Khẩn trương 'giải cứu' loạt dự án giao thông trọng điểm tại tỉnh có nhiều thành phố nhất Việt Nam
Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gửi tới tỉnh thành này.
UBND tỉnh Bình Dương mới đây đã nhận văn bản của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh về tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn.
Theo đó, về đầu tư, nâng cấp một số đoạn tuyến, nút giao của Vành đai 3 TP. HCM trên địa bàn tỉnh Bình Dương (gồm nút giao Tân Vạn; đoạn từ Bình Chuẩn đến sông Sài Gòn; Cầu Bình Gởi), Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc sự cần thiết đầu tư, nâng cấp các công trình nêu trên như kiến nghị của Bình Dương.
Phó Thủ tướng giao UBND TP. HCM chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Bình Dương và các địa phương liên quan rà soát vốn kết dư của dự án đường Vành đai 3 TP. HCM, đề xuất phương án xử lý (bổ sung vào dự án đường Vành đai 3 TP. HCM hoặc triển khai bằng dự án riêng); Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/4/2024, trong đó làm rõ về nguồn vốn, trình tự thủ tục, thẩm quyền.
Về đầu tư đoạn 15,3Km đường Mỹ Phước - Tân Vạn hiện hữu đi trùng đường Vành đai 3 TP. HCM đoạn qua Bình Dương, Phó Thủ tướng đề nghị Bình Dương thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, đề xuất cụ thể phương án đầu tư; Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với UBND TP. HCM (cơ quan đầu mối dự án đường Vành đai 3) và UBND tỉnh Bình Dương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/5/2024.
Về đầu tư đường Vành đai 4 TP. HCM, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Bình Dương triển khai thực hiện theo thẩm quyền đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại văn bản số 1263.
Trường hợp cần có cơ chế, chính sách đặc thù riêng hoặc áp dụng chung cho toàn bộ Dự án đường Vành đai 4, UBND TP. HCM chủ trì, thống nhất với UBND tỉnh Bình Dương , Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch Đầu tư và các địa phương liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/5/2024 để chỉ đạo, trình cấp có thẩm quyền tương tự như dự án Vành đai 3 TP. HCM.
Đối với dự án mở rộng đường nối Vành đai 3 TP. HCM với sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), Phó Thủ tướng thống nhất về chủ trương sự cần thiết đầu tư tuyến đường này để tăng cường kết nối vùng; giao UBND tỉnh Bình Dương và UBND tỉnh Đồng Nai rà soát quy hoạch, thực hiện đầu tư theo thẩm quyền, đúng quy định.
Về quy hoạch, đầu tư ga liên vận quốc tế Sóng Thần, Phó Thủ tướng đề nghị UBND tỉnh Bình Dương thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải trong quá trình lập Quy hoạch đường sắt khu đầu mối TP. HCM, làm cơ sở cập nhật vào quy hoạch tỉnh.
Đối với đề xuất tích hợp tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đến Ga An Bình vào quy hoạch phát triển công nghiệp đường sắt giúp kết nối vùng và bổ sung phương án bố trí vốn cho Bình Dương triển khai đầu tư , Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu phương án tối ưu, trên nguyên tắc quy hoạch vị trí ga đường sắt phải thuận lợi, giảm tối đa chi phí, thời gian trung chuyển, bảo đảm lợi ích tổng thể và quy định pháp luật; đồng thời xem xét kiến nghị của UBND tỉnh Bình Dương trong quá trình hoàn thiện các quy hoạch có liên quan.
Phó Thủ tướng đề nghị Bình Dương khẩn trương tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định Quốc gia, soát tổng thể các quy hoạch liên quan để hoàn thiện quy hoạch tỉnh, trình phê duyệt theo đúng thời hạn quy định.
Từ ngày 1/5 tới, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương sẽ lên thành phố trực thuộc tỉnh. Như vậy tỉnh Bình Dương có tổng cộng 5 thành phố là Bến Cát, Thủ Dầu Một, Tân Uyên, Thuận An và Dĩ An và là địa phương có nhiều thành phố nhất trong cả nước.