Hơn 19.600 tỷ đồng đầu tư vào tỉnh Vĩnh Long
Tại Hội nghị công bố Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư nông nghiệp, thương mại, du lịch tỉnh Vĩnh Long đã ghi nhận 13 dự án đầu tư với tổng số vốn hơn 19.600 tỷ đồng.
Tiêu biểu là Dự án Nhà máy Sản xuất thực phẩm (Công ty cổ phần Acecook Việt Nam) 2.079 tỷ đồng; Dự án đầu tư Khu đô thị Trung tâm Hành chính tỉnh Vĩnh Long (Công ty cổ phần Tập đoàn T&T) 14.099 tỷ đồng; dự án đầu tư Giày xuất khẩu (Công ty TNHH Tỷ Bách) 736 tỷ đồng.
Bên cạnh đó là Nhà máy sản xuất bộ dây điện xe ô tô (Nhà máy Công ty TNHH Furukawa Automotive Systems Vĩnh Long Việt Nam) 239 tỷ đồng; Nhà máy sửa chữa và đóng tàu Vĩnh Long (Công ty TNHH Nhà máy sửa chữa và đóng tàu Vĩnh Long) 450 tỷ đồng…
Theo quyết định số 1759/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030, Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái; một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng ĐBSCL.
Vĩnh Long sẽ được quy hoạch theo 2 vùng kinh tế - xã hội, 1 trục động lực và 2 hành lang kinh tế.
Trong đó, vùng phía Tây Bắc (TP. Vĩnh Long, thị xã Bình Minh và các huyện Bình Tân, Long Hồ, Tam Bình) là vùng động lực phát triển của tỉnh, tập trung phát triển đô thị, dịch vụ thương mại, du lịch sinh thái, logistics, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao.
Vùng phía Đông Nam (các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn và Mang Thít) tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch sinh thái, văn hóa, công nghiệp.
Trục động lực phát triển của tỉnh Vĩnh Long được xác định theo tuyến Quốc lộ 1 (TP. Vĩnh Long, thị xã Bình Minh và huyện Long Hồ) tập trung phát triển các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ thương mại, logistics.
Hai hành lang kinh tế là hành lang kinh tế dọc sông Hậu và hành lang kinh tế dọc sông Tiền - sông Cổ Chiên. Vĩnh Long phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có 11 đô thị, 5 khu công nghiệp và 9 cụm công nghiệp.