Bỏ room tín dụng: Thách thức trước mắt và kỳ vọng dài hạn

Theo ông Lê Đức Huy, Trưởng bộ phận Chiến lược Thị trường, Công ty CP Chứng khoán Agribank, việc gỡ bỏ cơ chế room tín dụng được kỳ vọng sẽ mang lại những tác động tích cực đáng kể đến kế hoạch kinh doanh của khối ngân hàng, kéo theo những tín hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán.

Không có công cụ nào là vĩnh viễn

Phát biểu tại họp báo về kết quả hoạt động ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, cơ chế hạn mức tín dụng (room tín dụng) được NHNN sử dụng từ năm 2012 nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như đảm bảo an toàn hệ thống tài chính trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng nóng.

Song, ông Quang cũng thừa nhận không có công cụ nào là vĩnh viễn và NHNN đang nghiên cứu lộ trình xóa bỏ room tín dụng, hướng tới điều hành theo công cụ thị trường.

Thực tế, trong năm 2025, NHNN đã bỏ cơ chế room tín dụng đối với nhóm ngân hàng nước ngoài, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các ngân hàng liên doanh, công ty tài chính và tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Đồng thời, từ năm 2024, NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm cho các ngân hàng TMCP trong nước.

“Đây là những bước tiến quan trọng trong lộ trình tiến tới xóa bỏ hoàn toàn cơ chế room tín dụng trong thời gian tới”, ông Quang nhấn mạnh.

Lãnh đạo NHNN cho biết việc gỡ bỏ cơ chế room tín dụng phải được nghiên cứu kỹ lưỡng.  
Lãnh đạo NHNN cho biết việc gỡ bỏ cơ chế room tín dụng phải được nghiên cứu kỹ lưỡng.  

Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN cũng cho biết việc gỡ bỏ cơ chế room tín dụng phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, để làm sao có thể vừa tăng tính tự chủ của các tổ chức tín dụng nhưng vẫn phải đảm bảo được an toàn hệ thống và kiểm soát lạm phát.

Trong khi đó, ông Lê Thanh Tùng, Thành viên HĐTV của VietinBank nhận định việc chuyển từ cơ chế điều hành theo room tín dụng sang cơ chế vận hành theo nguyên tắc thị trường là xu hướng tất yếu và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance, ông Lê Đức Huy, Trưởng bộ phận Chiến lược Thị trường, Công ty CP Chứng khoán Agribank nhận định: “Việc gỡ bỏ hạn mức tín dụng và tiến tới điều hành tăng trưởng tín dụng dựa trên các công cụ thị trường sẽ giúp loại bỏ cơ chế cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng hằng năm, qua đó giảm thiểu đáng kể các thủ tục hành chính liên quan đến việc xin cấp và điều chỉnh room tín dụng. Nhờ vậy, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trở nên chủ động hơn, trong khi doanh nghiệp có thêm điều kiện để tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh một cách linh hoạt và thuận lợi”.

Bên cạnh đó, xét về dài hạn, việc bỏ room tín dụng có thể gây sức ép lên vấn đề nợ xấu – kiểm soát chất lượng cho vay của hệ thống. Nhưng khi nhìn theo cách khác, quá trình chuyển đổi sang điều hành tín dụng theo cơ chế thị trường cũng phản ánh sự phát triển của năng lực quản trị rủi ro trong hệ thống tài chính – ngân hàng. Đồng thời, đây cũng là tín hiệu cho thấy chính sách vĩ mô đang dần trở nên cởi mở hơn, tiệm cận các thông lệ quốc tế và tạo nền tảng thuận lợi để thu hút dòng vốn trung – dài hạn, ông Huy cho hay.

Tín hiệu tích cực cho thị trường

Đối với các ngân hàng thương mại, việc gỡ bỏ cơ chế room tín dụng được kỳ vọng sẽ mang lại những tác động tích cực đáng kể đến kế hoạch kinh doanh của khối ngân hàng.

“Các tổ chức tín dụng sẽ được “cởi trói” khỏi hạn mức tín dụng cố định, cho phép chủ động hơn trong việc phân bổ vốn vay. Thay vì bị giới hạn bởi quy định của NHNN, các ngân hàng có thể dựa vào sức khỏe tài chính nội tại và nhu cầu thực tế của thị trường để đẩy mạnh tín dụng. Điều này không chỉ giúp tối đa hóa thu nhập từ lãi (NII) mà còn cải thiện đáng kể hiệu quả kinh doanh tổng thể”, ông Huy nhận định.

Trong đó, nhóm hưởng lớn lớn nhất từ sự thay đổi này là các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, đặc biệt là những đơn vị đang dẫn đầu về nền tảng vốn và đã xây dựng được hệ sinh thái khách hàng vững chắc (bao gồm cả khối doanh nghiệp và bán lẻ). Nhờ khả năng chủ động đưa vốn đưa vốn vào các lĩnh vực có nhu cầu cao và quản lý rủi ro hiệu quả hơn, một số ngân hàng tiêu biểu như MB, Techcombank, VPBank, ACB, HDBank sẽ có cơ hội tối ưu hóa việc sử dụng nguồn vốn của mình.

Việc gỡ bỏ cơ chế room tín dụng được kỳ vọng sẽ mang lại tác động tích cực đến kế hoạch kinh doanh của khối ngân hàng.  
Việc gỡ bỏ cơ chế room tín dụng được kỳ vọng sẽ mang lại tác động tích cực đến kế hoạch kinh doanh của khối ngân hàng.  

Bên cạnh các ngân hàng tư nhân, nhóm ngân hàng quốc doanh cũng sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận và mở rộng tệp khách hàng cá nhân, tăng trưởng dư địa tín dụng và cải thiện biên lãi ròng (NIM) trong thời gian tới. Khi tín dụng được mở rộng và NIM được tối ưu, lợi nhuận của toàn ngành ngân hàng được dự báo sẽ có đà tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững hơn. Các ngân hàng có cơ sở để kỳ vọng và đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao trong kế hoạch kinh doanh khi không còn vướng rào cản hành chính.

Đối với TTCK Việt Nam, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng, thông tin về việc loại bỏ “room tún dụng” được kỳ vọng sẽ tạo ra những tác động tích cực, ông Huy nói. Sự cải thiện triển vọng lợi nhuận này chính là động lực chính thúc đẩy giá các cổ phiếu ngân hàng đi lên. Đặc biệt, nhóm ngân hàng cũng là nhóm có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán. Các cổ phiếu ngân hàng khi tăng giá được kỳ vọng sẽ tạo ra xu hướng tích cực lan tỏa toàn bộ thị trường, góp phần nâng đỡ chỉ số VN-Index.

Ngoài ra, khi chính sách tín dụng được khơi thông, không chỉ ngân hàng mà các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác cũng được hưởng lợi. Các lĩnh vực như bất động sản, xây dựng, sản xuất, bán lẻ sẽ tiếp cận vốn dễ dàng hơn, gián tiếp hỗ trợ triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, kỳ vọng tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đến giá cổ phiếu của các các nhóm ngành nêu trên.

Trong ngắn và trung hạn, thị trường được kỳ vọng sẽ hưởng lợi tích cực nhờ hiệu ứng kép, gồm hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cải thiện nhờ dòng vốn lưu chuyển linh hoạt và khả năng tiếp cận nguồn vốn tốt hơn; và khả năng gia tăng dòng tiền tham gia thị trường chứng khoán nhiều hơn.

Song, ở chiều ngược lại, vị chuyên gia này cũng lưu ý việc gỡ bỏ cơ chế room tín dụng cũng mang đến nhiều thách thức.

Theo đó, các ngân hàng sẽ phải tập trung nhiều hơn vào quản lý rủi ro tín dụng và hiệu quả sử dụng vốn vay thay vì chỉ chạy theo hạn mức. Điều này đòi hỏi các ngân hàng phải nâng cao năng lực thẩm đinh, giám sát khoản vay và xây dựng bộ đệm vốn vững chắc để đối phó với rủi ro nợ xấu. Ngoài ra, áp lực cạnh tranh giữa các ngân hàng để thu hút khách hàng và cho vay hiệu quả sẽ gia tăng. Ngân hàng nào có chất lượng dịch vụ tốt, quy trình nhanh gọn và chi phí vốn thấp sẽ có lợi thế hơn, đại diện Công ty CP Chứng khoán Agribank cho hay.

Khánh Tú

Theo VietnamFinance