCBS nhận định, việc mua lại trước hạn các lô trái phiếu là động thái bình thường của thị trường do các doanh nghiệp chủ động cân đối nguồn lực và danh mục đầu tư. Tuy nhiên, việc nhiều tập đoàn công bố mua lại trước hạn các lô trái phiếu cũng khiến thị trường trái phiếu có sự xáo trộn.

Thực tế, việc bắt buộc doanh nghiệp phát hành phải mua lại trái phiếu trước hạn khi vi phạm các phương án phát hành, trong đó có phương án sử dụng vốn hoặc vi phạm pháp luật cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp tăng cường mua lại trái phiếu trước hạn nhằm giảm áp lực đáo hạn và giải quyết các lô trái phiếu có thể gặp bất lợi bởi các quy định mới.

Trang Bùi

Theo Sở hữu trí tuệ