IPO VinFast, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sắp vọt lên 16 tỷ USD
Theo Bloomberg, với kế hoạch IPO cho thương hiệu xe điện VinFast, khối tài sản của người đàn ông giàu nhất Việt Nam sắp tăng vọt lên tới 11 tỷ USD, đưa ông lên top những tỷ phú giàu nhất thế giới.
Theo Bloomberg, VinGroup đã đang hoàn thiện giấy tờ cho việc đưa nhà sản xuất xe điện VinFast ra công chúng thông qua niêm yết SPAC với một công ty séc trắng do ông trùm sòng bạc Lawrence Ho thành lập.
Thỏa thuận này có thể định giá VinFast ở mức 23 tỷ USD.
Vào ngày thứ Năm (10/8) tới đây, các cổ đông của Black Spade Acquisition Co. sẽ bỏ phiếu về việc có hoàn tất thương vụ hay không.
Nếu thương vụ được thông qua, đây sẽ là giao dịch mua lại công ty có mục đích đặc biệt lớn thứ 3 trong lịch sử. Và về mặt lý thuyết, khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có thể tăng từ mức 5 tỷ USD hiện tại lên tới 16 tỷ USD, theo chỉ số tỷ phú của Bloomberg.
Hồ sơ pháp lý cho thấy ông Vượng sẽ kiểm soát 99% cổ phần sau khi sáp nhập, một phần thông qua cổ phần do vợ ông là bà Phạm Thu Hương và Vingroup nắm giữ. Tỷ phú sòng bạc Ho và nhánh đầu tư của ông, cùng với một nhóm người khác có liên kết với công ty séc trắng, sẽ nắm giữ một số cổ phần còn lại.
Ra mắt công chúng thông qua việc sáp nhập SPAC – một động thái thường được gọi là “deSPAC” – mang lại nhiều lợi thế cho ông Vượng, cho phép ông bán cổ phần trong tương lai, trao thưởng cho các giám đốc điều hành bằng vốn chủ sở hữu và giúp VinFast nổi tiếng hơn trước công chúng, đặc biệt là ở Mỹ.
“Điều quan trọng cần lưu ý là mục tiêu chính của chúng tôi thông qua giao dịch được đề xuất với Blank Spade luôn là trở thành một công ty niêm yết đại chúng, chứ không phải huy động vốn thông qua chính quy trình deSPAC,” VinFast cho biết.
Mặc dù vậy, việc định giá màn IPO của VinFast đang bị nhiều chuyên gia đánh giá là "quá cao". Jay Ritter, giáo sư tài chính tại Đại học Florida, có cái nhìn ảm đạm về thương vụ sáp nhập của VinFast.
Ông Ritter cho biết: “Phần lớn các deSPAC có định giá quá cao. Với tỷ lệ thả nổi trước công chúng nhỏ, cổ phiếu có thể sẽ rất biến động trong một thời gian, nhưng nó gần như chắc chắn sẽ giảm”.
Tất nhiên, thời kỳ bùng nổ của những vụ IPO thông qua công ty séc trắng đã qua, và rất nhiều công ty sẽ chịu cảnh cổ phiếu giảm ngay sau khi bắt đầu giao dịch. Nên việc cổ phiếu VinFast giảm giá sau IPO cũng là điều đã được tính đến.
Đặc biệt, các công ty xe điện (EV) thường có "lịch sử đen" với việc niêm yết thông qua SPAC. Cụ thể, kể từ tháng 6/2020, có ít nhất 5 cổ phiếu EV đã tăng vọt trong thời gian ngắn sau khi niêm yết thông qua SPAC, trước khi lao dốc và khiến các nhà đầu tư "mất trắng", bao gồm cả Lordstown Motors - đã nộp đơn xin phá sản vào tháng 6.
Trong 6 năm hoạt động, VinFast đã huy động được 9,3 tỷ USD để trang trải chi phí hoạt động và vốn, phần lớn đến từ các hoạt động kinh doanh khác của ông Vượng.
Công ty dự báo doanh số sẽ đạt 45.000 - 50.000 chiếc trong năm nay và cho biết có thể sản xuất xe bán tải điện, ô tô mini và các mẫu xe khác nếu thị trường có nhu cầu. Công ty đã bắt đầu xây dựng một nhà máy ở Bắc Carolina vào tháng trước và ông Vượng dự đoán VinFast sẽ hòa vốn vào cuối năm 2024.
VinFast cũng lạc quan về việc đánh giá vốn chủ sở hữu cho việc niêm yết SPAC, tuyên bố với Bloomberg rằng họ “kỳ vọng tiềm năng tăng giá” đối với việc định giá.
Về phần mình, ông Vượng vẫn cam kết tài chính với VinFast, công ty đã bắt đầu sản xuất ô tô động cơ đốt trong trước khi tập trung vào xe điện. Doanh nhân sinh ra ở Hà Nội, được đào tạo ở Moscow và người thân của ông đã đầu tư ít nhất 300 triệu USD vào liên doanh và ông đã cam kết thêm 1 tỷ USD nữa cho "đứa con tinh thần" đầy tâm huyết này.