Hơn 112.000 tỷ đồng 'rót' vào Quảng Bình, dẫn đầu là dự án nhiệt điện 50.000 tỷ
Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư năm 2023, UBND tỉnh Quảng Bình đã trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 28 nhà đầu tư, với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 112.000 tỷ đồng.
Sáng 25/6 tại Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Bình phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư năm 2023.
Với chủ đề “Đưa Quảng Bình đến gần nhà đầu tư”, hội nghị đã cung cấp những thông tin cơ bản về quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cuả tỉnh Quãng Bình, đồng thời giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, định hướng thu hút các nhà đầu tư.
Ông Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết Quảng Bình sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai dự án, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu đến năm 2030, Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung. Đến năm 2050, Quảng Bình sẽ là một nền kinh tế phát triển năng động của miền Trung và cả nước, là điểm kết nối quan trọng trong ngã tư kinh tế Bắc-Nam, Đông-Tây.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng cho biết quy hoạch tỉnh Quảng Bình đã xác định rõ các định hướng, ưu tiên phát triển của tỉnh gồm: hai trung tâm động lực tăng trưởng; ba trung tâm đô thị; ba hành lang kinh tế; bốn trụ cột phát triển kinh tế và ba đột phá chiến lược.
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quảng Bình tiếp tục định hướng tăng cường mở rộng kết nối vùng thông qua việc phát triển thêm một số công trình hạ tầng giao thông quan trọng. Theo đó, hệ thống đường cao tốc trong tương lai sẽ bao gồm trục cao tốc Bắc - Nam đang được triển khai và tuyến cao tốc Vũng Áng (Hà Tĩnh) - Cha Lo (Quảng Bình) dài 89 km.
Về hệ thống đường sắt, ngoài tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện nay, sẽ có thêm các tuyến đường sắt mới như Vũng Áng - Mụ Gia - Thà Khẹc (dự kiến đầu tư trong thời kỳ 2021 - 2030); tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (dự kiến đầu tư trong thời kỳ 2031 - 2040)…
Về hệ thống cảng biển, trên cơ sở Quy hoạch tổng thể Phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được phê duyệt, cảng biển Quảng Bình thuộc nhóm cảng biển số 2, là cảng biển loại II, gồm các khu bến: Khu bến Hòn La, Khu bến Mũi Độc - chuyên dùng phục vụ Trung tâm Điện lực Quảng Trạch; Cảng cạn Hòn La (dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2025 - 2030 hoặc sau năm 2030 để kết nối với cảng biển Hòn La); Khu bến Sông Gianh và một số khu neo đậu tránh, trú bão khác.
Về đường hàng không, phương án phát triển Cảng hàng không Đồng Hới đến năm 2030 sẽ là cảng hàng không quốc nội, có hoạt động bay quốc tế. Khi khai thác ổn định các chuyến bay quốc tế thường lệ, cảng hàng không Đồng Hới sẽ được xem xét trở thành cảng hàng không quốc tế; sân bay cấp 4C; xây dựng nhà ga hành khách mới đáp ứng công suất 3 triệu lượt khách/năm.
Chủ tịch tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh: "Để phát huy hơn nữa các tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế, cũng như tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư, việc tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại sẽ vẫn là nhiệm vụ rất quan trọng mà tỉnh Quảng Bình tập trung thực hiện trong thời gian tới".
Tại hội nghị, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho biết tỉnh Quảng Bình có rất nhiều cơ hội để phát triển. Theo ông Hiếu, Quảng Bình có vị trí địa lý thuận lợi và có tiềm năng rất lớn về du lịch, nổi bật là di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, một điểm đến du lịch hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á với hệ thống hang động hùng vĩ, hệ sinh thái đa dạng, các giá trị văn hóa phong phú, điểm đến nghỉ dưỡng và giải trí thể thao cao cấp hàng đầu của Việt Nam.
Thực trạng của hạ tầng tỉnh Quảng Bình hiện nay cũng là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư, bởi theo quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đế năm 2050, hệ thống đường cao tốc trong tương lai của Quảng Bình sẽ bao gồm trục cao tốc Bắc - Nam (đang được triển khai) và tuyến cao tốc Vũng Áng (Hà Tĩnh) - Cha Lo (Quảng Bình) dài 89 km, hay tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (dự kiến đầu tư trong thời kỳ 2031 - 2040),…
“Việc Quảng Bình sớm có quy hoạch cho thấy một quan điểm, một chiến lược, một lộ trình phát triển rõ ràng cho các nhà đầu tư tham gia. Bên cạnh đó, lợi thế của Quảng Bình đó là 1 trong 10 tỉnh đầu tiên của cả nước cho đến nay đã được phê duyệt quy hoạch, đây là một lợi thế rất lớn”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Tại hội nghị, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 28 nhà đầu tư, với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới hơn 112.000 tỷ đồng. Đồng thời cũng tại hội nghị, Sở Du lịch thành phố Hà Nội và Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình đã trao thoả thuận hợp tác phát triển du lịch giữa 2 địa phương giai đoạn 2023 - 2030; Trung tâm TTXT Du lịch Quảng Bình và Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội sẽ trao thoả thuận hợp tác giữa 2 đơn vị.
Trong số các dự án được trao biên bản ghi nhớ lần này, lớn nhất là dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch II, công suất 1.500 MW, với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 50.000 tỷ đồng.
Có 17 khu vực được nhà đầu tư quan tâm đầu tư trong lĩnh vực bất động sản, với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 32.540 tỷ đồng. Nổi cộm như Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Vĩnh Hưng và Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ dự kiến đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN Bố Trạch, quy mô 860 ha, hơn 6.800 tỷ đồng; Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả dự kiến đầu tư Tuyến đường du lịch kết nối TP. Đồng Hới - di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, quy mô 2.900 tỷ đồng.
Tiếp đến là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam dự kiến đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay - Càng hàng không Đồng Hới, quy mô vốn dự kiến 1.968 tỷ đồng. Công ty TNHH Tập đoàn Vĩnh Hưng dự kiến đầu tư hai dự án, bao gồm Sân golf Ocean links Bố Trạch, vốn đầu tư 1.050 tỷ đồng và Khu nghỉ dưỡng sinh thái Chày Lập tại xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, vốn đầu tư 320 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O quan tâm Dự án Khu đô thị tại huyện Quảng Ninh (diện tích 250 ha), vốn dự kiến 9.000 tỷ đồng.
Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư nông nghiệp Sài gòn Thành Đạt và Công ty Licogi 13 muốn thực hiện Dự án Khu đô thị phức hợp du lịch nghỉ dưỡng tại thị xã Ba Đồn, 3.200 tỷ đồng; Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh quan tâm Dự án Khu đô thị tại TP. Đồng Hới, quy mô 45 ha, vốn dự kiến 2.700 tỷ đồng…
Quảng Bình đang là một trong những địa phương thu vốn đầu tư mạnh ở Bắc Trung bộ với nhiều tiềm năng phát triển. Năm 2022, ước tính tổng sản phẩm (GRDP) tỉnh (theo giá so sánh năm 2010) đạt hơn 27.720 tỷ đồng, tăng 7,96% so với năm 2021. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,54%, đóng góp 6,18%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,41%, dịch vụ tăng 8,57%. Quy mô GRDP năm 2022 (theo giá hiện hành) đạt trên 50.100 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 54,8 triệu đồng.
Xem thêm: Quảng Bình sắp có 18 dự án đầu tư với tổng vốn dự kiến hơn 32.600 tỷ đồng