Khó khăn kéo dài, doanh nghiệp bất động sản đang “kiệt sức”

Mặc dù đã có những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong suốt thời gian qua, nhưng khó khăn vẫn chưa thôi đeo bám doanh nghiệp bất động sản. Theo đó, hàng loạt doanh nghiệp đã “kiệt sức” và phải giải thể. Dự báo số lượng doanh nghiệp bất động sản rút lui khỏi thị trường sẽ còn tiếp diễn trong năm 2024.

 

Khó khăn kéo dài, doanh nghiệp bất động sản đang “kiệt sức” - Ảnh 1

Hơn 100 doanh nghiệp bất động sản giải thể mỗi tháng

Việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao để rồi khi thị trường bất động sản rơi vào “bế tắc’, các doanh nghiệp trong ngành cũng “lao đao”, dẫn đến việc không thể trụ lại được sau một khoảng thời gian dài chống chọi. Kết quả, mỗi tháng trôi qua, có hàng trăm doanh nghiệp địa ốc phải rút lui khỏi thị trường.

Mặc dù thực tế, giai đoạn này những khó khăn mà các doanh nghiệp trong ngành phải chịu đựng đã phần nào “nhẹ nhàng” hơn, tuy nhiên tình hình tài chính của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều vấn đề chưa thể tháo gỡ.

Theo Hiệp Hội bất động sản Việt Nam (VNREA), tình hình tài chính của doanh nghiệp đã vượt qua thời kỳ căng thẳng nhất. Tuy nhiên, trung bình mỗi tháng vẫn có 107 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường.

Thống kê của VNREA cũng cho thấy, đối với các sàn giao dịch bất động sản có 20% sàn tiếp tục đối diện với nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt, phải cố gắng cầm cự với niềm tin thị trường sẽ hồi phục vào cuối năm nay.

Có thể lấy ví dụ điển hình như CTCP Phát triển và Kinh doanh Nhà (HDTC), có trụ sở tại phường Bến Thành, quận 1 (TP HCM) vừa có văn bản số 380/TB-HDTC/2023 về việc tạm dừng hoạt động. Phía doanh nghiệp này cho biết, để phù hợp với tình hình hoạt động của công ty trong thời gian hiện nay, Hội đồng quản trị đã thống nhất sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, chỉ giữ lại những nhân sự chủ chốt để củng cố công ty trong giai đoạn trước mắt. Vì vậy, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty thông báo toàn thể cán bộ, nhân viên đang làm việc tại HDTC, chi nhánh công ty tạm thời nghỉ không hưởng lương để chờ việc, kể từ ngày 26/11/2023 cho đến khi công ty có thông báo mới.

Hay như CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Mã CK: DXG) mới đây cũng cho biết đang làm thủ tục giải thể 8 công ty con, gồm: CTCP Đầu tư Bất động sản Miền Đông, Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Đông Nam Bộ, công ty TNHH Đất Xanh Finance, Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Bình Phước, Đầu tư Diamond Tower, Đầu tư Ruby Tower, Đầu tư Shapphire và Đầu tư Emerald Tower. Được biết, các công ty này đều do Đất Xanh Group nắm giữ 99-100% vốn điều lệ. Nếu hoàn tất thủ tục giải thể, số lượng công ty con của tập đoàn này sẽ giảm từ 86 công ty xuống còn 78 đơn vị.

Song song với đó, chủ đầu tư này cũng mạnh tay cắt giảm quy mô nhân sự. Tại ngày 30/9/2023, số lượng nhân viên của công ty còn 2.484 người, giảm 1.289 nhân sự so với thời điểm đầu năm.

Trong khi đó, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, Mã CK: NVL) cũng chứng kiến quy mô nhân sự giảm 315 người so với đầu năm (1.404 người) và giảm 676 người so với cuối năm 2021.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết chỉ trong tháng 10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có 3 văn bản chỉ đạo liên quan đến thị trường bất động sản. Kỳ vọng đặc biệt nhất của doanh nghiệp lúc này là tháo gỡ pháp lý thì họ mới tiếp cận tín dụng nhưng thực tế rất khó.

Theo ông Châu, “Báo cáo của Bộ Xây dựng thấy phấn khởi khi số dự án nhà ở thương mại mở bán tăng 3 lần so với quý trước. Ngân hàng Nhà nước cũng thông báo tín dụng vào bất động sản tăng kinh khủng nhưng chúng tôi không biết, không thấy doanh nghiệp nào được vay, không rõ tiền chảy đi đâu”.

“Các báo cáo cho thấy thị trường bất động sản đang từng bước phục hồi trở lại, khó khăn đang giảm dần, quý sau đỡ khó khăn hơn quý trước. Nhưng mới ngày 24/10, tôi họp Ban chấp hành của Hiệp hội, các doanh nghiệp vẫn cho rằng họ đang còn gặp rất nhiều khó khăn. Những tín hiệu lạc quan xuất phát nhiều từ nỗ lực của doanh nghiệp, các chính sách của nhà nước vẫn chưa thẩm thấu, chưa thật sự hiệu quả.

Do vậy, các doanh nghiệp vẫn mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sát sao hơn nữa trong việc kiểm tra, đánh giá lại tính hiệu quả của các quyết sách đưa ra để có chỉ đạo cho phù hợp. Đặc biệt là thực thi ở các bộ ngành, các địa phương đối với các chỉ đạo trên”, chủ tịch HoREA nói.

Khó khăn của doanh nghiệp tiếp tục được đẩy sang năm 2024

Theo như Hiệp Hội bất động sản Việt Nam (VNREA) dự báo, từ nay đến năm 2024, thị trường bất động sản vẫn sẽ tiếp tục chứng kiến sự ra đi của một số doanh nghiệp đã kiệt sức do phải chống chọi trong suốt giai đoạn khó khăn kéo dài vừa qua.

Trong đó, vẫn đề sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao là mấu chốt dẫn đến sự khó khăn về dòng tiền đối với các doanh nghiệp trong ngành. HoREA cho biết, giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn (nhóm bất động sản chiếm tỷ trọng lớn) sẽ đạt đỉnh trong ba năm vào năm sau.

Trong khi đó, báo cáo của WiGroup cũng chỉ ra, trong năm 2024 sẽ có khoảng 24.074 tỷ đồng trái phiếu bất động sản đáo hạn và rủi ro tái cấp vốn sẽ tăng cao trong 12 tháng tới, cao điểm vào các tháng 4 - 8/2024.

“Dòng tiền hoạt động và nguồn tiền mặt đang ở mức đáng báo động, phần lớn doanh nghiệp bất động sản trên sàn đều thiếu hụt tiền mặt để đáp ứng nghĩa vụ nợ ngắn hạn”, nhóm phân tích WiGroup nhận định.

Khó khăn kéo dài, doanh nghiệp bất động sản đang “kiệt sức” - Ảnh 2
Khó khăn vẫn còn “đeo bám” doanh nghiệp bất động sản trong năm 2024
(Ảnh minh họa).

Cũng ở một chia sẻ mới đây, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, bất động sản là thị trường có vị trí và vai trò quan trọng đặc biệt đối với nền kinh tế. Vì vậy, từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã không ngừng quan tâm và ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ thị trường hồi phục, doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên, nhìn vào số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê, Cục Đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp bất động sản hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới trong quý giảm.

“Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản hiện đang gặp nhiều thách thức và phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động. Nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Có thể thấy, thị trường bất động sản hiện vẫn còn những khó khăn, doanh nghiệp trong ngành vẫn còn “đuối sức”, vướng mắc liên quan tới pháp lý, giao đất, xác định giá đất, thị trường vốn, thủ tục hành chính, việc phân cấp, phân quyền, nhất là tiếp cận tín dụng cho bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn.

Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới, các bộ, ban ngành và địa phương vẫn cần tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục để hoàn thiện thủ tục cho chủ đầu tư thực hiện các dự án nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở giá rẻ, qua đó tăng nguồn cung về nhà ở. Đây chính là yếu tố cốt lõi để giải quyết vấn đề mất cân bằng cung – cầu hiện nay.

An Nhiên

Theo Kinh doanh và Phát triển