“Khôn” như FPT: Trong lúc thiên hạ đổ tiền đầu tư cổ phiếu và “mất trắng”, thì FPT chọn “đi buôn tiền” và đếm lãi
Tính đến 30/6/2022 FPT ghi nhận khoản dư vay ngắn hạn tại ngân hàng hơn 19.700 tỷ đồng và mang tiền đi gửi tiết kiệm các kỳ hạn khác nhau gần 23.000 tỷ đồng.
CTCP FPT công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 – quý mà nhiều doanh nghiệp lớn, nhiều tiền lại lao đao vì đi buôn chứng khoán thua lỗ. Tuy vậy, FPT lại chọn lối đi an toàn, mang tiền đi gửi tiết kiệm và "đếm lãi" mặc thiên hạ ngồi trên đống lửa. Thậm chí FPT còn đi vay hàng chục nghìn tỷ để gửi tiết kiệm!
Xét về kết quả kinh doanh, doanh thu quý 2/2022 tăng trưởng 16,8% so với cùng kỳ, đạt 10.096 tỷ đồng. Trừ chi phí vốn, lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 4.015 tỷ đồng.
Trong quý 2 FPT ghi nhận khoản doanh thu tài chính hơn gấp đôi cùng kỳ năm ngoái, lên 506 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính giảm 7% về mức 337 tỷ đồng. Doanh thu tài chính của FPT phần lớn tới từ thu lãi tiền gửi và ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá. Còn chi phí tài chính cũng từ chi phí lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá.
Ngoài ra, doanh thu tăng cũng kéo theo chi phí các loại tăng, trong đó chi phí bán hàng 1.016 tỷ đồng, tăng 187 tỷ đồng so với cùng kỳ còn chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 27,2% lên 1.418 tỷ đồng.
Kết quả, quý 2 FPT báo lãi sau thuế 1.562 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với số lãi 1.260 tỷ đồng đạt được quý 2 năm ngoái, trong đó lợi nhuận sau thúe thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt hơn 1.250 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022 doanh thu thuần FPT đạt 19.826 tỷ đồng, tăng 22,2% so với cùng kỳ. Doanh thu tài chính trong kỳ đạt 922 tỷ đồng (tăng 356 tỷ đồng so với cùng kỳ), trong khi tổng chi phí tài chính hơn 604 tỷ đồng (tăng 102 tỷ đồng so với cùng kỳ). Chi phí bán hàng 2.023 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp gần 2.050 tỷ đồng. Các công ty liên doanh liên kết mang về 295 tỷ đồng lợi nhuận trong kỳ.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022 FPT lãi sau thuế 3.100 tỷ đồng, tăng 28,6% so với số lãi 2.410 tỷ đồng đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 2.490 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh tăng trưởng của FPT có đóng góp không nhỏ từ hoạt động tài chính. Doanh thu tài chính trong kỳ đạt 922 tỷ đồng, tăng 356 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Báo cáo ghi nhận trong số doanh thu tài chính này có 689 tỷ đồng từ thu lãi tiền gửi (tăng 248 tỷ đồng so với cùng kỳ) và khoản lãi chênh lệch tỷ giá 232 tỷ đồng.
Trong khi đó chi phí tài chính 604 tỷ đồng bao gồm 323 tỷ đồng chi phí lãi vay (tăng 100 tỷ đồng so với cùng kỳ) và 243 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá. Như vậy, xét về tỷ giá trong kỳ, khoản lãi chênh lệch tỷ giá và lỗ chênh lệch tỷ giá đủ bù trừ nhau. FPT ghi nhận khoản lãi tiền gửi 689 tỷ đồng và chi trả lãi tiền vay 323 tỷ đồng, tương ứng nhận về khoản chênh lệch 366 tỷ đồng từ hoạt động “buôn tiền”.
Dòng tiền của FPT được luân chuyển thế nào? Báo cáo ghi nhận tính đến 30/6/2022 FPT còn dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 19.720 tỷ đồng (tăng 1.920 tỷ đồng so với đầu năm), trong đó vay tại các ngân hàng, các tổ chức kinh tế 19.365 tỷ đồng và vay dài hạn đến hạn trả 354 tỷ đồng. Các khoản vay ngắn hạn từ các ngân hàng và tổ chức kinh tế chủ yếu dưới hình thức vay tín chấp, có thể rút bằng VND hoặc USD. Các khoản vay này không có đảm bảo và lãi suất được quy định cụ thể theo mỗi lần rút. Ngoài ra FPT còn khoản vay dàu hạn gần 2.500 tỷ đồng.
FPT cũng luân chuyênt tiền trong kỳ rất tích cực. Tổng các khoản vay phát sinh trong kỳ gần 19.200 tỷ đồng và đã chi trả bớt trong kỳ gần 17.200 tỷ đồng. FPT không ghi rõ các “nguồn” đi vay trong BCTC quý 2 vừa qua.
Có tiền, FPT không mang đi đầu tư chứng khoán như nhiều doanh nghiệp, mà đi theo hướng “buôn tiền”, mang tiền đi gửi ngân hàng “đếm lãi”. Tổng tiền đi gửi ngân hàng theo dạng có kỳ hạn, tính đến 30/6/2022 là 21.543 tỷ đồng, tăng 790 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Bên cạnh đó FPT còn có khoản tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng 1.268 tỷ đồng (giảm hơn 700 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm) và tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng hơn 3.900 tỷ đồng (tăng gần 500 tỷ đồng áo với đầu năm). FPT cũng dành gần 2.000 tỷ đồng đầu tư vào các đơn vị khác. Tổng tiền đi gửi ngân hàng các kỳ hạn khác nhau lên đến gần 23.000 tỷ đồng.