Doanh nghiệp bất động sản không đủ “lực” sẽ phải dừng cuộc chơi

TS. Trần Xuân Lượng cho rằng các doanh nghiệp bất động sản thiếu nguồn lực và chiến lược chắc chắn sẽ khó tồn tại trong môi trường cạnh tranh hiện nay.

Chính sách pháp lý trên thị trường bất động sản đã hoàn thiện hơn khi 3 sắc luật: Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Nhà ở 2023 chính thức có hiệu lực. Các quy định mới hiện tại đã chặt chẽ hơn, người mua tự tin xuống tiền khi được bảo vệ quyền lợi tốt hơn; hoạt động của môi giới đòi hỏi sự chuyên nghiệp hơn và với các doanh nghiệp, thời gian qua cũng đã có sự thay đổi tư duy kinh doanh, không còn tìm cách có lợi nhuận đơn thuần về phía mình, mà hướng đến phải đồng hành dài hạn với nhà đầu tư, với khách hàng.

Có thể nói, các chủ thể trên thị trường địa ốc đều đã chuẩn bị tâm thế để bước vào chu kỳ đầu tư kinh doanh mới. Đây cũng là cơ hội và cũng là thách thức dành cho các doanh nghiệp trong ngành.

Theo TS. Trần Xuân Lượng đánh giá, trải qua nhiều biến động, thị trường bất động sản sẽ không còn "thời kỳ vàng son" như trước nữa, nhưng một điều chắc chắn rằng thị trường sẽ quay trở lại, thời điểm phục hồi hoàn toàn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bởi luật mới có hiệu lực chỉ là một yếu tố điều tiết, tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc trong thực tiễn còn việc cung - cầu gặp nhau cần phải nhiều yếu tố khác, chính là "bàn tay vô hình" từ sự tự điều tiết của thị trường.

Với cộng đồng doanh nghiệp bất động sản tiếp cận quỹ đất qua các hình thức đấu giá, đấu thầu, "phần thắng" sẽ giành cho doanh nghiệp có kinh nghiệm, năng lực và lịch sử sử dụng đất hiệu quả. Cơ chế mới sẽ giảm thiểu tối đa các quan hệ "xin - cho". Điều này sẽ góp phần tích cực, tạo ra môi trường cạnh tranh một cách công bằng cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

TS. Trần Xuân Lượng  
TS. Trần Xuân Lượng  

Các doanh nghiệp bất động sản "làm thật" cũng sẽ dễ dàng tiếp cận đất đai, đồng thời chi phí để phát triển dự án cũng có cơ hội được giảm xuống. Đây cũng là một yếu tố góp phần tác động khiến giá bất động sản dần tiệm cận với giá trị thực. Điều này đồng nghĩa với việc, các doanh nghiệp phải chuẩn bị các nguồn lực để đấu thầu, đấu giá, nếu "tay không bắt giặc" như trước đây sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải liên kết lại với nhau để có nguồn lực lớn hơn hoặc phải chọn phân khúc phù hợp, hay có thể tìm kiếm các cơ hội ở các khu vực mới tiềm năng. Nhà nước đang khuyến khích phát triển các dự án nhà ở xã hội với rất nhiều ưu đãi, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể nghiên cứu phân khúc này.

Đặc biệt, ở chu kỳ mới này, những doanh nghiệp dùng "quan hệ" hay gọi là "đi cửa sau" sẽ khó tồn tại bởi Nhà nước đang rất tích cực trong việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Các đơn vị kinh doanh dịch vụ môi giới, tư vấn môi giới, quản lý nhà, định giá… là những doanh nghiệp trung gian cũng sẽ có rất nhiều cơ hội. Việc bỏ khung giá đất thay bằng bảng giá đất hàng năm tạo cơ hội gia tăng thêm lực lượng nhân sự và hạ tầng cho định giá. Dự kiến số lượng có thể tăng gấp 5 lần so với trước đây. Kéo theo đó, các doanh nghiệp đầu tư nhân sự, dịch vụ về định giá cũng có thêm cơ hội.

Nửa cuối năm nay cũng là thời điểm để doanh nghiệp tập trung hoàn thiện hồ sơ pháp lý, chuẩn bị các thủ tục thực hiện dự án. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị nguồn lực tài chính, nâng cao năng lực doanh nghiệp cũng cần phải chú trọng. Doanh nghiệp nào chuẩn bị được sớm thì sẽ nhanh chóng đón đầu cơ hội. Đặc biệt là các cơ hội như mua bán, sáp nhập, đấu giá, đấu thầu…

Minh Đức (T/H)

Theo Chất lượng và Cuộc sống