JVC đưa ra lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát

Hiện nay, CTCP Đầu tư và Phát triển Y tế Việt Nhật (JVC) là một trong số ít doanh nghiệp niêm yết có lỗ lũy kế trên ngàn tỷ đồng.

Logo của CTCP Đầu tư và Phát triển Y tế Việt Nhật.  
Logo của CTCP Đầu tư và Phát triển Y tế Việt Nhật.  

Theo báo cáo tài chính niên độ tài chính 1/4/2021 - 31/3/2022, JVC còn lỗ lũy kế 1.122 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp có khoản lũy kế đến 31/3/2022 trên ngàn tỷ đồng: Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) lỗ lũy kế 24.575 tỷ đồng; CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) lỗ lũy kế 4.218 tỷ đồng; CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) lỗ lũy kế 3.539 tỷ đồng; CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) lỗ lũy kế 3.037 tỷ đồng; Tổng công ty Lương thực Miền Nam - CTCP (Vinafood II) lỗ lũy kế 2.800 tỷ đồng; CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) lỗ lũy kế 2.670 tỷ đồng…

Ngày 14/6/2022, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) ra Quyết định 381/QĐ-SGDHCM giữ nguyên diện soát cổ phiếu JVC. Lý do được đưa ra là tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính hợp nhất năm đã được kiểm toán trong hai năm liên tiếp.

Thời điểm 31/3/2021, lỗ lũy kế 1.092 tỷ đồng

Ông Lê Minh Chung, Tổng Giám đốc JVC giải trình, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty tính đến ngày 31/3/2021 là lỗ 1.092 tỷ đồng chủ yếu do chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi số lũy kế giai đoạn năm tài chính 2015 (kết thúc 31/3/2016) là lỗ 1.351 tỷ đồng.

Đây là giai đoạn, JVC hoạt động dưới sự điều hành của Ban Giám đốc tiền nhiệm. Sau khi gặp sự cố năm 2015, công ty đã tiến hành rà soát để trích lập và phân loại các khoản phải thu, tạm ứng, trả trước cho người bán và các khoản đầu tư dẫn đến số lỗ phát sinh lớn.

Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, đặc biệt trong việc tái cơ cấu trong những năm tiếp theo, công ty đã có lãi vào các năm 2017, 2018 và 2019. Tuy nhiên, năm 2020 với diễn biến phức tạp và lan rộng của dịch bệnh Covid-19 khiến các bệnh viện và cơ sở y tế giảm dùng vật tư tiêu hao.

Bên cạnh đó, một số bệnh viện và khu vực bị phong tỏa, người dân cũng hạn chế tới khám chữa bệnh. Nguồn vốn đầu tư trang thiết bị y tế của các bệnh viện được chuyển qua mục đích ưu tiên mua sắm các trang thiết bị, vật tư bảo hộ phòng dịch như máy thở, máy xét nghiệm, khẩu trang y tế, rửa tay - đây đều là những mặt hàng vốn không phải sản phẩm chủ đạo của JVC thời điểm đó.

Đồng thời, công ty thay đổi thời gian tính khấu hao đối với các tài sản là máy móc đặt liên kết tại các viện, phòng khám đa khoa cho phù hợp với các quy định hiện hành của Nhà nước và phù hợp với tuổi thọ kinh tế. Vì thế, kết quả kinh doanh năm 2020 của công ty tiếp tục bị lỗ, tuy nhiên, số lỗ lũy kế đã được cải thiện dần qua các năm.

Năm 2022 (giai đoạn 1/4 - 31/12/2022), công ty đặt ra kế hoạch doanh thu đột phá so với năm 2021 và phấn đấu bù đắp được một số phần số lỗ lũy kế các năm trước để lại.

Ý kiến kiểm toán ngoại trừ

Theo ông Lê Minh Chung, vấn đề được nêu trong ý kiến kiểm toán ngoại trừ trong báo cáo tài chính năm được kiểm toán năm 2019, 2020 đã được công ty khắc phục, xử lý trong báo cáo năm 2022.

Báo cáo tài chính năm 2022 của JVC được thực hiện Công ty TNHH Kiểm toán An Việt. Ý kiến của kiểm toán viên, báo cáo tài chính hợp nhất đã phản ánh trung thực và hợp lý, xét trên các khía cạnh trọng yếu, tình hình tài chính hợp nhất của JVC.

Ngoài ra, Công ty TNHH Kiểm toán An Việt còn cho biết, báo cáo tài chính hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31/3/2021 của JVC được kiểm toán bởi một công ty kiểm toán. Kiểm toán viên tiền nhiệm đã đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ về tính hiện hữu và đầy đủ của các khoản thu khách hàng với giá trị là 59 tỷ đồng, khoản trả trước cho người bán là 15 tỷ đồng và khoản nợ phải thu ngắn hạn khác bao gồm số tiền tạm ứng là 19 tỷ đồng. Trong việc lập báo cáo tài chính hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31/3/2022, các khoản công nợ này đã được xử lý theo dõi ngày bảng cân đối kế toán theo Nghị quyết số 0605/2022/HĐQT ngày 6/5/2022 của HĐQT JVC.

Cổ phiếu rơi 80%

Trong năm 2015 xảy ra sự kiện công ty thua lỗ 1.351 tỷ đồng, cổ phiếu JVC đã rơi thẳng đứng 84,2% từ mức cao nhất 25.300 đồng/cổ phiếu xuống còn 4.000 đồng/cổ phiếu.

Trong vài năm vừa qua, cổ phiếu JVC có những biến động theo sự tăng giảm của thị trường chứng khoán. Đơn cử tăng 12,6% trong năm 2019, tăng 77% trong năm 2020 và 69,2% trong năm 2021 nhưng lại giảm 50,5% từ đầu năm đến nay đã xóa sạch gần hết thành quả tăng giá của 3 năm trước đó.

Đóng cửa ngày 30/6, cổ phiếu JVC đạt 5.020 đồng/cổ phiếu, giúp vốn hóa công ty đạt 595 tỷ đồng. Cổ đông lớn của JVC là DI Asian Industrail Fund, L.P (DIAF) sở hữu 19,35%; Dream Incubator Inc. (DI Inc.) sở hữu 5,85% và Phùng Quang Việt sở hữu 5,85%.

Nguyễn Như

Theo Chất lượng và Cuộc sống