Huy động tiền gửi 6%, vì sao ngân hàng phát hành TP lãi suất 8,2%/năm?

Nhiều ngân hàng phát hành trái phiếu với lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm, có ngân hàng tới 8,2%/năm nhằm đảm bảo nguồn vốn, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn.

Ngân hàng phát hành trái phiếu lãi suất tới 8,2%/năm

Gần đây, các ngân hàng đẩy mạnh chào bán trái phiếu cho nhà đầu tư. Cùng với việc gia tăng khối lượng trái phiếu phát hành, tăng giá trị huy động, các ngân hàng còn áp dụng mức lãi suất hấp dẫn.

Để phát hành thành công trái phiếu, các nhà băng đẩy lãi suất trái phiếu cao hơn so với lãi suất huy động thông thường, dao động từ 5,5% đến 8,2% một năm.

Điển hình, Hội đồng quản trị Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) mới đây đã thông qua việc triển khai phương án phát hành trái phiếu ra công chúng năm 2024. Theo đó, SHB dự kiến phát hành tổng cộng 5.000 tỷ đồng trái phiếu trong 2 đợt (đợt 1 dự kiến quý IV/2024; đợt 2 dự kiến quý IV/2024 - quý I/2025).

SHB cho biết lãi suất dự kiến tại thời điểm phát hành là 8,2%/năm. Mức lãi suất trên cao hơn tới 2,4 điểm % so với lãi suất tiền gửi cao nhất hiện nay tại SHB.

Ngoài SHB, nhiều ngân hàng khác cũng phát hành trái phiếu với lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm.

Đầu tháng 9, Ngân hàng Bản Việt (BVBank) chào bán ra công chúng 15 triệu trái phiếu với lãi suất 7,9%/năm. Từ năm thứ hai, lãi suất lô trái phiếu này được tính theo công thức lãi tham chiếu cộng thêm biên độ 2,5%. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 7 năm và BVBank sẽ thực hiện quyền mua lại từ thời điểm tròn 24 tháng từ ngày phát hành.

Trong năm nay, BVBank sẽ có thêm một đợt phát hành thứ hai, dự kiến chào bán 7 triệu trái phiếu trong tháng 10. Đây là các đợt chào bán nằm trong kế hoạch phát hành 56 triệu trái phiếu, tương đương huy động 5.600 tỷ đồng từ nay đến đầu năm 2026.

Tương tự, Ngân hàng Thương mại cổ phần Lộc Phát Việt Nam (tên cũ: Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu Điện Liên Việt – LPBank) cũng vừa phát hành thành công lô trái phiếu có giá trị 400 tỷ đồng, trái phiếu có kỳ hạn 7 năm với lãi suất 7,58%/năm.

Cuối tháng 8, Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank) đã hoàn tất kế hoạch phát hành lô trái phiếu 1.000 tỷ ra công chúng. Lãi suất lô trái phiếu này bằng lãi tiền gửi 12 tháng tại các ngân hàng tham chiếu cộng biên độ 2,8%, với kỳ thanh toán đầu tiên dự kiến gần 7,5% một năm.

Huy động tiền gửi 6%, vì sao ngân hàng phát hành TP lãi suất 8,2%/năm? - Ảnh 1

Ngân hàng TMCP Bảo Việt cũng mới phát hành thành công lô trái phiếu với giá trị 800 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm với lãi suất 7,68%/năm. Trước đó, BaovietBank cũng huy động thành công 1.000 tỷ trái phiếu với lãi suất 7,68%/năm.

Ngân hàng Phát triển nông nghiệp và nông thôn (Agribank) đã mới phân phối thành công 10.000 tỷ đồng trái phiếu cho hơn 5.000 nhà đầu tư trong một tháng. Lô trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Agribank có lãi suất năm đầu lên gần 6,7%/năm trong năm đầu. Trong các năm tiếp theo, lãi suất được xác định bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 2% một năm. Trong 5 năm cuối trước khi đến hạn, nếu Agribank không mua lại theo quyền, biên độ lãi suất của trái phiếu lên tới 3% một năm.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank) có 4 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng với tổng giá trị huy động 4.800 tỷ đồng. Trong đó, 2 lô trái phiếu có lãi suất 7,7%/năm.

Hàng loạt ngân hàng khác như Á Châu (ACB), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Quân đội (MB), Phương Đông (OCB), Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)... từ đầu năm đến nay đã có nhiều đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ - dành riêng cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp - với mức lãi suất dao động từ 5,5-6,5% một năm.

Có thể thấy, so với gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng từ 5-6%/năm như hiện tại, trái phiếu ngân hàng hấp dẫn hơn về lãi suất. Vì vậy, trái phiếu ngân hàng cũng thu hút nhiều nhà đầu tư chuyển tiền nhàn rỗi từ gửi tiết kiệm sang mua trái phiếu để được hưởng lãi suất cao hơn.

Vì sao ngân hàng đua phát hành trái phiếu lãi suất cao?

Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong 7 tháng đầu năm nay, có 175 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 168.000 tỷ đồng và 12 đợt phát hành ra công chúng trị giá hơn 14.500 tỷ đồng.

Huy động tiền gửi 6%, vì sao ngân hàng phát hành TP lãi suất 8,2%/năm? - Ảnh 2

Đáng chú ý, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7, ngân hàng đã vượt bất động sản trở thành nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất, đạt 122.988 tỷ đồng, tương đương 67,2% tổng giá trị phát hành. Nhóm bất động sản đạt 39.349 tỷ đồng, chiếm khoảng 21,5%.

Các chuyên gia đến từ Công ty xếp hạng tín nhiệm FiinRatings nhận định, trái phiếu ngân hàng được kỳ vọng có một năm bận rộn hơn các năm trước. Giải ngân tín dụng sẽ được đẩy mạnh hơn trong nửa cuối 2024.

Để đáp ứng tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng có kế hoạch tăng vốn cổ phần hoặc vốn nợ, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp. Hơn nữa, do các ngân hàng vẫn là nhà đầu tư chính của trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh pháp lý và chính sách hiện nay nên việc đa dạng hóa hình thức cấp vốn cho các doanh nghiệp bởi ngân hàng cũng sẽ làm tiền đề cho sự tiếp tục hồi phục của trái phiếu.

Cùng với đó, trái phiếu là kênh huy động dài hạn, giúp các nhà băng đảm bảo cấu trúc vốn theo quy định.

Theo các chuyên gia, quy định chặt chẽ hơn về tỉ lệ vốn cho vay trung và dài hạn thúc đẩy các ngân hàng phát hành trái phiếu nhiều hơn để bổ sung cơ cấu nguồn vốn dài hạn.

Từ cuối năm ngoái, các nhà băng phải giảm tỷ lệ tối đa dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn về 30%, thay vì 34% như trước; cho vay trên tổng vốn huy động dưới 85%.

Ngoài ra, trái phiếu phát hành với nhiều kỳ hạn khác nhau, giúp ngân hàng quản lý dòng tiền và rủi ro lãi suất hiệu quả hơn. Kênh này cũng là cách giúp đa dạng hóa nguồn vốn, tránh phụ thuộc vào huy động từ dân cư và các tổ chức kinh tế.

Cầu tín dụng dần tăng trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, nên ngân hàng không chỉ tăng lãi suất tiền gửi, mà còn tăng cường phát hành trái phiếu để hút vốn.

So với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng hiện nay, trái phiếu có chi phí vốn đắt đỏ hơn nhưng các nhà băng vẫn tìm tới kênh huy động này thời gian qua.

Theo lý giải của các chuyên gia từ VPBankS, kênh này giúp các nhà băng tăng vốn tự có, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn. Bởi, trái phiếu giúp ngân hàng huy động vốn cấp 2 (vốn bổ sung) với giá trị lớn để mở rộng hoạt động mà không cần giảm tỷ lệ sở hữu qua phát hành cổ phiếu.

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo các tiêu chuẩn Basel được tính dựa trên quy mô so với tài sản có trọng số rủi ro. Khi các nhà băng duy trì tăng trưởng tín dụng 14-15% mỗi năm, phần mẫu số của công thức này liên tục tăng. Để đảm bảo tỷ lệ CAR, các nhà băng bắt buộc phải tăng vốn.

Đơn vị xếp hạng tín nhiệm VIS Rating dự báo 1-3 năm tới, các nhà băng sẽ cần khoảng 283.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2. Nguồn lực này sẽ hỗ trợ các nhà băng vốn nội bộ và duy trì tỷ lệ an toàn vốn.

Hơn nữa, trong môi trường lãi suất thấp, ngân hàng cũng có động lực để mua lại và phát hành trái phiếu có lãi suất hấp dẫn hơn. Điều này lý giải tại sao ngân hàng vừa là nhóm dẫn đầu phát hành mới đồng thời cũng là nhóm chủ yếu mua lại trái phiếu đã phát hành.

Minh Dũng

Theo VietnamFinance