'Khối ngoại bán ròng mạnh chủ yếu do yếu tố bên ngoài'

Theo quan điểm của SSI, việc khối ngoại bán ròng kỷ lục thời gian qua phần lớn bị chi phối bởi các tác nhân bên ngoài. Những yếu tố nội tại chưa đủ để gây ra những lo ngại lớn đến mức dẫn tới hành vi bán ròng mạnh.

Từ đầu năm tới nay, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chứng kiến làn sóng bán ròng kỷ lục từ các nhà đầu tư nước ngoài, gây ra nhiều quan ngại về triển vọng thị trường. Để làm rõ hơn vấn đề này, Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Khối Phát triển Khách hàng Tổ chức thuộc Công ty Chứng khoán SSI.

Ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Khối Phát triển Khách hàng Tổ chức thuộc Công ty Chứng khoán SSI  
Ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Khối Phát triển Khách hàng Tổ chức thuộc Công ty Chứng khoán SSI  

TTCK Việt Nam vừa chứng kiến đà rút ròng rất mạnh từ các nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông, đâu là những yếu tố khiến nhà đầu tư nước ngoài rời khỏi TTCK Việt Nam theo cách dứt khoát như vậy?

Ông Nguyễn Anh Đức: Có thể nói chưa bao giờ nhà đầu tư nước ngoài lại bán ròng mạnh mẽ và quyết liệt như vậy. Cho tới hết tháng 7/2024, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng hơn 60,4 nghìn tỷ đồng từ đầu năm, tương đương con số bán ròng kỷ lục 60,68 nghìn tỷ đồng của khối ngoại trong cả năm 2021.

Chúng tôi đánh giá nguyên nhân bán ròng của khối ngoại xuất phát từ cả yếu tố bên ngoài và yếu tố nội tại của Việt Nam:

Về yếu tố bên ngoài, đầu tiên phải kể đến việc lãi suất của USD liên tục được duy trì ở mức cao. Điều này khiến cho dòng tiền toàn cầu có xu hướng rút ra khỏi các thị trường rủi ro (mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam) và chảy về đầu tư tại Mỹ. Song song, chỉ số DXY khá mạnh trong 6 tháng đầu năm làm cho hầu hết các đồng tiền khác trên thế giới, bao gồm VND, mất giá tương đối. Chính vì thế, hiệu suất đầu tư của khối ngoại có xu hướng giảm hơn nữa so với việc đầu tư vào Mỹ.

Ngoài ra còn có các yếu tố bất ổn về địa chính trị, giá vàng, giá hàng hóa… trên thế giới khiến cho dòng tiền ít tập trung hơn vào thị trường chứng khoán nhỏ như Việt Nam.

Về yếu tố bên trong, TTCK Việt Nam duy trì được tỷ lệ sinh lời khá tốt trong 6 tháng đầu năm (chỉ số VN-Index tăng 10,04% tính theo VND) so với các thị trường mới nổi và các thị trường khác trong khu vực, do đó tỷ lệ chốt lời của khối ngoại cũng cao hơn. Cộng hưởng thêm các vấn đề gây quan ngại khác, trong đó có vụ việc Vạn Thịnh Phát - SCB và khó khăn của ngành bất động sản, khiến nhà đầu tư nước ngoài “chùn chân”.

Tuy nhiên, theo quan điểm của SSI, mức độ bán ròng lớn như năm nay phần lớn bị chi phối bởi các tác nhân bên ngoài, chủ yếu là do sự dịch chuyển của đồng vốn toàn cầu về các thị trường phát triển, đặc biệt là Mỹ. Những yếu tố nội tại ở trên chưa đủ để gây ra những lo ngại lớn đến mức dẫn tới hành vi bán ròng mạnh mẽ như chúng ta đã thấy trong một vài tháng qua. Câu chuyện của Việt Nam về dài hạn vẫn tương đối tích cực so với khá nhiều các thị trường khác theo đánh giá của nhiều quỹ đầu tư mà chúng tôi cùng làm việc trong thời gian gần đây.

Ông có cho rằng động thái rút ròng liên tục của nhà đầu tư nước ngoài thời gian qua là đáng lo ngại hay không?

Về mặt dòng tiền thì đây là yếu tố đáng ngại. Hành vi bán ròng là khá mạnh mẽ và ảnh hưởng tới cả tâm lý của nhà đầu tư trong nước và tới giá cổ phiếu. Các cổ phiếu khối ngoại bán thường tập trung vào nhóm có vốn hóa lớn và có thể gây ảnh hưởng nhiều tới chỉ số VN-Index.

Ngoài ra, nhà đầu tư trong nước cũng thận trọng hơn rất nhiều vì họ không biết khối ngoại sẽ duy trì bán ròng mạnh cho tới khi nào.

Theo ông, liệu trong tương lai gần, dòng vốn nước ngoài có đảo chiều vào ròng TTCK Việt Nam hay không? Đâu là những yếu tố sẽ thúc đẩy sự trở lại của nhà đầu tư nước ngoài?

Việc dòng vốn toàn cầu dịch chuyển về các thị trường phát triển như đã nói ở trên chủ yếu là do lãi suất USD đang khá cao khiến thị trường Mỹ trở nên hấp dẫn hơn tương đối với nhà đầu tư toàn cầu. Do đó, chúng tôi đánh giá đà bán ròng sẽ chậm lại khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định cắt giảm lãi suất trong thời gian tới.

Ngoài ra, về mặt tương đối, thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng rất mạnh trong thời gian qua. Khi lãi suất được cắt giảm, nhà đầu tư nước ngoài sẽ có xu hướng đa dạng hóa việc tìm kiếm cơ hội tại các thị trường khác chưa tăng nhiều, đặc biệt là các thị trường đang có sự cải thiện về môi trường vĩ mô và lợi nhuận doanh nghiệp như Việt Nam.

'Khối ngoại bán ròng mạnh chủ yếu do yếu tố bên ngoài' - Ảnh 1

Ông đánh giá như thế nào về khả năng nâng hạng của TTCK Việt Nam, trước mắt là theo tiêu chí của FTSE Russell? Liệu đây có phải chất xúc tác lớn nhất đưa dòng vốn ngoại trở lại TTCK Việt Nam?

Vấn đề nâng hạng đã được nhắc tới khá nhiều trong thời gian qua. Cũng giống như các nhà đầu tư trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài cũng khá quan tâm tới việc Việt Nam có khả năng được nâng hạng vào năm 2025 như dự kiến hay không. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là một yếu tố tác động lớn vào quyết định phân bổ vốn vào Việt Nam của khá nhiều quỹ đầu tư có quy mô lớn.

Ngoài ra, Việt Nam sẽ nhận được dòng vốn mới từ các quỹ chuyên đầu tư vào thị trường mới nổi (EM funds) và cả dòng vốn ETF khá lớn. Do đó, đây sẽ là một trong các sự kiện lớn tác động tích cực mạnh mẽ tới vốn ngoại vào TTCK Việt Nam.

Theo quan điểm của ông, Việt Nam cần phải làm gì để cải thiện môi trường đầu tư và thu hút lại nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài?

Nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới các yếu tố như: (1) Quản trị doanh nghiệp; (2) Cơ chế hoạt động của thị trường theo hướng bình đẳng với nhà đầu tư nước ngoài; (3) Vai trò của cơ quan quản lý trong việc hạn chế các hành vi thao túng thị trường; (4) Cơ chế giao dịch tốt hơn (ví dụ như loại bỏ yêu cầu giao dịch ký quỹ); (5) Tăng room khối ngoại để nhà đầu tư nước ngoài có thể mua được cổ phiếu của các công ty chất lượng cao mà hết room; (6) Tăng thêm lượng hàng hóa chất lượng trên thị trường thông qua hoạt động IPO.

Theo tôi, Việt Nam nên chú trọng cải thiện các yếu tố trên để thu hút dòng vốn gián tiếp nước ngoài vào TTCK Việt Nam.

Ông có lời khuyên nào về chiến lược đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước, trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài rút ròng mạnh?

Chúng tôi nghĩ nhà đầu tư trong nước có thể chú ý tới khá nhiều các cổ phiếu đang gặp áp lực bán ròng của khối ngoại trong thời gian qua. Việc bán ròng này mang tính kỹ thuật, xuất phát từ áp lực giảm tỷ trọng đầu tư vào Việt Nam hơn là vì TTCK Việt Nam kém hấp dẫn hơn hay các cổ phiếu bị bán vì các yếu tố cơ bản yếu đi.

Có khá nhiều cổ phiếu chứng kiến sự hồi phục về lợi nhuận tương đối khả quan trong năm nay, tuy nhiên giá cổ phiếu lại diễn biến không tốt vì các áp lực bán kỹ thuật trên, ví dụ các cổ phiếu ngân hàng. Đây sẽ là cơ hội đối với nhà đầu tư trong nước khi khối ngoại ngừng bán ròng trong thời gian tới.

Thanh Long

Theo VietnamFinance