Không chịu từ bỏ "sân sau", Sếp Ngân hàng sẽ bị xử lý ra sao?

- Mặc dù Luật TCTD sửa đổi, bổ sung đã có hiệu lực từ ngày15/01/2018, nhưng đến nay mới chỉ có 4 doanh nhân, gồm ông Đỗ Minh Phú, Đỗ Quang Hiển, Dương Công Minh và bà Thái Hương tuyên bố sẽ từ bỏ tất cả, để chuyển sang làm ông chủ, bà chủ ngân hàng. Những cá nhân còn lại hiện vẫn chưa đưa ra quyết định.

Không chịu từ bỏ "sân sau", Sếp Ngân hàng sẽ bị xử lý ra sao? - Ảnh 1

 

Tại khoản 3 và khoản 4 vào Điều 34 Luật TCTD sửa đổi, bổ sung có quy định về những trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ như sau:

“3. Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của tổ chức tín dụng. Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

4. Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV), Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.”

Để đáp ứng quy định này, vừa qua, một loạt lãnh đạo ngân hàng đang kiêm nhiệm chức vị chủ tịch tập đoàn, doanh nghiệp khác đã đồng loạt tuyên bố sẽ từ chức để để tiếp tục làm chủ tịch ngân hàng.

Theo đó, ông Đỗ Minh Phú đã quyết định sẽ thôi làm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji để tập trung cho vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).

Ông Phú cho biết, DOJI là nơi đã gắn bó với tên tuổi của ông trong một phần tư thế kỷ, nơi hình thành phong cách doanh nhân và sự nghiệp của ông; còn ở TPBank, 5 năm vừa qua là thời gian ông được trải nghiệm nhiều thách thức nhất và ông vẫn còn nhiều việc phải làm.

Tương tự ông Phú, ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB và Tập đoàn T&T mới đây cũng cho biết cho biết các doanh nghiệp do ông giữ vị trí Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc đều đã đi vào ổn định và có người kế nhiệm. Khi Luật sửa đổi bổ sung Các tổ chức tín dụng có hiệu lực, ông sẽ tiếp tục cương vị của mình tại ngân hàng SHB. "Ngân hàng SHB là trí tuệ, là tâm huyết của tôi", ông Hiển khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và CTCP Him Lam cho biết: "Tôi sẽ từ chức khỏi vị trí Chủ tịch của Công ty Him Lam để tập trung vào việc tái cơ cấu của Sacombank".

Và mới đây nhất, tại buổi chào sàn 500 triệu cổ phiếu BAB của Ngân hàng TMCP Bắc Á, bà Thái Hương đã chính thức thông báo về quyết định rút lui khỏi chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH True Milk sau 10 năm gắn bó để tiếp tục đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Bắc Á Bank.

Không chịu từ bỏ "sân sau", Sếp Ngân hàng sẽ bị xử lý ra sao? - Ảnh 2

 

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu:"Việc các lãnh đạo lựa chọn vị trí nào còn phụ thuộc vào từng điều kiện của từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, dễ nhận thấy rằng, vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng vẫn nhiều mặt lợi hơn. Do đó, dự báo phần lớn sẽ chọn ghế Chủ tịch ngân hàng".
Mặc dù Luật đã có hiệu lực, tuy nhiên, thực tế hiện nay, ngoài các vị lãnh đạo kể trên, còn nhiều sếp ngân hàng cũng đồng thời là ông chủ các doanh nghiệp lớn vẫn chưa có động thái đưa ra quyết định cho mình. Trong đó, có thể kể đến:

- Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch SeABank, Chủ tịch của BRG Group. Đồng thời, bà Nga còn là chủ tịch hoặc thành viên HĐQT của các công ty khác như Thăng Long GTC, Hanoi Toserco, Khách sạn Thắng Lợi, Khách sạn Hilton Hà Nội…

- Bà Lê Thị Băng Tâm - Chủ tịch HĐQT HDBank. Bên cạnh đó, bà Tâm còn là Chủ tịch HĐQT Vinamilk từ tháng 7/2015 đến nay.

- Ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch ABBank kiêm Chủ tịch Geleximco;

- Ông Phan Đình Tân, Chủ tịch HĐQT NamABank, nhưng cũng là Tổng giám đốc Công ty TNHH Hoàn Cầu.

- Ông Nguyễn Đình Lâm, Chủ tịch HĐQT PVcomBank kiêm Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam;

- Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank, cũng đang là Phó Chủ tịch HĐQT của Masan Group;

- Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch ngân hàng VIB, cũng là Chủ tịch Công ty Mareven Food Holdings;

- Ông Phương Hữu Việt, Chủ tịch HĐQT VietABank kiêm nhiệm Chủ tịch Tập đoàn đầu tư Việt Phương;

- Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB cũng kiêm nhiệm thành viên HĐQT CTCP Đầu tư Nam Long;

- Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Kiên Long Bank, cũng đang giữ vị trí Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Đồng Tâm Group…

Theo tìm hiểu của phóng viên, trên các Website của Ngân hàng cũng như doanh nghiệp do các doanh nhân trên làm chủ chưa hề có bất cứ thông báo nào về việc họ quyết định ở đâu và rời đâu.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), việc các cá nhân phải lựa chọn từ bỏ doanh nghiệp và ở lại ngân hàng không làm giảm đi sự chi phối đối với doanh nghiệp.

Ông Hải cho rằng, quy định này chỉ là bước khởi đầu của việc cải tổ hệ thống ngân hàng, còn về lâu dài thì cần phải giảm đầu mối, cũng như hạn chế việc cổ đông lớn trực tiếp tham gia điều hành, bởi vì dễ dẫn tới tình trạng cổ đông đó cho công ty con vay vốn trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến rủi ro cho ngân hàng.

Còn đối với những cá nhân nào không thực hiện theo quy định này, theo ông Hải, sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành.

Cụ thể, tại Điều 37 Luật các tổ chức tín dụng có quy đinh:

"1. Ngân hàng Nhà nước có quyền đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực thi quyền, nghĩa vụ của Chủ tịch, các thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Trưởng ban, các thành viên Ban kiểm soát, người điều hành tổ chức tín dụng vi phạm quy định tại Điều 34 của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan trong quá trình thực hiện quyền, nghĩa vụ được giao; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền miễn nhiệm, bầu, bổ nhiệm người thay thế hoặc chỉ định người thay thế nếu xét thấy cần thiết.

2. Ban kiểm soát đặc biệt có quyền đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực thi quyền, nghĩa vụ của Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên; Trưởng ban, thành viên Ban kiểm soát; người điều hành của tổ chức tín dụng bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt nếu xét thấy cần thiết. 3. Người bị đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực thi quyền, nghĩa vụ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải có trách nhiệm tham gia xử lý các tồn tại và vi phạm có liên quan đến trách nhiệm cá nhân khi có yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng hoặc Ban kiểm soát đặc biệt."

Như vậy, đối với trường hợp các cá nhân không tuân thủ theo quy định của Luật TCTD sửa đổi, bổ sung thì có thể bị đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực thi quyền, nghĩa vụ của mình thậm trí là bị miễn nhiệm.

 

 


Theo Ánh Phượng
Báo Thời Đại