Gặp khó về dòng tiền, doanh nghiệp bất động sản giải thể tăng cao
Dù đã được tháo gỡ vướng mắc pháp lý, cởi trói thị trường, khơi thông về dòng vốn nhưng số lượng doanh nghiệp ngành địa ốc giải thể vẫn tăng cao.
Chuyên gia cho rằng, do đại đa số các doanh nghiệp giải thể sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao, nên việc tháo gỡ vướng mắc về pháp lý hay giảm lãi suất thì doanh nghiệp cũng không xử lý được hết nợ.
Trung bình mỗi tháng có 107 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường
Số liệu trên được Tổng cục Thống kê cho biết tại Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2023. BĐS là ngành chứng kiến lượng doanh nghiệp giải thể lớn nhất trong kỳ này.
Trong khi đó, số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới đạt 3.850, giảm 50,2% so với cùng kỳ.
Về nguồn vốn nước ngoài rót vào thị trường bất động sản Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, ngành này đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 2,14 tỷ USD, chiếm hơn 8,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 44,8% so với cùng kỳ.
Trước đó, trong 9 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài đã rót vào thị trường bất động sản Việt Nam 1,94 tỷ USD.
Bất động sản là ngành có số doanh nghiệp bất động sản giải thể lớn nhất 10 tháng đầu năm 2023. |
Số liệu thống kê từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) gần đây, tính đến cuối tháng 8, có 1.721 doanh nghiệp BĐS quay trở lại hoạt động, tăng 102% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 9 tháng năm 2023, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực BĐS gấp 3,5 lần số lượng doanh nghiệp BĐS giải thế với 3.394 doanh nghiệp nhưng vẫn giảm tới 52,4% so với cùng kỳ năm 2022. Thế nhưng, trung bình mỗi tháng vẫn có 107 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường.
Theo đánh giá của Hiệp Hội bất động sản Việt Nam (VNREA), thị trường bất động sản gần đây đã có một số chuyển biến mới tích cực hơn sau giai đoạn khó khăn kéo dài từ cuối năm ngoái. Trong đó, một vài dự án mới đã được chủ đầu tư công bố ra thị trường. Tình hình tài chính của doanh nghiệp đã vượt qua thời kỳ căng thẳng nhất. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng vượt qua giai đoạn khủng hoảng để hướng tới hồi thái lai.
Đối với các sàn giao dịch bất động sản, VNREA cho biết có 20% sàn tiếp tục đối diện với nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt, phải cố gắng cầm cự với niềm tin thị trường sẽ hồi phục vào cuối năm nay.
Dự báo trong thời gian tới, VARS cho rằng số lượng bất động sản giải thể tiếp tục xu hướng tăng là minh chứng cho thấy các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Theo VARS, nếu tình hình khó khăn trên thị trường bất động sản tiếp tục duy trì đến hết năm 2023, số lượng doanh nghiệp có nguy cơ phá sản sẽ tiếp tục tăng cao.
Các biện pháp hỗ trợ thị trường chưa đủ lực?
Những nỗ lực từ nhiều phía (Chính phủ, các bộ ngành, hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp…) đã góp phần tích cực nhằm giữ thị trường bất động sản. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, thị trường vẫn chưa đủ lực để kéo thị trường vực dậy.
TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng: “Để thị trường có thể đạt được những chuyển biến rõ rệt, đặc biệt cần thêm nhiều các giải pháp thật sự cụ thể, chi tiết và mạnh tay hơn nữa từ phía Chính phủ, các bộ, ngành. Những hành động này phải thật nhanh, thật mạnh, thật dứt khoát, triệt để đến khi nào các vấn đề của thị trường được giải quyết hết mới thôi.
Tránh tình trạng ngắt quãng, đứt đoạn khiến đà phục hồi bị mất. Cũng không nên coi nhẹ, gác lại bất cứ tồn đọng nào. Bởi lẽ, chỉ cần một tàn dư nhỏ, ấp ủ lâu dần cũng dễ khiến ngọn lửa bùng trở lại”.
Về phía các chủ đầu tư đều mong muốn Ngân hàng Nhà nước xem xét hỗ trợ trong việc cơ cấu khoản vay, gia hạn nợ và giảm lãi suất cho những dự án sẽ triển khai trong hai năm 2024 - 2025 để giãn dòng thanh toán cho doanh nghiệp.
Nhất là trong giai đoạn tới, thị trường sẽ đối diện với áp lực đáo hạn trong năm 2024. Theo thống kê mới đây của Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2024 sẽ lên đến 329.500 tỷ đồng. Trong khi đó, con số này ở năm ngoái là 144.500 tỷ đồng, năm nay là 271.400 tỷ đồng.
Trước mắt trong giai đoạn cuối năm, áp lực trả nợ trái phiếu của các doanh nghiệp cũng rất lớn. Theo HoREA, quý IV là giai đoạn cao điểm đáo hạn trái phiếu của cả năm nay với tổng giá trị lên đến 65.500 tỷ đồng (không tính các lô trái phiếu đã giãn và hoãn). Gần 80% là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.
Thống kê của WiGroup cũng chỉ ra, trong năm 2024 sẽ có khoảng 24.074 tỷ đồng trái phiếu bất động sản đáo hạn và rủi ro tái cấp vốn sẽ tăng cao trong 12 tháng tới, cao điểm vào các tháng 4 - 8/2024.
WiGroup nhận định, khi thanh khoản của thị trường bất động sản kéo dài mức thấp trong suốt năm 2023 và giao dịch mua nhà mới tiếp tục bị suy giảm do tâm lý thị trường yếu, doanh số bán hàng của các doanh nghiệp được dự báo sẽ kém và dòng tiền hoạt động theo đó tiếp tục ở mức thấp, thậm chí âm.
Bế tắc trong việc huy động vốn mới cùng với việc không có nguồn thu bán hàng bù đắp làm tăng rủi ro chậm trả nợ gốc và lãi của các công ty bất động sản.
Vì vậy, các doanh nghiệp bất động sản mong muốn sẽ có nhiều biện pháp mạnh tay hơn về nguồn vốn và pháp lý để thị trường vượt qua giai đoạn khó khăn.