Kiểm toán đề nghị kiểm tra việc thoái vốn của Vinachem tại Hóa chất Đức Giang

Kiểm toán Nhà nước đề nghị Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra việc thoái vốn của Vinachem tại Hóa chất Đức Giang; nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo pháp luật.

Đây là thông tin được Kiểm toán Nhà nước đưa ra tại báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2022 của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và được cơ quan này đề cập tại báo cáo tổng hợp kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với Chính phủ, Thủ tướng, bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị từ kết quả kiểm toán năm 2023.

Việc Vinachem thoái vốn khỏi CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC) nằm trong lộ trình thực hiện Đề án tái cơ cấu Vinachem giai đoạn 2017-2020 của Văn phòng Chính phủ, trực thuộc Đề án "Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2021-2025" theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Kiểm toán đề nghị kiểm tra việc thoái vốn của Vinachem tại Hóa chất Đức Giang.
Kiểm toán đề nghị kiểm tra việc thoái vốn của Vinachem tại Hóa chất Đức Giang.

Cụ thể, vào tháng 10/2021, Vinachem thông báo chuyển nhượng toàn bộ hơn 15 triệu cổ phiếu DGC cho bên nhận chuyển nhượng là Hóa chất Đức Giang.

Vinachem đã thực hiện giao dịch bán trong giai đoạn 8/11-7/12/2021. Kết thúc ngày 7/12/2021, tập đoàn đã bán thành công hơn 9 triệu cổ phiếu DGC và còn lại hơn 6 triệu cổ phiếu chưa bán hết.

Sau đó, Vinachem đã thực hiện tiếp giao dịch bán cổ phiếu DGC từ ngày 13/1/2022 đến ngày 11/2/2022. Nhưng kết thúc ngày 11/2/2022, cổ phiếu rao bán không thành công.

Tới tháng 3/2022, Vinachem thông báo bán tiếp. Lần bán này, Vinachem đã bán xong toàn bộ hơn 6 triệu cổ phiếu DGC, giao dịch theo phương thức khớp lệnh từ ngày 3/3 đến ngày 10/3/2022.

Giá cổ phiếu DGC hiện ở vùng cao nhất lịch sử, tính tới cuối phiên 31/5 là 126.000 đồng/cp. Vốn hóa đạt gần 48.000 tỷ đồng (tương đương gần 1,9 tỷ USD).

Cổ phiếu DGC tăng mạnh gấp gần 2 lần kể từ khi Vinachem thoái vốn khỏi doanh nghiệp này hồi tháng 10/2021 và tăng 3,6 lần so với thời điểm vài tháng trước khi Vinachem bắt đầu thoái vốn.

Về tình hình tài chính, lợi nhuận của DGC chỉ suy giảm khi bước sang năm 2023 nhưng vẫn đạt 745-888 tỷ đồng/quý. Trong quý 1/2024, lợi nhuận DGC tiếp tục giảm và chỉ còn 704 tỷ đồng.

Hóa chất Đức Giang lên kế hoạch lợi nhuận đi lùi trong quý 2/2024 với mức giảm hơn 20% so với cùng kỳ xuống 700 tỷ đồng.

Mặc dù lợi nhuận giảm trong những quý gần đây nhưng DGC vẫn lọt top các doanh nghiệp lãi khủng trên sàn, và công ty của Chủ tịch Đào Hữu Huyền vẫn có lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng lớn. Tới cuối quý 1/2024, DGC có khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn gần 9.500 tỷ đồng.

Đại gia Đào Hữu Huyền sinh năm 1956, quê Hưng Yên. Ông tốt nghiệp cử nhân hóa học của trường Đại học Tổng hợp. Sau đó ông tiếp tục đi du học Áo.

Sau khi về nước, ông Huyền thành lập Công ty TNHH Văn Minh - doanh nghiệp chuyên nhập khẩu hóa chất từ Trung Quốc về bán ra thị trường trong nước.

Tháng 4/2004, CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (khi đó có tên gọi là CTCP Bột giặt và Hóa chất Đức Giang) hoàn thành cổ phần hóa. Ông Đào Hữu Huyền và vợ là bà Nguyễn Thị Hồng Lan đã mua lại cổ phần và trở thành nhóm cổ đông lớn nhất.

Từ thời điểm cổ phần hóa, tỷ lệ sở hữu lớn cổ phần của ông Huyền và gia đình lúc là hơn 46,2%. Còn theo báo cáo tình hình quản trị nửa đầu năm 2023, nhóm cổ đông Chủ tịch HĐQT DGC đang nắm 40,75% cổ phần tại doanh nghiệp này. Mức cổ phần giảm có thể do DGC tăng vốn điều lệ để hợp nhất với Hóa chất Đức Giang Lào Cai.

PV (t/h)

Theo Tài chính doanh nghiệp