Kinh doanh bất động sản mùa dịch: Chuyên gia “mách nước” cách đầu tư an toàn

Trong những ngày cả xã hội đang căng mình với dịch bệnh hiện nay, ngoài những mối lo về an toàn sức khỏe cho bản thân và gia đình, thì câu hỏi “Kinh doanh gì trong mùa dịch” hay “Đầu tư vào đâu trong mùa dịch” vẫn là nỗi trăn trở của không ít người.

 

Kinh doanh bất động sản mùa dịch: Chuyên gia “mách nước” cách đầu tư an toàn - Ảnh 1

Cho dù Việt Nam hiện vẫn là nước an toàn, chịu ít ảnh hưởng nhất của đại dịch toàn cầu, tuy nhiên, trong bối cảnh chung, nền kinh tế vẫn gặp không ít khó khăn, việc mở rộng sản xuất, kinh doanh còn nhiều rủi ro, trở ngại… Do đó, dòng tiền chảy vào sản xuất – kinh doanh đã chuyển hướng mạnh sang bất động sản (BĐS), đầu tư chứng khoán… Tuy nhiên, trong tình trạng thị trường chứng khoán luôn bấp bênh giữa lằn ranh xanh – đỏ, BĐS vẫn luôn là lựa chọn ưu tiên, bởi đây không chỉ là kênh đầu tư mà còn là nơi cất trữ tài sản an toàn theo quan niệm lâu năm của người dân.

Thêm nữa, chính sách cho vay của các NH thương mại cũng góp phần khiến vốn tín dụng đổ nhiều hơn vào BĐS, khi khách hàng có thể vay tới 70% giá trị tài sản bảo đảm. Số liệu công bố từ Ngân hàng Nhà nước cho biết đến cuối quý I/2021, dư nợ tín dụng BĐS đạt hơn 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với cuối năm 2020, mức tăng này cao hơn so với mặt bằng tăng trưởng tín dụng chung các ngành kinh tế trong quý I/2021 (2,93%). Trước đó, dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS cuối tháng 2-2021 là hơn 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 2,13% so với năm 2020 (trong đó kinh doanh BĐS tăng 2,82%).

Theo khảo sát của Hội môi giới bất động sản, thị trường BĐS ở khắp các tỉnh thành có dấu hiệu tăng nhiệt không ngừng, giá đất ở nhiều nơi tăng trung bình 10% sau một tháng. Thậm chí một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng. Nhiều nơi, người dân bỏ kinh doanh, sản xuất để lao vào đầu tư đất. Tiền gửi ngân hàng cũng được rút ra để đi đầu tư… dẫn tới rủi ro cao: Sốt đất và nguy cơ vỡ bong bóng BĐS tiềm ẩn.

Để hạn chế nguy cơ này, không chỉ các bộ, ngành, địa phương mà cho đến cả ngân hàng cũng vào cuộc ráo riết để có thông tin chính thức, định hướng cho người dân, yêu cầu những dự án không đủ điều kiện huy động vốn phải hoàn thiện hạ tầng, thủ tục pháp lý mới được đưa ra thị trường.

Cùng với đó, trước việc giá đất ở một số nơi tăng đột biến gây ra hiện tượng sốt ảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Tổng cục Quản lý đất đai kiểm tra 26 tỉnh việc thực hiện quy hoạch, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương công khai thông tin quy hoạch, tiến độ dự án phát triển cơ sở hạ tầng, BĐS, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính…

Các chuyên gia trong giới BĐS cũng lên tiếng cảnh báo những nhà đầu tư cần đặc biệt chú ý về tính pháp lý của dự án, thận trọng, tìm hiểu kỹ trước khi quyết định giao dịch, cần tìm những dự án đã được hoàn thiện thủ tục pháp lý và cơ sở hạ tầng về cơ bản để tránh rủi ro trước khi xuống tiền.

Kinh doanh bất động sản mùa dịch: Chuyên gia “mách nước” cách đầu tư an toàn - Ảnh 2

Song song với những biện pháp tích cực, các chuyên gia còn đề xuất nhà  nước sớm ban hành Luật thuế tài sản hay trước mắt là thuế nhà đất để ngăn chặn đầu cơ, hạn chế bớt áp lực lên đô thị nói riêng và xã hội nói chung.

Do đó, từ đầu năm 2021, các sản phẩm dự án BĐS ra mắt thị trường còn nhiều hạn chế, những dự án lớn, đầy đủ tính pháp lý tại các tỉnh thành mà chưa bị tình trạng thổi giá ở một số tỉnh lân cận Hà Nội hay phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang… thực sự là hàng hiếm.

Trong khoảng thời gian trước năm 2019, bất động sản – du lịch đa số tập trung vào các khu vực biển và đồng bằng, tuy nhiên để đa dạng loại hình phát triển rất nhiều tập đoàn lớn đã nghiên cứu, triển khai hàng loạt các dự án nghỉ dưỡng, bất động sản tại vùng tây bắc – do sự đầu tư của chính phủ về hạ tầng giao thông. Đặc biệt, tuyến cao tốc Hà Giang – Yên Bái – Hà Nội – Lào Cai chính là mũi nhọn về phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, bất động sản tập trung các địa bàn có tiềm năng khai thác lớn như Lục Yên (Yên Bái), Bắc Quang (Hà Giang).

Có thể kể ra hàng loạt các nhà đầu tư lớn đã tham gia đầu tư tại các thị trường này như: Vingroup với chuỗi Vincom Shophouse và Vincom Plaza Yên Bái; Euro Holdings với chuỗi Me Linh Plaza Yên Bái; Sungroup với cuộc khảo sát thực hiện triển khai du lịch tại Động Cẩm Dương – Lục Yên, Yên Bái; Alphanam với khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Hồ Thác Bà – Yên Bình và Lục Yên, Yên Bái; TNR Holdings với chuỗi đô thị TNR Stars City tại Lục Yên, Yên Bái.

Với sự đầu tư bài bản, khai thác sâu và mở rộng địa bàn hoạt động của các tập đoàn lớn, Yên Bái nói riêng và Tây Bắc nói chung sẽ có sự phát triển thần tốc trong tương lai gần đặc biệt khi những tín hiệu khởi sắc từ sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn bình thường mới.

Uyển Nhi

Theo Kinh doanh & Phát triển