Ì ạch khởi công Vành đai 4 vùng Thủ đô: Vừa thi công, vừa 'ngóng đợi' mặt bằng
Dù đã khởi công được một năm nhưng đến nay tiến độ triển khai dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô vẫn khá chậm do vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng.
Vừa thi công vừa chờ mặt bằng được giải tỏa
Dù tận dụng thời tiết thuận lợi, nhà thầu đã huy động công nhân và máy móc để triển khai các hạng mục của dự án nhưng đến nay gói thầu số 8 thuộc dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô vẫn còn một phần mặt bằng chưa được bàn giao, chủ yếu có liên quan đến khu dân cư, hệ thống điện cao thế và các công trình hạ tầng vẫn chưa được di dời.
Cùng với đó, nguồn vật liệu đất đắp K98 khan hiếm và chưa đáp ứng đủ nhu cầu cũng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ của dự án.
Gói thầu số 8 của dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô xây dựng đoạn tuyến từ Km0+000 đến Km13+017,92 (Dự án thành phần 2.1 - xây dựng đường song hành).
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng phòng kỹ thuật Ban điều hành thi công đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô (Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn), nếu tháo gỡ được các vướng mắc về mặt bằng, nhà thầu sẽ tự tin hoàn thành gói thầu đúng với tiến độ.
Trong khi đó, đối với gói thầu số 10, xây dựng đoạn tuyến từ Km36+166,74 đến Km48+314,71 dài khoảng 12km đi qua địa bàn quận Hà Đông và huyện Thanh Oai hiện đang là gói thầu có tiến độ chậm hơn so với các gói thầu khác.
Nguyên nhân được cho do có nhiều phần diện tích đất ở của huyện Thanh Oai và Hà Đông vẫn chưa được bàn giao cho nhà thầu và công tác di chuyển công trình ngầm, nổi đường điện trung, hạ thế, nước sạch... cũng chưa được di chuyển kịp thời.
Tại gói thầu số 9, xây dựng đoạn tuyến từ Km13+017,92 đến Km36+166,74 của dự án cũng diễn ra tình trạng chậm bàn giao mặt bằng; đây là gói thầu lớn nhất của dự án, ngoài việc gặp khó trong công tác giải phóng mặt bằng, việc xử lý đất nền cũng được xem là vấn đề mấu chốt gây ảnh hưởng đến tiến độ của gói thầu.
Khó khăn cần sớm được "tháo gỡ"
Theo chia sẻ của Giám đốc Ban Quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội - ông Nguyễn Chí Cường trên báo Lao Động, dự án Vành đai 4 đoạn qua Hà Nội đã giải phóng mặt bằng được hơn 98% diện tích mặt bằng toàn dự án trên tuyến đường dài hơn 58km.
Theo đó, ở phần mặt bằng còn lại gặp khó khăn khi phải di chuyển 242 ngôi mộ trên tổng số 10.100 ngôi mộ; di chuyển các hộ dân; di chuyển đường điện cao thế.
Trong vòng nửa năm vừa qua, dù các địa phương đã cố gắng đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng nhưng tiến độ thực hiện vẫn còn khá chậm chạp. Việc giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp về cơ bản đã đáp ứng tiến độ nhưng giải phóng mặt bằng đất ở và tái định cư, di chuyển công trình ngầm nổi vẫn chưa đáp ứng theo tiến độ chỉ đạo.
Tính đến thời điểm hiện tại, các địa phương vẫn chưa hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu di chuyển ngầm nổi, điều này dẫn đến không thể áp dụng được cơ chế đặc thù về chỉ định thầu của dự án theo nội dung tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội.
Liên quan đến vấn đề di chuyển điện cao thế, đến nay BQLDA vẫn chưa cắt điện để di chuyển các tuyến cáp điện tại vị trí thuộc đường găng của dự án.
Mới đây vào ngày 13/6, trong buổi kiểm tra tiến độ thi công của dự án đường Vành đai 4 đoạn qua Mê Linh (Hà Nội), lãnh đạo TP. Hà Nội đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm chính là tập trung giải quyết dứt điểm 17 đoạn chưa được bàn giao mặt bằng và tiếp tục giải quyết các vấn đề vướng mắc về chế độ, xác định xong đầu đi, đầu đến đối với các trường hợp đất ở.
Lãnh đạo TP. Hà Nội cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công đối dự án đường song hành do hiện nay nguyên vật liệu cơ bản đã được đáp ứng, đảm bảo hoàn thành xây dựng đường song hành trên địa bàn huyện Sóc Sơn và Mê Linh trước ngày 21/12/2024 cũng như hoàn thành toàn bộ đường song hành trong quý III/2025.
Vành đai 4 Vùng Thủ đô mở ra không gian phát triển mới
Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài 112,8km, có điểm đầu nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Cao tốc Vành đai 4 đi qua Hà Nội 58,2km, Hưng Yên 19,3km, Bắc Ninh 25,6km và tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long khoảng 9,7km; trong đó đoạn đi thấp dài 32km và đoạn đi trên cao dài hơn 80km. Dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô có 6 làn xe, hệ thống đường song hành hai bên, hành lang cây xanh và công trình hạ tầng kỹ thuật, đất dự trữ cho đường sắt vành đai với tốc độ thiết kế tuyến đường 100km/h.
Riêng đoạn Vành đai 4 Hà Nội được triển khai theo 7 dự án thành phần, trong đó dự án thành phần 3 được xem là "trục xương sống" bao gồm tuyến cao tốc dài 112,8km với tổng vốn đầu tư 85.813 tỷ đồng. TP. Hà Nội hiện đang "gặp khó" trong việc tìm nhà đầu tư cho cao tốc Vành đai 4 do doanh nghiệp tham gia cần đóng góp vào dự án 29.525 tỷ đồng và đảm bảo năng lực thi công các dự án lớn, theo báo VnExpress.
Không gian quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội hiện bao trùm TP. Hà Nội và 9 tỉnh gồm: Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên; được xem là vùng trọng điểm về kinh tế - xã hội, chính trị của cả nước.
Do hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên vùng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế nên Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội đã đặt ra mục tiêu đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội - Vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội kết nối Hà Nội với các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng.
Theo nhận định của các chuyên gia việc đầu tư xây dựng Vành đai 4 Vùng Thủ đô sẽ giúp mở ra không gian phát triển, phân bổ áp lực đô thị cho TP. Hà Nội, góp phần hình thành nên chuỗi đô thị mới nhiều tiềm năng.
Hiện nay quỹ đất khoảng 6.500ha phía Tây đường Vành đai 4 đang được nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch. Một loạt đô thị vệ tinh tại các huyện như: Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức cũng như nhiều khu đô thị, công nghiệp dọc tuyến trên địa phận tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh... được đánh giá sẽ phát triển rất nhanh khi dự án Vành đai 4 được triển khai; giải quyết hàng loạt điểm ùn tắc giao thông như cửa ngõ phía Nam, cầu Thanh Trì, Quốc lộ 2, Quốc lộ 5…
Ngoài ra, cửa ngõ hàng không quốc tế của cả Vùng Thủ đô - sân bay Nội Bài cũng sẽ được kết nối trực tiếp đến các tỉnh, thành lân cận, giảm thiểu chi phí logistics cho doanh nghiệp vận tải, giảm áp lực giao thông cho các cửa ngõ Hà Nội; góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh không chỉ của TP. Hà Nội mà còn của các tỉnh, thành phố liên quan trong Vùng Thủ đô cũng như cả nước.