Hơn 150.000 giao dịch, số tiền 1.000 tỷ đồng qua ‘ATM’ của MWG
MWG là một trong những doanh nghiệp đầu tiên trở thành đại lý thanh toán của ngân hàng sau khi Thông tư 07/2024/TT-NHNN được ban hành.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (HoSE: MWG) mới đây đã chia sẻ trên trang Facebook cá nhân về việc các cửa hàng Thế Giới Di Động, Điện máy Xanh đã đạt gần 150.000 giao dịch, với giá trị gần 1.000 tỷ đồng sau 1 tháng triển khai dịch vụ nạp, rút, chuyển tiền với chức năng như cây ATM.
Đây là một trong những kết quả đầu tiên được các đại lý thanh toán như MWG công bố, kể từ khi Thông tư 07/2024/TT-NHNN về hoạt động đại lý thanh toán đã được Ngân hàng Nhà nước ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.
Đầu tháng 12 vừa qua, MWG và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai mô hình đại lý thanh toán lần đầu tiên chính thức có mặt tại Việt Nam.
Theo đó, gần 3.000 điểm bán của MWG trên toàn quốc trở thành điểm giao dịch ngân hàng, hoạt động giống như cây ATM. Khách hàng có thể sử dụng căn cước công dân (CCCD) để thực hiện các giao dịch như nạp, rút, chuyển tiền cho tất cả các ngân hàng một cách nhanh chóng và thuận tiện.
MWG không phải những đại lý thanh toán duy nhất, ngay sau cái bắt tay giữa MWG và VPBank, Công ty cổ phần kinh doanh F88 với chuỗi các cửa hàng cung cấp dịch vụ tài chính, cho vay cầm cố, cũng đã công bố hợp tác với Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HoSE: MBB) nhằm mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ tài chính tại các điểm giao dịch trên cả nước. Theo thỏa thuận này, hơn 850 cửa hàng F88 sẽ được chuyển đổi thành các “điểm giao dịch ngân hàng” cung cấp các dịch vụ tài chính tiện ích cho khách hàng của MB.
Được biết, mô hình này đã được thí điểm trước khi được chính thức cấp phép hoạt động, với 3 mô hình tham gia thí điểm là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service), MB và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) và Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Trong đó, M_Service là đơn vị sở hữu ví điện tử MoMo, Viettel sở hữu ứng dụng Viettel Money và chuỗi cửa hàng Viettel, Petrolimex có hệ thống chuỗi bán lẻ xăng dầu.
Theo phân tích của các chuyên gia, việc cho phép ngân hàng thương mại giao đại lý thanh toán là hướng đi đúng đắn để hướng tới tài chính toàn diện (Financial Inclusion), đặc biệt ở các tỉnh thành xa xôi. Nghiệp vụ này sẽ mang lại hiệu quả hoạt động cho các ngân hàng thương mại khi giảm được chi phí mở chi nhánh, phòng giao dịch, chi phí về nguồn nhân lực mà vẫn có thể lan toả các dịch vụ ngân hàng cơ bản đến với nhiều người dùng hơn.
Đặc biệt, dù các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đã được thúc đẩy mạnh mẽ, nhưng tình trạng quá tải ở các cây ATM vẫn xảy ra trong những dịp cao điểm như cận kề Tết Nguyên đán. Việc san sẻ bớt các chức năng cơ bản như nạp, rút, chuyển tiền sang các đại lý thanh toán như các chuỗi bán lẻ sẽ giúp giải quyết được tình trạng xếp hàng dài tại cây ATM mỗi dịp Tết.
Đáng nói, tại một số điểm đại lý thanh toán của ngân hàng, đã xuất hiện tình trạng hết hạn mức nạp rút, khiến người dân phải tìm tới điểm đại lý thứ 2, thứ 3 để thực hiện giao dịch. Điều này cho thấy sự tiếp nhận tốt của người dân đối với các dịch vụ tại đại lý thanh toán.
Theo giới phân tích, cơ hội đang mở ra cho các chuỗi bán lẻ trên toàn quốc khi Thông tư 07/2024/TT-NHNN được ban hành. Không chỉ có MWG, hay F88, trên thị trường còn rất nhiều chuỗi bán lẻ lớn khác như FPT Retail, Winmart,… hay các chuỗi cửa hàng tiện lợi như Circle K, GS25,…
Khi trở thành đại lý thanh toán của ngân hàng, các chuỗi bán lẻ không chỉ tận dụng được khoản tiền nhàn rỗi, mà có thể nhận thêm một khoản hoa hồng từ việc ký kết với nhà băng, cùng với đó gia tăng thêm doanh thu và lợi nhuận nhờ tiếp cận được thêm 1 tệp khách hàng.