'Khối u' trái phiếu DN, bất động sản ám ảnh cổ đông ngân hàng
Nhiều ngân hàng đầu tư lượng lớn tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp khiến cổ đông bất an. Sự sụp đổ của 3 ngân hàng Mỹ là lời cảnh báo với các ngân hàng mạnh tay đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, cho vay bất động sản.
Ngân hàng cho vay bất động sản và trái phiếu, cổ đông lo ngay ngáy
Sau một năm khó khăn của ngành bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, các cổ đông tỏ ra lo lắng về dư nợ tín dụng bơm cho 2 lĩnh vực này của các ngân hàng.
Trong mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) năm nay, vấn đề được cổ đông quan tâm và chất vấn lãnh đạo ngân hàng nhiều nhất là tín dụng bất động sản (BĐS) và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Trả lời chất vấn của cổ đông, hàng loạt lãnh đạo ngân hàng đều cho biết, tỷ trọng cho vay BĐS vẫn ở ngưỡng an toàn, còn đầu tư TPDN đều có tài sản bảo đảm, thanh khoản tốt.
Tại ĐHCĐ của VPBank diễn ra vào ngày 18/4, Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cho biết, hiện ngân hàng này đầu tư hơn 30.000 tỷ TPDN. Trong đó, gần 60% là trái phiếu lĩnh vực BĐS, 40% là các lĩnh vực khác. Trong nhóm trái phiếu BĐS, VPBank đang tham gia vào hơn 40 nhà phát triển BĐS, không có nhà đầu tư nào chiếm quá 1% tổng dư nợ. 100% TPDN có tài sản đảm bảo.
Tại ĐHCĐ SHB hôm 11/4, các cổ đông ngân hàng đề nghị ban lãnh đạo giải trình chi tiết danh mục trái phiếu của ngân hàng. Tổng Giám đốc SHB Ngô Thu Hà cho biết: TPDN của SHB chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng xanh chiếm 60%, 40% còn lại là BĐS trong các dự án khu công nghiệp và nhà ở, các dự án này đều có thanh khoản và đơn vị phát hành đều thanh toán đầy đủ cho SHB với kỳ hạn 3-5 năm.
Tại ACB, ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc, khẳng định với cổ đông rằng, trong danh mục dư nợ của ACB, 65% cho vay khách hàng cá nhân; 30% là cấp tín dụng cho khối SME. Trong danh mục cho vay cá nhân của ACB có đến 40% cho vay các hộ sản xuất kinh doanh. “Tỷ lệ cho vay lĩnh vực bất động sản của ACB hiện vào khoảng 24%. Trong đó, 82% là cho vay mua nhà để ở. Với riêng lĩnh vực đầu tư các dự án bất động sản, dư nợ của ACB đang ở mức dưới 1% và con số này là không lớn”, ông Phát chia sẻ.
Giải đáp thắc mắc về vấn đề cổ đông VIB quan tâm nhất là khó khăn của thị trường BĐS ảnh hưởng thế nào đến chất lượng tài sản đảm bảo của ngân hàng, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB cho hay, hơn 90% dư nợ của ngân hàng thuộc lĩnh vực bán lẻ. Trong số này, hơn 90% các khoản vay có tài sản đảm bảo, trong đó phân nửa là BĐS.
Theo ông Vỹ, tại VIB dư nợ đối với trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỉ trọng rất thấp, chỉ hơn 1.800 tỷ đồng trên tổng dư nợ 232.000 tỷ đồng. Hơn nữa, các khoản trái phiếu này do các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, định chế tài chính phát hành, không liên quan đến ngành bất động sản. Đối với dư nợ bất động sản tại VIB cũng chỉ khoảng 3.800 tỷ đồng, con số rất nhỏ trên tổng quy mô tín dụng của ngân hàng.
Từ những thông tin mà các ngân hàng hé lộ, có thể thấy, các ngân hàng thương mại dường như đang kiểm soát tốt dòng tín dụng chảy vào BĐS và TPDN.
Các ngân hàng cũng dần chuyển dịch cơ cấu cho vay bằng việc tập trung vào cho vay bán lẻ, cho vay sản xuất kinh doanh nhiều hơn, giảm dần tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực bất động sản. Về hoạt động trái phiếu, hầu hết các ngân hàng đều bày tỏ quan điểm thận trọng, tập trung vào trái phiếu các tổ chức tín dụng.
Cảnh báo đỏ cho ngân hàng khi đầu tư trái phiếu, bất động sản
Những lo lắng của các cổ đông không phải là không có cơ sở khi theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng cho lĩnh vực BĐS luôn có tăng trưởng khá cao trong những năm vừa qua. Năm 2022, dư nợ tín dụng của lĩnh vực BĐS đã lên tới 2,58 triệu tỷ đồng, tăng hơn 24% so với năm 2021. Đây là mức cao nhất trong 5 năm qua. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu bất động sản năm 2022 đã tăng lên mức 1,81%, trong khi năm 2021 chỉ ở mức 1,67%.
Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN, năm 2022, có những doanh nghiệp BĐS tăng tín dụng tới hơn 300%, có những tập đoàn tín dụng tăng 68-70%, trong khi tín dụng bình quân chung toàn nền kinh tế chỉ tăng 13-14%.
Thống kê cho thấy, năm 2023-2024 là giai đoạn "đỉnh nợ" của TPDN, riêng lượng TPDN BĐS đáo hạn năm 2023 lên tới 119.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, doanh nghiệp BĐS cạn vốn, không có tiền hoàn thiện dự án, bán ra để thu hồi tiền về, chưa kể sức mua thị trường hiện rất kém.
Theo giới chuyên gia, việc liên tiếp 3 ngân hàng của Mỹ là Silicon Valley Bank, Signature Bank và Silvergate Capital phá sản, ngừng hoạt động chỉ trong vòng chưa đầy một tuần trong tháng 3 vừa qua là cảnh báo với các ngân hàng mạnh tay đầu tư TPDN, cho vay BĐS trong thời gian qua.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, các ngân hàng Việt Nam không cho vay với lĩnh vực tiền số, không cho vay quá nhiều lĩnh vực khởi nghiệp, hay bị thua lỗ bởi nắm giữ trái phiếu chính phủ… như các ngân hàng Mỹ vừa sụp đổ, song nhiều ngân hàng đang nắm giữ TPDN và cho vay BĐS lớn.
Hệ thống ngân hàng Việt Nam có đặc điểm là tỷ lệ tiền gửi ngắn hạn lớn (80-90%), các ngân hàng lấy vốn ngắn hạn đi đầu tư, cho vay trung, dài hạn (TPDN, BĐS) sẽ rất rủi ro. Hiện hơn 20% dư nợ toàn hệ thống là cho vay bất động sản. Đây là rủi ro rất lớn cho hệ thống ngân hàng.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Việt Nam đang đi vào một giai đoạn với những biến động lớn trên thị trường tài chính thế giới. Ngành ngân hàng sẽ gặp rất nhiều thách thức, đặc biệt là trong việc kiểm soát rủi ro tín dụng liên quan đến sự suy thoái của thị trường chứng khoán và BĐS. Đồng thời nguồn vốn tín dụng của ngành ngân hàng sẽ bị thắt chặt vì phải kiểm soát rủi ro một cách chặt chẽ hơn trong khi một phần đáng kể nguồn vốn huy động sẽ được sử dụng cho mục đích thanh khoản, thay vì cho mục đích cho vay.
Làn sóng doanh nghiệp BĐS mất thanh khoản, không còn khả năng trả nợ ngày càng lan rộng. Mà đây lại là nhóm phát hành TPDN tích cực nhất trong những năm trước và các ngân hàng đang nắm giữ hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu BĐS bên cạnh các khoản vay kinh doanh BĐS thông thường.
Các ngân hàng đang nắm khoảng hơn 300.000 tỷ TPDN đến hạn trả nợ trong năm nay, với khả năng thanh toán nợ của các doanh nghiệp phát hành rất thấp. Đây là vấn đề cần cảnh báo.
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), năm 2023, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hành trình vượt bão trong chu kỳ BĐS đi xuống. Nhóm phân tích cho rằng sẽ có sự gia tăng nợ xấu và chi phí tín dụng trong vài quý tiếp theo do rủi ro từ vĩ mô thế giới, triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam và chu kỳ đi xuống của ngành BĐS và những rủi ro về TPDN.
Gần đây, NHNN đã tăng cường kiểm soát rủi ro vay ngắn hạn. Từ 1/10/2022, NHNN hạ tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn/cho vay trung và dài hạn từ mức 37% xuống còn 34%.
Trong khi đó, cơ quan thanh tra ngành ngân hàng đã thanh tra các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, dễ phát sinh sai phạm. Với hoạt động đầu tư TPDN của các tổ chức tín dụng, NHNN đã thanh tra đột xuất và có kết luận thanh tra tại 11 tổ chức tín dụng. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp để kiểm soát, hạn chế rủi ro với đầu tư TPDN của các tổ chức tín dụng.