HoREA chỉ ra nguy cơ 'thông đồng, dàn xếp giá' khi thẩm định giá đất dự án BĐS

Trong góp ý mới nhất gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) lưu ý việc phòng chống thông đồng, dàn xếp giá, gây thất thu ngân sách Nhà nước.

Theo HoREA, có 4 chủ thể tham gia thẩm định và quyết định giá đất dự án bất động sản trên địa bàn cấp tỉnh. Đầu tiên là các cơ quan Nhà nước (Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Tài chính và UBND cấp tỉnh). Chủ thể kế đến là chủ đầu tư dự án bất động sản chịu tác động trực tiếp của hoạt động định giá đất.

Thứ ba là doanh nghiệp thẩm định giá (cung cấp dịch vụ thẩm định giá đất và các báo cáo hoặc chứng thư thẩm định). Cuối cùng là chuyên gia phản biện được mời tham gia Hội đồng thẩm định giá đất; thực hiện nhiệm vụ phản biện độc lập hoạt động định giá, thẩm định giá của Hội đồng này trước khi trình UBND cấp tỉnh quyết định giá đất.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, có nhiều trường hợp các chủ thể này chủ động liên kết với nhau để thông đồng dàn xếp giá đất, khiến cho kết quả định giá đất bị sai lệch.

Các tình huống này cần được nhận diện rõ để có cơ chế, giải pháp xử lý nhằm phòng, chống thất thu ngân sách nhà nước, thất thoát tài sản công vì đây là nguồn lực đất đai.

Ông Lê Hoàng Châu cho rằng có 5 trường hợp có thể xảy ra. Trường hợp thứ nhất, việc thông đồng, dàn xếp giá có thể xảy ra giữa chủ đầu tư dự án bất động sản với cán bộ của Sở Tài chính và Sở Tài nguyên Môi trường. 

Theo đó, chủ đầu tư chủ động thông đồng, dàn xếp giá với cán bộ của Sở Tài nguyên Môi trường và nhất là Sở Tài chính; hoặc ngược lại, cán bộ của Sở Tài chính, Sở Tài nguyên Môi trường chủ động thông đồng, dàn xếp giá với chủ đầu tư.

 Trên thực tế, gần như Sở Tài chính là cơ quan Thường trực của Hội đồng thẩm định giá đất, chịu trách nhiệm thẩm định giá đất để trình UBND cấp tỉnh quyết định giá đất, nên các chủ đầu tư thường tìm mọi cách để tạo quan hệ mật thiết với cán bộ của Sở Tài chính và cơ quan quản lý giá của Sở Tài chính và cán bộ của Sở Tài nguyên Môi trường.

 Trường hợp thứ 2, việc thông đồng, dàn xếp giá có thể xảy ra giữa chủ đầu tư dự án bất động sản với doanh nghiệp thẩm định giá. Việc thông đồng, dàn xếp giá cũng có thể hình thành từ cả 2 chiều (chủ đầu tư chủ động thông đồng, dàn xếp giá với doanh nghiệp thẩm định giá; hoặc doanh nghiệp thẩm định giá chủ động thông đồng, dàn xếp giá với chủ đầu tư).

Trường hợp thứ 3, việc thông đồng, dàn xếp giá có thể xảy ra giữa chủ đầu tư dự án bất động sản với chuyên gia phản biện được mời tham gia Hội đồng thẩm định giá đất. Bởi lẽ, số lượng chuyên gia thẩm định giá của từng địa phương không nhiều và đều biết nhau cả. Việc này có thể hình thành từ cả 2 chiều (chủ đầu tư chủ động thông đồng, dàn xếp giá với chuyên gia phản biện; hoặc ngược lại chuyên gia phản biện chủ động thông đồng, dàn xếp giá với chủ đầu tư).

Do vậy, rất cần thiết xây dựng cơ chế, biện pháp để bảo đảm tính độc lập của chuyên gia phản biện trong hoạt động của Hội đồng thẩm định giá đất.

Trường hợp thứ tư, việc thông đồng, dàn xếp giá do có thể xảy ra giữa doanh nghiệp thẩm định giá với cán bộ của Sở Tài chính và Sở Tài nguyên Môi trường nhằm phòng ngừa 'doanh nghiệp sân sau'.

Trường hợp cuối cùng, dù ít có khả năng xảy ra, nhưng vẫn phải phòng chống thông đồng dàn xếp giá có thể xảy ra giữa chủ đầu tư dự án bất động sản với người có thẩm quyền. Bởi lẽ, mối quan hệ này có thể dẫn đến chỉ đạo giá đất trái pháp luật trong hoạt động định giá đất, thẩm định giá đất.

Chính vì vậy, HoREA đề nghị xây dựng hoàn thiện nguyên tắc bảo đảm tính độc lập giữa chủ đầu tư dự án bất động sản với doanh nghiệp thẩm định giá, với chuyên gia phản biện và với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên Môi trường, Hội đồng thẩm định giá đất và cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định giá đất.

Trần Lê

Theo VietnamFinance