Kiểm kê phát thải khí nhà kính: Bài toán 'sống còn' của doanh nghiệp
Theo Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 06/2022/NĐ-CP, các doanh nghiệp phải hoàn thành việc kiểm kê và báo cáo phát thải khí nhà kính trước ngày 31/3/2025. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) vẫn đang còn đang bối rối.
Doanh nghiệp loay hoay kiểm kê
Ngày 13/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg cập nhật danh mục các lĩnh vực và cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê, có hiệu lực từ 1/10/2024. Các cơ sở phát thải trong danh mục bổ sung này sẽ phải thực hiện kiểm kê ngay khi quyết định có hiệu lực.Theo lộ trình đã xác định trong Chiến lược Chuyển đổi Xanh giai đoạn 2021-2023 với tầm nhìn đến năm 2050, có 2.166 doanh nghiệp tại Việt Nam cần thực hiện kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính.
Trong đó, ngành Công thương có 1.805 cơ sở, ngành Giao thông Vận tải có 75 cơ sở, ngành Xây dựng có 229 cơ sở, và ngành Tài nguyên Môi trường có 57 cơ sở.
Những cơ sở phát thải không thuộc danh mục cập nhật tại Quyết định 13/2024/QĐ-TTg, mặc dù có trong danh mục ban đầu tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg, sẽ không cần phải thực hiện và nộp báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở vào năm 2025.
Cũng theo các chuyên gia, trước những quy định ngày càng khắt khe, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Không chỉ phải đảm bảo sự phát triển kinh tế, doanh nghiệp còn phải kết hợp yếu tố bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội, và đảm bảo sự minh bạch qua quá trình công bố và kiểm kê phát thải.
Những yêu cầu này kéo theo chi phí gia tăng, quy trình hoạt động trở nên phức tạp hơn, dẫn đến lợi nhuận giảm sút và khả năng cạnh tranh suy yếu. Nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với bài toán tồn tại trong một môi trường cạnh tranh đầy biến động.
PGS. TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Tài nguyên Môi trường, nhận định rằng nhiều doanh nghiệp vẫn loay hoay trong việc kiểm kê phát thải, mặc dù đã có thời gian chuẩn bị dài từ năm 2020.
Ông Thọ nhấn mạnh, việc kiểm kê phát thải, nếu được thực hiện đúng cách, không chỉ là gánh nặng mà còn là cơ hội để doanh nghiệp biến chi phí tuân thủ thành lợi nhuận thông qua thị trường carbon.
3 "bước đệm" thực hiện kiểm kê khí nhà kính
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển của các quy định về thương mại và đầu tư bền vững, các doanh nghiệp ngày càng phải chủ động nâng cao khả năng tuân thủ và chuẩn bị sẵn sàng trước những yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt. Điều này bao gồm việc công bố thông tin liên quan đến các yếu tố ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) và thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính, những yêu cầu đang gia tăng trên toàn cầu.
Châu Á - Thái Bình Dương không nằm ngoài xu hướng này, khi các quy định về kiểm kê khí nhà kính tại các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực đang trở nên ngày càng chặt chẽ, với phạm vi áp dụng mở rộng, đặc biệt là đối với các công ty niêm yết.
Trong bối cảnh mới, việc thực hiện kiểm kê phát thải không chỉ là một thách thức lớn mà còn mở ra cơ hội để doanh nghiệp tự làm mới mình và tối ưu hóa quy trình. Để biến thách thức thành lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp cần xây dựng một hệ thống quản lý và kiểm kê khí nhà kính mạnh mẽ, đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Quá trình kiểm kê khí nhà kính cần bắt đầu bằng việc thu thập dữ liệu và báo cáo ban đầu, áp dụng các phương pháp đo lường và quy trình kiểm kê một cách chính xác. Doanh nghiệp cần phân bổ nguồn lực hợp lý, xác định cấu trúc quản lý rõ ràng, lập kế hoạch hành động chi tiết và thiết lập các mục tiêu phù hợp.
Theo ông Nguyễn Đình Thái, Giám đốc điều hành EGP Việt Nam, ba yếu tố chính thúc đẩy thành công trong triển khai khung quản lý phát thải khí nhà kính bao gồm quản trị, năng lực cốt lõi và công nghệ, cơ sở hạ tầng. Quản trị hiệu quả đảm bảo rằng các hoạt động kiểm kê được thực hiện một cách có tổ chức và minh bạch, năng lực cốt lõi giúp duy trì hiệu quả hoạt động, và công nghệ hiện đại hỗ trợ quá trình thu thập, phân tích dữ liệu một cách chính xác.