Kinh tế quý I TP. HCM giảm sâu: Bài học tránh phụ thuộc vào thị trường bất động sản
Báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy TP. HCM có GRDP quý I/2023 ước đạt 360.622 tỷ đồng, chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022 và là thành phố tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương. Chuyên gia kinh tế, TS Lê Bá Chí Nhân đã trao đổi với VietnamFinance về vấn đề này.
- Con số tăng trưởng GDP của TP. HCM quý I vừa qua thấp bất ngờ. Ông bình luận gì về điều này?
TS Lê Bá Chí Nhân: Việc tăng trưởng kinh tế TP. HCM quý I/2023 có khả năng sụt giảm đã được nhiều chuyên gia kinh tế dự báo từ cuối năm 2022. Mặt khác, do ảnh hưởng của các kỳ nghỉ lễ, tết hàng năm, thông thường quý đầu năm đều có mức tăng trưởng thấp. Điều này thì không bất ngờ nhưng con số tăng trưởng quá thấp lại ngoài dự đoán.
Nhìn lại tăng trưởng GRDP thành phố (TP) từ năm 2001 thì đây là mức suy giảm đáng lo ngại, vì vậy cần nhìn nhận thẳng thắn nguyên nhân của vấn đề này. Theo tôi, có 4 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, giải ngân đầu tư công là quá thấp. TP đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 là hơn 43.400 tỷ đồng nhưng thống kê đến 24/3, TP chỉ mới giải ngân được hơn 952 tỷ đồng, như vậy chỉ đạt 2% tổng số vốn giao. Trong đó, nguyên nhân vướng đền bù là lớn nhất. Điều này dẫn đến việc TP không thể tiếp tục triển khai các dự án và chính vì vậy vốn đầu tư công không được giải quyết.
Giai đoạn hiện nay, giá thu hồi đất được cho là quá rẻ so với thị trường, người dân cảm thấy thiệt thòi về lợi ích khi thuộc diện bồi thường thu hồi đất nên đang rất chần chừ, ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng. Khi chính sách không có biện pháp thu hồi đất một cách có hiệu quả thì công trình kèo dài thới gian và đội vốn là không tránh khỏi. Rõ ràng là việc này trông chờ vào Quốc hội ở kỳ họp sắp tới, những chính sách về giá đất được ban hành sẽ giúp tháo gỡ điểm nghẽn này
Mặt khác, định hướng chiến lược đầu tư công của TP chưa rõ ràng, bởi vậy khi yêu cầu triển khai thì ở đâu cũng nói là khó khăn. Khó khăn đó ai giải quyết, giải quyết như thế nào và trong bao lâu thì giải quyết xong, tất cả đều chưa có câu trả lời. Điều này là nguyên nhân xảy ra câu chuyện các cơ quan quản lý có liên quan "đùn đẩy" trách nhiệm, hỏi qua hỏi lại hay thậm chí không trả lời!
Thứ hai, biến động trên thị trường bất động sản cuối năm vừa qua chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực vì những năm gần đây bất động sản được coi là nguồn thu lớn của TP. Cụ thể, bất động sản giảm 16,2%, kéo theo xây dựng giảm 19,8%. Đây là 2 lĩnh vực có mức giảm lớn nhất trong 9 ngành dịch vụ trọng yếu. Có thể nói, vòng xoay luẩn quẩn của nguồn vốn từ tín dụng, huy động trái phiếu, phát hành cổ phiếu… cho thị trường này khi bị tắc đột ngột bởi vài sự cố vi phạm pháp luật thì cả dòng tiền cho hệ thống bị đứt mạch, đến nay chưa thấy lối thoát. Thị trường bất động sản đóng băng thực sự là bài học sâu sắc để TP nhìn nhận lại GRDP cần trông chờ vào điều gì! Không thể phụ thuộc vào sự nóng lạnh thất thường của thị trường bất động sản được.
Thứ ba, kinh tế Việt Nam nói chung và kinh tế TP. HCM nói riêng đều bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế thế giới. Các nước như Mỹ hay châu Âu đều tiêu thụ ít đi, do đó các đơn hàng xuất khẩu sẽ giảm về cả số lượng lẫn đơn giá. Để cạnh tranh, các doanh nghiệp xuất khẩu phải tự thân vật lộn với bài toán đầu ra dần “teo tóp” thị phần, hệ lụy xa hơn là nợ đọng từ những nhà thu mua quốc tế khi hàng xuất khẩu phải chờ đối tác bán được. Trong khi đó, cơ quản quản lý thì liên tục kêu gọi doanh nghiệp tìm đơn hàng mới, thị trường mới mà việc cần nhất là vai trò hỗ trợ thì không có.
Giả sử, một nhân viên bán hàng đến gặp và đưa danh thiếp nhân viên kinh doanh cho giám đốc đối tác nước ngoài thì liệu rằng vị giám đốc đó có tiếp không? Có thể nói, vai trò của cơ quan quản lý hay tổ chức hỗ trợ thương mại khá mờ nhạt trong quá trình giúp doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận thị trường quốc tế.
Và thứ tư là TP cần xác định doanh nghiệp đang mong muốn chính điều gì? Doanh nghiệp cần ở đây là đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là trong thời kỳ chuyển đổi số như hiện nay. Đơn cử như việc xuất khẩu, báo cáo khảo sát của VCCI cho thấy, có đến 38% doanh nghiệp còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn là vướng mắc lớn. Tương tự, với gói hỗ trợ lãi suất 1,5 – 2%, doanh nghiệp hiện cũng khá vất vả với khâu thủ tục và cần nhiều thời gian để có thể tiếp cận chính sách này.
- Theo ông, đâu là những giải pháp thành phố cần làm ngay?
Để TP đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5% – 8% đã đề ra, các quý còn lại phải rất nỗ lực, nhất là hai quý cuối năm. Bởi vậy, TP cần triển khai những việc cần làm ngay.
Đầu tiên, cần khẩn trương tập hợp những chuyên gia hàng đầu đúng chuyên ngành để góp ý cho từng lĩnh vực cụ thể. Việc thẳng thắn chia sẻ từ các chuyên gia nhiều kinh nghiệm rất cần thiết để TP gỡ vướng cho những vấn đề còn tồn tại, đồng thời đánh giá tổng thể và toàn diện về yếu tố điều hành kinh tế vĩ mô. Nếu có thể, những tổ tư vấn kinh tế chuyên ngành được thành lập sẽ có vai trò đánh giá, phân tích các yếu tố hiện tại và đưa ra những dự đoán từng ngành trong tương lai. Đây là cơ sở phù hợp để TP có những quyết sách cần thiết trong thời gian tới.
Thứ hai, rà soát lại kế hoạch đầu tư công hiện nay; xây dựng kế hoach đầu tư công cụ thể ở cấp độ triển khai hàng quý, hàng tháng, thậm chí là hàng tuần; kèm theo đó là các giải pháp thực thi, phối hợp và tháo gỡ khó khăn đồng bộ thông qua các tổ chuyên trách; xác định rõ và công khai các chủ đầu tư đã và chưa làm được gì theo tiến độ, từ đó phân rõ trách nhiệm cụ thể từng đối tượng và có cách thức chế tài rõ ràng minh bạch.
Thứ ba là công tác cải cách thể chế. Vấn đề này đã có kế hoạch đề ra và triển khai thực hiện nhưng kết quả như thế nào không thấy nói đến trong một thời gian. Công nghệ 4.0 đã cho phép rất thuận lợi trong công tác điều hành – quản lý, TP cần thông tin đã triển khai đến đâu và hướng dẫn diện rộng để giảm bớt thủ tục hành chính.
Thứ tư, doanh nghiệp xuất khẩu hiện rất cần hỗ trợ từ cơ quan quản lý, các phòng thương mại và hiệp hội hỗ trợ kết nối giao thương với quốc tế. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, nếu để “tự bơi”, không có hỗ trợ, không tư vấn liên kết… nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sẽ sớm bị loại khỏi thị trường.
Thứ năm, TP cần triển khai nhanh chóng kế hoạch kích cầu tiêu dùng từ du lịch, dịch vụ đến bán lẻ, có như vậy mới kích thích dòng tiền trong dân chảy mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp nội địa vượt khó.
Các địa phương như Bình Dương, Hải Phòng… đang dần áp sát vị thế “đầu tàu” của TP. HCM. Để giữ vững danh hiệu này, TP phải nhanh chóng có động thái mạnh, xứng đáng là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.