Chấn chỉnh việc sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn được xem là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, giúp giảm dần áp lực cung ứng vốn từ tín dụng ngân hàng hay hình thức huy động vốn từ thị trường chứng khoán.

Sau những sự cố trên thị trường thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều động thái điều chỉnh thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và củng cố các quy tắc trong việc phát hành trái phiếu, hướng tới thị trường phát triển bền vững.

Cụ thể, từ sau vụ việc của Tập đoàn Tân Hoàng Minh thì cơ quan điều hành có động thái siết lại rất chặt khiến các doanh nghiệp bất động sản không dám phát hành trái phiếu trong tháng 4, nhưng bước sang hai tháng 5 và 6 gần đây doanh nghiệp đã rục rịch phát hành trở lại.

Tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, giám sát quá trình phát hành, phân phối, lưu ký, đầu tư, mua bán trái phiếu doanh nghiệp.
Tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, giám sát quá trình phát hành, phân phối, lưu ký, đầu tư, mua bán trái phiếu doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Minh Tuấn - CEO AFA Capital đánh giá, nếu chia thị trường trái phiếu doanh nghiệp thành ba nhóm gồm bất động sản, ngân hàng và tất cả những ngành khác, thì bất động sản chiếm tỷ lệ 40%, ngân hàng chiếm 40% và toàn bộ các ngành khác là 20%.

Một tỷ lệ rất đáng quan tâm nữa là TPDN phát hành riêng lẻ trên toàn thị trường chiếm 93,3%. Điều này cho thấy, gần 100% thị trường từ trước đến nay phát hành riêng lẻ, trong khi hình thức này chỉ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp và nhóm 100 nhà đầu tư.

Tuy nhiên, sau sự kiện Tân Hoàng Minh xảy ra, có ba điểm nhấn quan trọng trên thị trường TPDN đáng quan tâm đó là, khối lượng phát hành trái phiếu giảm; giá trị trái phiếu bất động sản giảm mạnh từ tháng 4/2022; và khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ giảm trong khi TPDN công chúng tăng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng của doanh nghiệp bất động sản là 8.996 tỷ đồng và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ 143.389 tỷ đồng. Tuy nhiên, lượng trái phiếu do doanh nghiệp bất động sản phát hành vẫn ở mức thấp, chỉ chiếm 6,2% tổng giá trị phát hành.

Trước đó, trong báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 Bộ Tài chính đã chỉ ra 20 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu nhiều nhất với tổng giá trị lên tới 100.054 tỷ đồng, chiếm 49,8% tổng giá trị phát hành của nhóm doanh nghiệp này.

Tài sản đảm bảo của trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản phát hành chủ yếu là bất động sản, các chương trình, dự án (chiếm 57,84% tổng khối lượng phát hành), bảo đảm bằng cổ phiếu (chiếm 23,95%), bảo đảm bằng cả bất động sản và cổ phiếu (chiếm 1,37%) và bảo đảm bằng các tài sản khác (chiếm 8,67%).

Nhiều quy định được sửa đổi

Tốc độ phát triển của thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua tương đối nhanh đã phát sinh những vấn đề cần phải giải quyết như hiện tượng thao túng giá cổ phiếu; các vi phạm về gian lận hồ sơ, công bố thông tin không chính xác về tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp xuất hiện tình trạng sử dụng vốn không đúng mục đích theo phương án phát hành, nhiều nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật trong đầu tư và giao dịch trái phiếu.

Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp sớm đạt chuẩn, việc ban hành quy định thế nào để phù hợp với quy định chung là điều rất quan trọng.
Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp sớm đạt chuẩn, việc ban hành quy định thế nào để phù hợp với quy định chung là điều rất quan trọng.

Trước bối cảnh đó, để xây dựng thị trường vốn ngày càng minh bạch, hiệu quả theo chủ trương của Đảng và Nhà nước; tăng cường lòng tin của các chủ thể tham gia thị trường, của công chúng đầu tư trong và ngoài nước.

Ngày 11/7, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP của Chính phủ về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội.

Trong đó, tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, giám sát quá trình phát hành, phân phối, lưu ký, đầu tư, mua bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Đặc biệt, chấn chỉnh việc sử dụng vốn sau phát hành TPDN của doanh nghiệp phát hành, đảm bảo minh bạch, đúng mục đích, tuân thủ đúng các quy định pháp luật, qua đó bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, thúc đẩy huy động vốn trung và dài hạn.

Nhiệm vụ và giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô cần bám sát thực tiễn, điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo điều kiện ổn định, phát triển nhanh, an toàn, hiệu quả, bền vững thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Nâng cao chất lượng thị trường chứng khoán, thúc đẩy việc chào bán trái phiếu ra công chúng gắn với niêm yết để nâng cao tính minh bạch của thị trường; thúc đẩy sự ra đời và phát triển của dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, tạo lập thị trường trái phiếu chuyên biệt.

Giải pháp phát triển đối với thị trường trái phiếu, Phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ trở thành thị trường chuẩn trên thị trường tài chính, đáp ứng nhu cầu huy động vốn cho ngân sách Nhà nước và hỗ trợ công tác tái cơ cấu ngân sách và nợ công theo hướng an toàn, bền vững.

Tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, giám sát quá trình phát hành, phân phối, lưu ký, đầu tư, mua bán trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt, chấn chỉnh việc sử dụng vốn sau phát hành trái phiếu doanh nghiệp của doanh nghiệp phát hành, đảm bảo minh bạch, đúng mục đích, tuân thủ đúng các quy định pháp luật, qua đó bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, thúc đẩy huy động vốn trung và dài hạn.

Khẩn trương hoàn thiện và phát triển nền tảng cơ sở hạ tầng hiện đại để thúc đẩy thị trường trái phiếu lành mạnh bền vững, tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu riêng lẻ, nâng cao chất lượng công bố thông tin, chất lượng báo cáo tài chính đối với các công ty phát hành. Tách bạch rõ giữa trái phiếu phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và cuộc sống