Nhiều doanh nghiệp BĐS cạn vốn rút khỏi thị trường
Kể từ cuối năm 2022, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản nhưng cho đến nay, các chính sách tác động không thể cứu khó cho 100% doanh nghiệp bất động sản. Nhiều doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính cao đã rời bỏ thị trường.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 10 tháng năm 2023, cả nước có 1.067 doanh nghiệp địa ốc giải thể, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Bất động sản cũng là ngành chứng kiến số lượng doanh nghiệp giải thể lớn nhất trong kỳ này.
Báo cáo tài chính quý 3 của nhiều doanh nghiệp bất động sản cho thấy làn sóng cắt giảm nhân sự tiếp tục lan rộng, qua 9 tháng, hàng trăm nhân viên bị mất việc làm. Danh sách doanh nghiệp bất động sản phải bán dự án để trả nợ tiếp tục nối dài, với những tên tuổi đình đám. Có những doanh nghiệp vừa và nhỏ buộc phải giải thể công ty. Điều này cho thấy thị trường bất động sản đang diễn ra tình trạng thanh lọc mạnh mẽ và khốc liệt.
Mới đây, tại Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà (HDTC), có trụ sở tại phường Bến Thành, quận 1 (TPHCM) đã thông báo về việc cơ cấu lại bộ máy tổ chức nhân sự. Văn bản do ông Đinh Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc HDTC, ký ban hành.
Doanh nghiệp cho biết, vì lý do nguồn tài chính công ty hiện tại vô cùng khó khăn, công ty không có nguồn thu để chi trả lương cho cán bộ, nhân viên. Để phù hợp với tình hình hoạt động của công ty trong thời gian hiện nay, HĐQT đã thống nhất sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, chỉ giữ lại những nhân sự chủ chốt để củng cố công ty trong giai đoạn trước mắt.
“Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty thông báo toàn thể cán bộ, nhân viên đang làm việc tại HDTC, chi nhánh công ty tạm thời nghỉ không hưởng lương để chờ việc. Thời gian nghỉ việc không lương của cán bộ, nhân viên Công ty HDTC từ ngày 26-11 năm nay cho đến khi có thông báo mới”, văn bản của doanh nghiệp nêu.
Hay tại Đất Xanh Group, doanh nghiệp này cũng đã cắt giảm nhân sự với số lượng lớn trong thời gian qua. Cùng với đó, Đất Xanh Group cũng liên tiếp tiến hành giải thể các công ty con do Tập đoàn Đất Xanh nắm 90% vốn. Trong số đó, có các công ty như: Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Miền Đông, Đầu tư Kinh doanh bất động sản Đông Nam Bộ, Công ty TNHH Đất Xanh Finance, Đầu tư Kinh doanh bất động sản Bình Phước, Đầu tư Diamond Tower, Đầu tư Ruby Tower, Đầu tư Shapphire và Đầu tư Emerald Tower.
Vào cuối tháng 10 vừa qua, HĐQT CT CP Đầu tư PVR Hà Nội đã ra quyết định về việc tạm ngừng hoạt động kinh doanh, trong đó nêu ra việc bị phong tỏa tài khoản tại các ngân hàng theo quyết định của tòa án và năm 2023 doanh nghiệp không có kinh phí để duy trì hoạt động. Dự kiến năm 2024, doanh nghiệp vẫn chưa có kinh phí hoạt động. Việc tạm ngừng là thời gian để công ty xem xét tìm kiếm giải pháp, phương hướng để công ty có tài chính hoạt động trở lại.
Tại báo cáo tài chính quý III của PVR, mục doanh thu để trắng nhưng vẫn phải trả chi phí tài chính, quản lý doanh nghiệp. Kết quả PVR lỗ 77 triệu đồng quý III. Lỗ lũy kế tại 30/9 gần 79 tỷ đồng.
Trước đó, Hội đồng quản trị Công ty CP Licogi 166 (mã chứng khoán: LCS) công bố nghị quyết tạm ngừng kinh doanh 1 năm, từ 15/3 đến ngày 14/3/2024 do hoạt động kinh doanh gặp khó khăn.
Hội đồng quản trị Licogi 166 cho biết, tạm ngừng để tìm ra phương hướng giải quyết khó khăn và củng cố lại cơ cấu tổ chức. Việc tạm ngừng kinh doanh đã nằm trong kế hoạch kinh doanh năm 2023 của Licogi 166.
Như vậy, khó khăn về dòng tiền buộc các doanh nghiệp bất động sản phải cắt giảm nhân sự, thậm chí dừng hoạt động. Hiện tại việc bế tắc trong huy động vốn mới cùng với việc không có nguồn thu bán hàng bù đắp làm tăng rủi ro chậm trả nợ gốc và lãi của các công ty bất động sản. Ngoài việc trái phiếu đáo hạn tăng, dòng tiền hoạt động và nguồn tiền mặt hiện nay cũng đang ở mức đáng báo động. Lượng tiền mặt của các doanh nghiệp đã giảm xuống mức thấp trong 5 năm qua.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, áp lực về dòng tiền đổ lên các doanh nghiệp bất động sản ngày càng rõ rệt. Nhìn vào con số báo cáo tài chính doanh nghiệp cho thấy, doanh thu các ngành giảm từ giữa năm 2022 đến nay, đăc biệt nghiêm trọng nhất là hai ngành Bất động sản và Xây dựng. Mỗi tháng có khoảng 107 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường. Các doanh nghiệp này đang ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi rất khó để huy động vốn qua trái phiếu, cổ phiếu và tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Trong báo cáo mới đây, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, trong giai đoạn cuối năm 2023 và nửa đầu năm 2024, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục chứng kiến sự ra đi của một số doanh nghiệp đã kiệt sức, do phải chống chọi trong suốt thời gian dài vừa qua.