Không để tình trạng "vốn chờ dự án" trong hoạt động đầu tư công
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, áp lực giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023 còn rất lớn, khoảng 491 nghìn tỷ đồng. Cần chỉ đạo chủ đầu tư chủ động chuẩn bị thật tốt để có thể giải ngân vốn ngay sau khi được giao kế hoạch vốn năm 2024, không để tình trạng “vốn chờ dự án”.
Về thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 và dự kiến kế hoạch năm 2024, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại hội nghị “Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023”, chiều 21/7 cho biết, 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN có những chuyển biến tích cực, đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (27,75%) với số tuyệt đối cao hơn 65 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, áp lực giải ngân kế hoạch vốn NSNN năm 2023 còn rất lớn, khoảng 491 nghìn tỷ đồng.
Để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân trên 95% theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần tập trung, quyết liệt hơn nữa thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Các đại biểu tham dự hội nghị “Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ, cần giao, điều chỉnh kế hoạch vốn cho các nhiệm vụ, dự án đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn trung hạn và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội với các dự án thuộc kế hoạch đầu tư trung, dài hạn giai đoạn 2021-2025 đã được bố trí vốn trong kế hoạch năm 2023.
Trường hợp không thể điều chỉnh, phải có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh cho các bộ, ngành, địa phương khác.
Đối với kế hoạch vốn năm 2023 đã bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn, không trả lại kế hoạch vốn năm 2023 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023.
Đồng thời, tập trung rà soát, thu hồi vốn ứng trước, rà soát nợ đọng xây dựng cơ bản vốn NSNN theo quy định tại các nghị quyết của Quốc hội và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
Năm 2024, đầu tư công tiếp tục được xem là một trong các động lực quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển KTXH, là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành, các địa phương.
Đây là năm chúng ta đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 khi hầu hết các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Cùng với đó là bắt tay vào xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 và chuẩn bị đầu tư cho các dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn sau.
Trước bối cảnh này, các bộ ngành, địa phương cần tập trung đánh giá kỹ tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 để xác định nhu cầu vốn NSNN năm 2024 phù hợp, sát với khả năng giải ngân của từng dự án.
Đối với vốn nước ngoài, đề xuất kế hoạch vốn hằng năm phải bảo đảm cân đối tỷ lệ cấp phát, vay lại của từng dự án, phù hợp với cơ chế tài chính đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, các bộ ngành, địa phương chỉ đề xuất kế hoạch vốn cho các dự án dự kiến đến ngày 31/12/2023 sẽ hoàn thiện thủ tục đầu tư (quyết định đầu tư).
Cần chỉ đạo chủ đầu tư chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan để chuẩn bị thật tốt các thủ tục, điều kiện cần thiết ngay trong năm 2023 có thể giải ngân vốn ngay sau khi được giao kế hoạch vốn năm 2024, không để tình trạng “vốn chờ dự án”.