Khi xuất khẩu là cuộc chơi chính của FDI: Trăn trở khác...

Để Việt Nam trở thành nền kinh tế tự chủ, phát triển thì quan trọng nhất là phải bồi đắp cho nội lực quốc gia - các doanh nghiệp trong nước.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2021 có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%), trong đó điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 29,4 tỷ USD, chiếm 15,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 27,4 tỷ USD, tăng 16,5%.

Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 19,7 tỷ USD, tăng 55,4%; hàng dệt và may mặc đạt 18,6 tỷ USD, tăng 14,1%; giày dép đạt 12,1 tỷ USD, tăng 27,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,5 tỷ USD, tăng 53,7%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 6,5 tỷ USD, tăng 48,5%...

Tính chung 7 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn duy trì mức tăng trưởng cao 27,9% so với cùng kỳ năm 2020, ước đạt 159,12 tỷ USD, chiếm 85,85% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trên đây là những mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn là động lực chính góp phần vào tăng trưởng xuất khẩu chung các mặt hàng này.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung 7 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,81 tỷ USD, tăng 29,9%, chiếm tới 73,8%. Khu vực kinh tế trong nước đạt 48,52 tỷ USD, tăng 14,6%, chiếm 26,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Theo PGS.TS Lê Cao Đoàn, nguyên cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam, tình trạng FDI đóng vai trò là người chơi chính trong xuất khẩu của Việt Nam đã kéo dài nhiều năm. Nói cách khác, thành tích xuất khẩu đạt được thuộc về FDI và họ là người hưởng lợi chính từ thành tích này.

Trong giai đoạn đầu, FDI là lực lượng cần thiết để nền kinh tế Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới, tạo dựng các yếu tố cho sự phát triển lâu dài bởi FDI di chuyển vốn, công nghệ nước ngoài vào Việt Nam.

Khi xuất khẩu là cuộc chơi chính của FDI: Trăn trở khác... - Ảnh 1
Việt Nam đã có một vài doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh nhưng chưa đủ. Ảnh minh họa

"Toàn cầu hóa hình thành nên mạng lưới sản xuất toàn cầu mà nó được quyết định bởi lực lượng của các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới. Nếu các nước đi sau tham gia được vào mạng lưới này thì sẽ có sự chuyển giao phát triển rất nhanh, có thể rút ngắn được quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa", PGS.TS Lê Cao Đoàn đánh giá.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng nhắc lại quan điểm đã được ông lưu ý nhiều lần, đó là  đầu tư nước ngoài cũng là đầu tư của những người đi kiếm tiền, được lợi thì mới vào. Nếu họ phát hiện những kẽ hở trong chính sách của nước sở tại thì họ sẽ lợi dụng. Hiện tượng lỗ giả lãi thật, chuyển giá cũng từ đây mà ra, còn nước nhận đầu tư không nhận được gì nhiều.

"Khi vốn FDI vào, chưa nói đến chuyện quản lý vội, thì nó sẽ nhanh chóng tạo ra sự đột biến trong phát triển. Thế nhưng, thực chất, nội dung và kết quả của sự phát triển ấy lại bị chia sẻ bởi các doanh nghiệp nước ngoài. Họ chỉ thay đổi địa điểm để tiến hành hoạt động kinh tế, kiếm lời của mình.

FDI đem đến phương thức phát triển hiện đại, nhưng nếu sự chuyển giao không đem lại sự phát triển cho nền sản xuất bản địa, không làm cho nền sản xuất ấy phát triển thì không ổn.

Như vậy, nền kinh tế quốc gia ấy không thể phát triển được về lâu về dài và sự giàu có của quốc gia đối diện với nhiều hạn chế. Ngoài chuyện họ sử dụng các biện pháp phi kinh tế, các doanh nghiệp nước ngoài quyết định chiếm tỷ trọng càng lớn thì những khó khăn cho khu vực kinh tế nội địa càng lớn, bởi bao nhiêu lợi ích đã bị FDI chiếm hữu", PGS.TS Lê Cao Đoàn chỉ rõ.

Theo vị chuyên gia, tại Việt Nam, các doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ trọng lớn và chiếm các vị trí rất quan trọng. Sau này, có thêm doanh nghiệp có vốn đầu  tư nước ngoài. Nếu hai lực lượng này phát triển không phù hợp thì nó sẽ làm cho doanh nghiệp nội địa, cụ thể là doanh nghiệp tư nhân, trở nên nhỏ bé, khó cạnh tranh và không thể vươn lên trở thành một lực lượng chính. .

Nếu chuyện này cứ kéo dài, vị chuyên gia cảnh báo, nền kinh tế Việt Nam khó đối diện với nhiều nguy cơ. Ông khuyến nghị, cần phải nghĩ đến tình huống, các doanh nghiệp FDI đến Việt Nam đầu tư, xây dựng nhà máy, khi thấy không cần thiết nữa họ rút đi, thử hỏi nền kinh tế Việt Nam còn lại gì?

"Kinh tế thị trường là nền kinh tế của các doanh nghiệp lớn, hiện đại, nhưng nếu những doanh nghiệp quyết định sự phát triển lại là doanh nghiệp nước ngoài thì rất cần phải suy nghĩ.

Doanh nghiệp FDI giàu tiềm lực tài chính, công nghệ nên họ thu hút những gì tốt nhất, từ chất xám đến đất đai, lấn át doanh nghiệp nội địa, thậm chí trở thành lực lượng quyết định phương hướng phát triển", ông Đoàn chỉ rõ.

Vị chuyên gia ghi nhận Việt Nam đã có một số doanh nghiệp vươn lên rất tốt nhưng chưa đáng kể và chưa thể trở thành phương thức đích thực để định hướng cho sự phát triển. Bởi vậy, nuôi dưỡng doanh nghiệp vô cùng quan trọng, mà trước hết là cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển một cách bình thường.

"Phải tạo ra một hệ thống để các yếu tố kinh tế thị trường của quốc gia phát triển, đó là doanh nghiệp trong nước. Sau cùng, đây vẫn là câu chuyện của cơ chế, chính sách. Nếu cứ bị chèn ép, doanh nghiệp trong nước không thể lớn lên được", ông nói.

Thành Luân

Theo Đất Việt