Khu vực thuộc tỉnh đang phấn đấu trở thành TP trực thuộc Trung ương muốn trở thành 'thiên đường xanh' du lịch của Đông Nam Á
Đến năm 2030, tỉnh này sẽ phát triển khá toàn diện, trong đó có khu vực trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao mang tầm khu vực Đông Nam Á.
Đến năm 2030, tỉnh này sẽ phát triển khá toàn diện, trong đó có khu vực trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao mang tầm khu vực Đông Nam Á.
Vào ngày 23/6 vừa qua, tại thành phố Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh này. Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Võ Văn Hoan, lãnh đạo các bộ, ban ngành và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cùng đại diện các doanh nghiệp.
Theo Quyết định số 1727 của Thủ tướng ký ngày 29/12/2023, tỉnh Lâm Đồng có tổng diện tích hơn 9.700 km2, bao gồm các đơn vị hành chính: thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc và các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Di Linh, Đơn Dương, Lâm Hà, Đam Rông, Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Đạ Huoai và Cát Tiên.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, Lâm Đồng sẽ trở thành một tỉnh phát triển khá toàn diện trong cả nước. Đồng thời, tỉnh này cũng nỗ lực xây dựng, phát triển thành phố Đà Lạt và các khu vực lân cận trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Lâm Đồng đặt nông lâm nghiệp là trọng tâm và trụ đỡ, trong khi đó, công nghiệp chế biến được xem là động lực và du lịch là đột phá trong phát triển của tỉnh. Về nông nghiệp, tỉnh đặt mục tiêu trở thành Trung tâm nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao có tầm quốc gia và quốc tế, là vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm có giá trị cao trên thị trường.
Đáng chú ý, về du lịch, Lâm Đồng hướng đến việc trở thành "Thiên đường xanh" thu hút du khách trong và ngoài nước với các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, chăm sóc sức khỏe và thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á. Với mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn chất lượng cao và bền vững, thúc đẩy sự phát triển của các ngành liên quan, du lịch sẽ được đẩy mạnh phát triển.
Về công nghiệp, Lâm Đồng ưu tiên phát triển các lĩnh vực như công nghiệp khai thác và chế biến bauxit, alumin, công nghiệp chế biến nhôm và các sản phẩm từ nhôm cũng như phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm nông lâm sản.
Đến năm 2050, Lâm Đồng sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống.
Hội nghị Công bố quy hoạch tỉnh Lâm Đồng đã giới thiệu và quảng bá các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đồng thời hướng đến việc thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư. Đây cũng là dịp để tỉnh lắng nghe ý kiến từ các nhà quản lý, chuyên gia, nhà đầu tư và doanh nghiệp, nhằm tận dụng và phát triển mạnh mẽ các tiềm năng và thế mạnh, từ đó hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, toàn diện của Lâm Đồng trong tương lai.