HSBC cảnh báo xuất khẩu Việt Nam gặp khó

Theo báo cáo từ Ngân hàng HSBC, ngành xuất khẩu của Việt Nam đã đến lúc cần chuẩn bị cho một đoạn đường không mấy bằng phẳng sắp tới.

 

HSBC cảnh báo xuất khẩu Việt Nam gặp khó - Ảnh 1

HSBC dự báo xuất khẩu dệt may, da giày sẽ còn chứng kiến tình hình sụt giảm trong thời gian tới. (Ảnh minh họa)

Xuất khẩu tháng 11 giảm 7,4% so với cùng kỳ 2021 (cao hơn nhiều so với dự báo của HSBC và thị trường: HSBC: -2,3%; BBG: -2,3%). Đây cũng là tháng đầu tiên chứng kiến mức sụt giảm đáng kể trong vòng hai năm, với suy giảm ở tất cả lĩnh vực.

Theo các chuyên gia HSBC, Việt Nam đã thâm nhập sâu vào hệ sinh thái sản xuất toàn cầu nên khó tránh khỏi những tác động khi thương mại toàn cầu chậm lại, nói cách khác, giai đoạn "chững lại" đã tới. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) thế giới đã liên tục giảm từ tháng 5/2021 và đi sâu vào vùng thu hẹp sản xuất từ tháng 9 năm nay (tức dưới mốc 50 điểm) với số lượng đơn hàng mới sụt giảm.

Theo HSBC, Việt Nam thuộc diện "đứng mũi chịu sào" xét về mức độ bị tác động. Kể từ tháng 9, hơn 630.000 công nhân bị ảnh hưởng do đơn hàng nước ngoài giảm sút, với khoảng 90% phải giảm giờ làm

Theo đó, Việt Nam đã bị ảnh hưởng không nhẹ khi thương mại toàn cầu chậm lại, lần đầu tiên chứng kiến xuất khẩu sụt giảm đáng kể so với hai năm trở lại đây. Sự sụt giảm bắt nguồn từ suy thoái kinh tế ở Mỹ, điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Báo cáo từ HSBC cho biết, trong hai năm vừa qua, các nhà xuất khẩu châu Á đã hưởng lợi nhiều nhờ nhu cầu đối với một số sản phẩm tăng lên. Trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều lần xảy ra, nhìn chung, Việt Nam vẫn tỏ ra vượt trội, tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu kể từ khi xảy ra căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Nguyên nhân chính đến từ lĩnh vực điện tử vốn chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đơn hàng điện tử mới trên thế giới đã bắt đầu giảm mạnh từ nửa cuối năm 2022, ảnh hưởng đến lĩnh vực điện tử tiêu dùng nhiều hơn là sản phẩm công nghiệp.

Trong khi đó, các lĩnh vực xuất khẩu khác của Việt Nam có xu hướng bị ảnh hưởng bởi suy thoái ở Mỹ. 

Các mặt hàng truyền thống như dệt may và da giày cũng bắt đầu đi xuống. Mặc dù hai lĩnh vực này vẫn hỗ trợ nhiều cho tăng trưởng xuất khẩu trong quý 3, nhưng đó chủ yếu là do hiệu ứng cơ sở thấp mà giờ đây không còn nữa. Trong bối cảnh lạm phát cao và tiêu dùng dịch chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ ở các nước phương Tây (dịch vụ giờ đang chiếm khoảng 60%), HSBC dự báo Việt Nam sẽ còn chứng kiến tình hình sụt giảm trong lĩnh vực này.

Việt Nam cũng đã hưởng lợi nhờ thị trường bất động sản Mỹ bùng nổ khiến nhu cầu nội thất gỗ tăng lên. Kết quả là Mỹ đã củng cố vị thế thống lĩnh đối với sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam, hiện đang chiếm 60% thị phần. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh nhà ở Mỹ đang bắt đầu chững lại trong bối cảnh lãi suất cầm cố tăng lên, xu hướng tương tự cũng đã thấy rõ ở thị trường bất động sản châu Âu. Tình trạng này đã dẫn tới sự suy giảm đáng kể trong xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Minh Vân

Theo Chất lượng và cuộc sống