Khánh Hòa chốt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, cần 1 triệu tỷ đồng vốn đầu tư

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Một góc Khu kinh tế Vân Phong.
Một góc Khu kinh tế Vân Phong.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.

Tầm nhìn đến năm 2050, Khánh Hòa là một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước; là đô thị thông minh, thân thiện với môi trường, bản sắc, ngang tầm khu vực Châu Á; phấn đấu trở thành một trong những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống hàng đầu của châu Á với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Phát triển huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay

Để thực hiện hóa mục tiêu tổng quát, quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đề định hướng, nhiệm vụ đến năm 2030, Khánh Hòa có 2 đô thị loại I (thành phố Nha Trang và đô thị mới Cam Lâm), 1 đô thị loại II (thành phố Cam Ranh), 1 đô thị loại III, 2 đô thị loại IV và các đô thị loại V.

Trong đó, thành phố Nha Trang là đô thị hạt nhân; thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp, huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống; huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là các tiểu đô thị sinh thái núi rừng.

Đồng thời, phát triển khu vực vịnh Vân Phong (Khu kinh tế Vân Phong) trở thành một trung tâm kinh tế biển hiện đại, địa bàn động lực phát triển của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ nói chung.

Trong đó, khu vực Bắc Vân Phong trở thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế; định hướng lâu dài phát triển khu phi thuế quan và cảng trung chuyển quốc tế khi có đủ điều kiện. Khu vực Nam Vân Phong trở thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển, là khu vực tập trung phát triển các khu công nghiệp, công nghiệp năng lượng tái tạo, chế biến dầu khí, đóng tàu, dịch vụ logistics, dịch vụ vận tải biển và các ngành công nghiệp phụ trợ... cùng với các dự án khu đô thị, dịch vụ du lịch ven biển.

Phát triển thành phố Nha Trang là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò một cực tăng trưởng quan trọng, cửa ngõ hội nhập quốc tế của tỉnh Khánh Hòa.

Phát triển khu vực vịnh Cam Ranh là vùng trọng điểm về kinh tế, xã hội gắn với quốc phòng, an ninh; trong đó phát triển thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch – logistics, huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế.

Về phương án phát triển hạ tầng giao thông, tại khu vực huyện Cam Lâm và thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa nghiên cứu định hướng quy hoạch tuyến tránh quốc lộ 1 tại khu vực xã Suối Tân, huyện Cam Lâm đến quốc lộ 1 tại khu vực xã Cam Thịnh Đông, thành phố Cam Ranh đi song song với tuyến đường sắt Hà Nội – TP. HCM sẽ do địa phương đầu tư thay thế tuyến đường quốc lộ 1 hiện hữu đang đi qua khu vực huyện Cam Lâm, thành phố Cam Ranh. Nghiên cứu định hướng khu vực xây dựng cảng hàng không gắn với phát triển Khu kinh tế Vân Phong và phát triển kinh tế - xã hội (vốn đầu tư ngoài ngân sách). Đồng thời, nghiên cứu xây dựng sân bay cho thủy phi cơ phục vụ du lịch gắn với các cảng khách du lịch tại Vân Phong, Nha Trang và Cam Ranh.

Về hạ tầng thương mại, sẽ phát triển các trung tâm logistics, nhất là trên địa bàn Khu kinh tế Vân Phong và thành phố Cam Ranh, để cung cấp đồng bộ các dịch vụ hậu cần phân phối tại các địa điểm thuận lợi về giao thông, các đầu mối giao thông quan trọng, trung tâm thương mại, khu vực các cơ sở chế biến công nghiệp quy mô lớn. Phát triển các khu du lịch biển dọc theo đường ven biển, bến du thuyền; phát triển các khu thể thao gắn với du lịch nghỉ dưỡng và đô thị tại các vị trí phù hợp trên cơ sở đảm bảo các quy định hiện hành.

Về y tế, phát triển Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa trở thành bệnh viện tuyến cuối của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.

Thu hút đầu tư vào Vân Phong

Về thu hút các dự án đầu tư ngoài ngân sách, giai đoạn 2021 – 2030, Khánh Hòa ưu tiên thu hút đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và thực phẩm chất lượng cao; công nghiệp cơ khí chế tạo công nghệ cao (chủ đạo là đóng tàu); công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chế biến dầu khí; công nghiệp điện tử, viễn thông, bán dẫn; công nghiệp hỗ trợ cho các ngành cơ khí chế tạo, điện tử, viễn thông, bán dẫn, dệt may - da giày…

Đồng thời, ưu tiên các dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với thế mạnh về du lịch biển, du lịch sinh thái; thu hút các dự án phát triển phần mềm, công nghệ số, các dự án dịch vụ vận tải – logistics, các trung tâm hội chợ - triển lãm, phát triển đô thị thông minh…

Đối với Khu kinh tế Vân Phong: Tập trung thu hút dự án đầu tư thuộc danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút đầu tư theo Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội, bao gồm: đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư công nghệ thông tin, nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực đại dương, hàng hải, công nghệ sinh học, dược liệu biển và sinh thái biển.

Bên cạnh đó còn đầu tư xây dựng và kinh doanh trung tâm thương mại, tài chính; đầu tư xây dựng và kinh doanh khu đô thị với quy mô diện tích đất từ 300ha trở lên hoặc có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; đầu tư xây dựng và kinh doanh khách sạn, khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp có sân gôn (golf).

Đồng thời, xây dựng và kinh doanh sân bay, đầu tư bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt, dịch vụ logistics, dịch vụ hậu cần cảng biển, bến cảng, khu bến cảng, cảng tổng hợp, cảng chuyên dùng thuộc cảng biển loại I.

Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư của tỉnh Khánh Hòa trong cả thời kỳ 2021-2030 khoảng trên 1 triệu tỷ đồng; trong đó giai đoạn 2021-2025 đạt 354.000 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 đạt 664.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn từ khu vực nhà nước đáp ứng khoảng 15-18%, khu vực tư nhân trong nước khoảng 61-66%, khu vực vốn đầu tư nước ngoài khoảng 19-21%.

Khánh Hồng

Theo VietnamFinance