Khoản nợ 450 tỷ đồng trái phiếu hé mở hệ sinh thái Crystal Bay của “đại gia” Nguyễn Đức Chi
Công ty Cổ Phần Crystal Bay vừa công bố thông tin về việc phát hành thành công lô trái phiếu có mã CBGCB2124001 với lãi suất 9,5%/năm. Được biết đây là lô trái phiếu đầu tiên được doanh nghiệp phát hành kể từ khi thành lập. Vậy, tiềm lực thực sự của Crystal Bay ra sao?
Từ khoản nợ 450 tỷ đồng trái phiếu….
Theo thông tin được công bố, lô trái phiếu có mã CBGCB2124001 được Crystal Bay phát hành vào ngày 5/11/2021, kỳ hạn 3 năm, đáo hạn vào ngày 5/11/2024.
Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có đảm bảo bằng tài sản và không phải khoản nợ thứ cấp của doanh nghiệp với lãi suất cố định 9,5%/năm. Mục đích phát hành nhằm tăng quy mô vốn hoạt động để phục vụ cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và các mục đích khác.
Đơn vị đứng ra thu xếp là CTCP Chứng khoán VNDirect.
Đáng chú ý về lô trái phiếu này là trước đó, theo thông tin được doanh nghiệp công bố, lô trái phiếu có tài sản đảm bảo là 78,2 triệu cổ phần, tương đương 68% vốn điều lệ Crystal Bay, thuộc sở hữu của 10 cổ đông cá nhân và 1 tổ chức trong nước. Nổi bật trong số đó là 21,4 triệu cổ phần của ông Nguyễn Đức Chi – Chủ tịch HĐQT Crystal Bay; 7,9 triệu cổ phần của ông Nguyễn Đức Tuấn – em trai ông Chi; và 10,4 triệu cổ phần của CTCP Dạ Lan Hương.
Ngoài ra, lô trái phiếu của Crystal Bay còn được cam kết bảo lãnh thanh toán bởi ông Nguyễn Đức Chi và CTCP Sunbay Ninh Thuận – chủ đầu tư dự án Sunbay Park Hotel & Resort quy mô 8,3ha tại đường Yên Ninh, Mĩ Bình, Tp. Phan Rang, Ninh Thuận.
….đến năng lực thực sự của Crystal Bay
Theo tìm hiểu, Crystal Bay tiền thân là Công ty du lịch Crystal Holiday, được thành lập ngày 23/7/2016, có trụ sở chính tại tòa nhà số 5, Bến du thuyền Quốc tế, đường Nguyễn Cơ Thạch, phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, Khánh Hòa. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch giải trí và quản lý bất động sản.
Crystal Bay có vốn điều lệ ban đầu đạt 250 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Đức Chi (nắm giữ 60% VĐL), ông Nguyễn Đức Tấn – em trai ông Chi (nắm giữ 20% VĐL) và bà Nguyễn Thị Duyên (nắm giữ 20% VĐL).
Tại lần đăng ký thay đổi vào ngày 17/6/2021, doanh nghiệp đã tăng vốn điều lệ lên 1.150 tỷ đồng, tương ứng với 115 triệu cổ phần. Như vậy, trong đợt phát hành trái phiếu nói trên, Crystal Bay đã thế chấp 68% vốn điều lệ công ty.
Hiện tại người đại diện pháp luật của công ty là ông Nguyễn Đức Chi (chủ tịch HĐQT) và ông Nguyễn Tiến Trung (tổng giám đốc).
Được biết, ông Chi còn đứng tên cho loạt pháp nhân khác thuộc “hệ sinh thái” của Crystal Bay như CTCP Heritage Holdings, CTCP Vân Đồn Green Industrial Park, Công ty TNHH Đóng tàu Trường Sa, CTCP Xây dựng Lam Hồng MC, CTCP Cam Ranh Riviera Resort, CTCP Đầu tư và Phát triển Ngân Sơn, CTCP Câu lạc bộ Du thuyền Đệ Nhất, CTCP Nhật Tiến Khánh Hòa, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Minh Tú, Công ty TNHH Marina Park, CTCP Crystal Bay Hotels & Resorts, CTCP Marina City, Công ty TNHH Central Park Nha Trang.
Trên thị trường bất động sản, Crystal được biết đến như một “đại gia” trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng với loạt dự án như Sunbay Park Hotel & Resort, Ninh Chữ Sailing Bay, Cam Ranh Spa & Resort,…
Năm 2018, Crystal Bay chính thức đẩy mạnh phát triển lĩnh vực bất động nghỉ dưỡng. Theo đó, doanh nghiệp đã thâu tóm hàng loạt quỹ đất khủng tại Vân Đồn với dự án Vân Đồn Heritage Road quy mô hơn 3.300 ha, hay tại Ninh Thuận với Mũi Dinh Ecopark rộng 766 ha, Sailing Bay Ninh Chữ, Bãi Cốc Resort …
Ngoài ra còn có hàng loạt dự án tại Khánh Hòa đang được xây dựng. Trước đó, năm 2013 Crystal Bay đã bắt đầu phát triển dự án nghỉ dưỡng đầu tiên mang tên Cam Ranh Riviera Beach Resort & Spa.
Liên quan đến dự án này, vào ngày 23/12/2021 Công ty CP SunBay Ninh Thuận (Công ty con của Tập đoàn Crystal Bay) đã phát hành lô trái phiếu trị giá 800 tỷ đồng với 2 mã trái phiếu khác nhau. Đây đều là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có đảm bảo bằng tài sản, kỳ hạn 3 năm với lãi suất kết hợp (12 tháng đầu tiên kể từ ngày phát hành: Lãi suất cố định 9,5%/năm; từ tháng thứ 13 đến ngày đáo hạn: Lãi suất thả nổi nhưng không thấp hơn 9,5%/năm).
Lô trái phiếu nói trên được đảm bảo bằng tài sản của Công ty CP SunBay Ninh Thuận và bên thứ 3 bao gồm: Quyền sử dụng các khu đất ở, đất thương mại dịch vụ tại khu đô thị du lịch biển Bình Sơn thuộc quyển sở hữu của SunBay Ninh Thuận cùng toàn bộ tài sản gắn liền; Quyền khai thác và tất cả quyền tài sản liên quan đến phần dự án thuộc hai tòa tháp B, tháp C….
Trở lại với Crystal Bay, ở một diễn biến mới đây, doanh nghiệp này đã được UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý về việc nghiên cứu, khảo sát, đề nghị quy hoạch và đề xuất dự án đầu tư tại các khu vực thuộc huyện Cam Lâm và huyện Khánh Sơn.
Cụ thể, Crystal Bay đề xuất khảo sát lập quy hoạch, đầu tư Khu du lịch Crystal Bay Khánh Sơn – Cam Lâm tại xã Ba Cụm Bắc (huyện Khánh Sơn) và xã Cam Phước Tây, Cam An Bắc (huyện Cam Lâm). Dự án có quy mô dự kiến hơn 3.173 ha, gồm ba hợp phần.
Trước đó, hồi tháng 9/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã duyệt nhiệm vụ dự toán quy hoạch phân khu Khu du lịch hồ Prenn, TP Đà Lạt do Crystal Bay tài trợ. Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch rộng khoảng 1.000 ha (trong đó đất rừng khoảng 679,6 ha) thuộc địa giới hành chính phường 3, phường 10 và phường 11, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Crystal Bay cũng từng gây chú ý khi đề xuất ‘siêu’ dự án Lam Hồng Garden Park City tại Hà Tĩnh. Theo đề xuất, dự án có quy mô lên đến 262 ha thuộc các phường Nam Hà, Văn Yên, Đại Nài, thành phố Hà Tĩnh. Dự án được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 2738 ngày 30/7/2021. Dự án gồm nhiều hạng mục công trình (nhà ở liền kề, chung cư, công trình công cộng…).
Liên quan đến dự án này, vừa qua, Bộ Xây dựng cũng đã lên tiếng về việc dự án công viên trung tâm và KĐT Lam Hồng Garden Park City còn nhiều điểm chưa phù hợp với Quy hoạch chung TP Hà Tĩnh.
Cụ thể, Bộ Xây dựng cho biết việc đề xuất tiến độ dự án đầu tư chưa đảm bảo yêu cầu về tính đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Qua đó, Bộ Xây dựng đề nghị cần bổ sung đầy đủ số liệu về quy mô dân số, đảm bảo sự phù hợp quy mô dân số của dự án với khu vực, đồng thời cần đánh giá nhu cầu nhà ở và quỹ đất phát triển đô thị, xác định phương án bố trí dân cư, lao động để đảm bảo đời sống người dân và sự phù hợp với yêu cầu phát triển đô thị trong tương lai.
Ngoài ra, diện tích khu vực đề xuất dự án đầu tư là đất nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa và nuôi trồng thủy sản (diện tích đất trồng lúa là 139,63 ha, chiếm 53,29% diện tích toàn khu vực; diện tích đất nuôi trồng thủy sản là 29,28 ha, chiếm 11,18% diện tích toàn khu vực), do đó Bộ Xây dựng lưu ý cần đảm bảo việc tuân thủ quy định pháp luật về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, các thủ tục và trách nhiệm tài chính về đất đai có liên quan.
Bên cạnh đó, cần bổ sung thuyết minh và thiết kế sơ bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật như giao thông, san nền, cấp điện, cấp nước, thoát nước mưa, thoát nước thải đáp ứng yêu cầu vận hành và phù hợp với khả năng đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật khu vực, phù hợp với quy hoạch xây dựng và quy hoạch chuyên ngành khác.