Kinh Bắc thế chấp 12.681 tỷ đồng vốn góp tại 'siêu dự án' Tràng Cát cho VPBank

Dự án Khu đô thị và dịch vụ Tràng Cát là một trong số những dự án trọng điểm của Kinh Bắc. Tính đến ngày 30/9/2024, chi phí sản xuất kinh doanh tại dự án chiếm tới 63% tổng giá trị hàng tồn kho của doanh nghiệp.

Mới đây, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – Công ty CP (HOSE: KBC) đã công bố nghị quyết thông qua việc sử dụng tài sản để đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ của công ty con.

Phối cảnh dự án Khu đô thị và dịch vụ Tràng Cát
Phối cảnh dự án Khu đô thị và dịch vụ Tràng Cát

Cụ thể, “ông trùm” bất động sản khu công nghiệp sẽ sử dụng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH MTV Phát triển Đô thị Tràng Cát, làm tài sản thế chấp để bảo đảm cho toàn bộ nghĩa vụ trả nợ cho các khoản vay liên quan đến dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị và dịch vụ Tràng Cát của chính công ty con này tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HOSE: VPB).

Phần vốn góp này trị giá 12.681 tỷ đồng, tương đương 100% vốn điều lệ của Công ty Tràng Cát. Thời hạn đảm bảo được tính từ ngày phát sinh các khoản vay cho đến khi toàn bộ nghĩa vụ trả nợ hoàn tất. Chi tiết về giá trị khoản vay của Tràng Cát tại VPBank không được nêu trong nghị quyết HĐQT của Kinh Bắc.

Bên cạnh phần vốn góp tại Tràng Cát, Kinh Bắc sẽ sử dụng 15 triệu cổ phiếu sở hữu tại Công ty CP Phát triển Đô thị Sài Gòn Tây Bắc làm tài sản bảo đảmcho các nghĩa vụ trả nợ của Công ty Tràng Cát tại VPBank.

Về Công ty Tràng Cát, doanh nghiệp được thành lập ngày 22/3/2012, hiện do ông Đặng Thành Tâm – Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc làm Chủ tịch kiêm Giám đốc và người đại diện theo pháp luật. Doanh nghiệp này cũng là chủ đầu tư dự án Khu đô thị và dịch vụ Tràng Cát có tổng diện tích gần 585 ha tại Khu Kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, TP. Hải Phòng.

Báo cáo tài chính quý III/2024 của Kinh Bắc ghi nhận, tại ngày 30/9/2024, chi phí sản xuất kinh doanh tại dự án nói trên là gần 8.381 tỷ đồng, chiếm tới 63% tổng giá trị hàng tồn kho của doanh nghiệp.

Kinh Bắc thế chấp 12.681 tỷ đồng vốn góp tại 'siêu dự án' Tràng Cát cho VPBank - Ảnh 1

Còn theo báo cáo thường niên năm 2023, tại thời điểm cuối năm 2023, tổng giá trị đầu tư lũy kế của Kinh Bắc tại dự án là 8.658 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2022. Dự án đã được bàn giao đất và chấp thuận san lấp mặt bằng, đã đền bù gần 582ha, san lấp khoảng 80ha, cơ bản hoàn thành việc nộp tiền sử dụng đất cho toàn bộ dự án, xây dựng hầm chui dẫn từ đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đến dự án.

Ở một diễn biến khác, giữa tháng 11, Kinh Bắc đã công bố phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ và kế hoạch sử dụng vốn phát hành. Theo đó, doanh nghiệp của đại gia Đặng Thành Tâm dự kiến chào bán 250 triệu cổ phiếu, tương đương 32,57% số cổ phiếu đang lưu hành cho 11 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cả trong và ngoài nước.

Kinh Bắc kỳ vọng giá chào bán có thể đạt mức 25.000 đồng/cp, giúp huy động khoảng 6.250 tỷ đồng. Phần lớn số tiền này (6.090 tỷ đồng) sẽ được dùng để tái cơ cấu nợ, chủ yếu trả gốc và lãi vay cho hai công ty con là Công ty CP Khu công nghiệp Sài Gòn Bắc Giang (4.428 tỷ đồng) và Công ty CP Khu công nghiệp Sài Gòn Hải Phòng (1.462 tỷ đồng). Phần còn lại sẽ bổ sung vào nguồn vốn lưu động, hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và triển khai các dự án chiến lược.

Trong trường hợp số tiền thu được ít hơn 6.250 tỷ đồng, HĐQT sẽ xem xét sử dụng linh hoạt nguồn vốn vay ngân hàng, các nguồn vốn từ lợi nhuận để lại và khấu hao trong năm để bù đắp cho số tiền thiếu hụt trong tổng nhu cầu sử dụng vốn.

Dưới góc nhìn của SSI Research, việc phát hành thành công cổ phiếu nói trên có thể là yếu tố quan trọng để đảm bảo phê duyệt cho các dự án của Kinh Bắc. Cụ thể, theo Nghị định 02/2022, các chủ đầu tư dự án phải có vốn chủ sở hữu ít nhất 15% tổng chi phí đầu tư cho các dự án có diện tích sử dụng đất từ 20 ha trở lên.

Do đó, nhóm phân tích nhận định, vốn chủ sở hữu huy động được từ đợt phát hành riêng lẻ này sẽ được sử dụng một phần cho các dự án mới, như dự án Khu đô thị Tràng Cát và các dự án trong tương lai khác.

Hà Lê

Theo VietnamFinance