‘Huy động vốn qua TTCK bị hạn chế làm tăng áp lực lên tín dụng ngân hàng’

Ông Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch Smart Invest, cho rằng ảnh hưởng của thị trường chứng khoán dẫn đến việc tiếp cận nguồn vốn trung và dài hạn từ phát hành cổ phiếu, trái phiếu bị hạn chế và kém đi nhiều, nhu cầu vốn của doanh nghiệp đổ dồn lên tín dụng của ngân hàng một cách trầm trọng.

Ông Nguyễn Hưng và ông Trần Minh Tuấn ở Talkshow Phố Tài chính
Ông Nguyễn Hưng và ông Trần Minh Tuấn ở Talkshow Phố Tài chính

Tại Talkshow Phố Tài chính, các chuyên gia đều nhận định room tín dụng là câu chuyện của năm 2022 và được nhiều người, bao gồm cả người ngoài ngành ngân hàng quan tâm. Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho rằng trong quý I của những năm trước, tín dụng chỉ tăng khoảng 3-4%. Riêng 2 quý đầu năm 2022, tín dụng đã tăng trưởng 2 chữ số (so với cùng kỳ).

“Năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước trong quý đầu năm chỉ cấp cho các ngân hàng bình quân tăng trưởng tín dụng 4 – 5% nhưng không thấy ngân hàng hoặc khách hàng nào phản ánh thiếu room tín dụng. Vì thông thường, quý I được gọi là vùng trũng, có Tết Nguyên đán và tháng Giêng – tháng ăn chơi, nhiều khách hàng chưa làm việc ngay hoặc kiêng vay tiền đầu năm”, ông Hưng cho biết.

Tuy nhiên, năm 2022, do tăng trưởng quá nhanh nên thị trường rơi vào tình trạng thiếu room tín dụng.

Theo ông Hưng, Ngân hàng Nhà nước quản lý rất chặt về room tín dụng. Bình quân các tháng đầu năm 2022 đã phân bổ khoảng 10% về tăng trưởng tín dụng trong định hướng cả ngành ngân hàng là 14%. Như vậy, ông Hưng cho rằng còn khoảng 4% về tăng trưởng tín dụng nữa sẽ được Ngân hàng Nhà nước phân bổ vào cuối năm nay.

CEO TPBank cho biết, kênh huy động vốn khác của doanh nghiệp là qua phát hành trái phiếu sau một vài sự cố trong nửa đầu năm, hiện đang ở tình trạng “đình đốn” làm tất cả nguồn vốn đổ dồn vào kênh tín dụng.

Đồng quan điểm, ông Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch Công ty Cổ phần Chứng khoán Smart Invest (AAS) cũng cho rằng ảnh hưởng của thị trường chứng khoán đã dẫn đến việc tiếp cận nguồn vốn trung và dài hạn từ phát hành cổ phiếu, trái phiếu của doanh nghiệp bị hạn chế và kém đi nhiều, nhu cầu vốn của doanh nghiệp đổ dồn lên tín dụng của ngân hàng một cách trầm trọng.

“Càng về cuối năm, nhu cầu về đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh sẽ càng tăng mạnh, khó khăn trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp sẽ càng lớn do room tín dụng không còn nhiều”, ông Trần Minh Tuấn đánh giá.

Theo ông, doanh nghiệp buộc phải tìm những giải pháp để không phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn tín dụng từ bên ngoài. Bên cạnh đó là tập trung vào những hoạt động sản xuất cốt lõi, tập trung nguồn lực tài chính vào những hoạt động mang tính chất thiết yếu, cốt lõi của doanh nghiệp để tạo đà tăng trưởng tốt cho giai đoạn sắp tới.

Phó chủ tịch Smart Invest nhấn mạnh, việc hạn chế đầu tư dàn trải là một trong những biện pháp quản trị tốt ở giai đoạn hiện nay.

Đối với hoạt động trên thị trường chứng khoán, ông Trần Minh Tuấn cho rằng năm 2022 có nhiều biến động liên quan đến việc minh bạch hóa và nhiều điều khoản luật dự kiến được sửa đổi để làm cho thị trường được chặt chẽ hơn, đặc biệt là những luật liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp để giúp cho thị trường trái phiếu hoạt động minh bạch hơn, phát triển bền vững hơn.

Theo ông Tuấn, cơ quan quản lý trong suốt giai đoạn qua đã bám sát thị trường để giúp các hoạt động trên thị trường không bị phát triển quá nóng.

“Tất nhiên, những điều đó sẽ tác động ngắn hạn đến tâm lý của nhà đầu tư, nhưng về mặt dài hạn sẽ giúp thị trường bền vững, đặc biệt là thị trường chứng khoán Việt Nam đang hướng tới việc nâng hạng ở trong giai đoạn sắp tới”, Phó chủ tịch Smart Invest cho biết.

Talk show Phố Tài chính là chương trình truyền hình cung cấp cho các nhà đầu tư những thông tin chính thống, đa chiều và các kiến thức chuyên sâu về thị trường tài chính - chứng khoán. Chương trình được phát sóng vào lúc 18h30 thứ 2 hàng tuần trên VTV8 và phát lại trên các nền tảng mạng xã hội của Talkshow Phố Tài chính.

Hải Đường

Theo VietnamFinance