Kita Group – Tay chơi lớn trên thị trường trái phiếu
Được thành lập từ năm 2014 nhưng đến năm 2018 Kita Group mới dấn thân vào thị trường bất động sản và cũng dần dần trở thành "tay chơi" trái phiếu lớn trên thị trường.
Theo thống kê, các pháp nhân liên quan đến nhóm Kita Group đã huy động 3.400 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu trong vòng 2 năm qua. Bên cạnh đó, Kita còn nổi lên với các thương vụ M&A đình đám trên thị trường.
Huy động thành công 3.400 tỷ đồng trái phiếu
Thống kê từ Cbons cho thấy, các pháp nhân liên quan đến nhóm Kita Group là CTCP Kita Invest và CTCP Đầu tư Thương mại Bình Tân trong gần 2 năm qua đã huy động 3.400 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu.
Cụ thể, CTCP KITA Invest đã phát hành 6 lô trái phiếu kì hạn 3 năm với tổng giá trị 2.100 tỷ đồng trong hai ngày 4-5/5/2020. Toàn bộ trái phiếu được hấp thụ bởi tổ chức trong nước không rõ danh tính. Lô trái phiếu được tính lãi suất 11.5% trong kỳ đầu tiên, những kỹ tiếp theo được xác định bằng tổng lãi suất điều chuyển vốn của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và biên độ 4% mỗi năm.
Các lô trái phiếu được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất của KITA Invest hoặc bên thứ ba khác và do VPBank quản lý. Thông tin công bố không nêu chi tiết về tài sản đảm bảo.
Gần nửa năm sau, CTCP Đầu tư Thương mại Bình Tân từ ngày 1-3/11/2021 đã huy động thành công 1.300 tỷ đồng trái phiếu. Kỳ hạn 60 tháng. Các thông tin lãi suất, tài sản đảm bảo, trái chủ… đều không được Bình Tân công bố. Đáng chú ý, sau khi hút thành công 1.300 tỷ đồng trái phiếu, Bình Tân đã ký hợp đồng đặt cọc mua dự án thành phần thuộc dự án Khu đô thị Nam Thăng Long từ Vimedimex.
Chẳng những tham gia với vai trò đại lý quản lý tài khoản, đại lý tài sản đảm bảo cho các lô trái phiếu của Kita Invest, VPBank cũng là nguồn cấp vốn tín dụng quen thuộc cho nhóm Kita Group.
Theo nguồn tin từ Nhadautu.vn cho hay, vào tháng 3/2022 Bình Tân đã thế chấp VPBank hợp đồng chuyển nhượng Hợp đồng đặt cọc ngày 28/12/2021 về chuyển nhượng công trình trung tâm thương mại trên lô đất TM01 thuộc dự án Khu đô thị Nam Thăng Long giữa công ty và Vimedimex. Ngoài ra, Bình Tân còn cùng với Công ty MeKong Thịnh Vượng thông qua Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Tân Thành thế chấp 98% vốn điều lệ Kita Invest tại VPBank.
Bản thân Kita Invest cùng thời điểm tháng 3/2022 cũng thế chấp tại VPBank hợp đồng đặt cọc để chuyển nhượng quyền tài sản của dự án Khu Đô Thị Nam Thăng Long. Không chỉ có vậy, các pháp nhân Kita Land, Kita Holding, Kita Group; lãnh đạo cấp cao của Kita Group như bà Đặng Thị Thùy Trang, ông Đàm Thận Mạnh… cũng có thế chấp nhiều tài sản ở VPBank.
Hoạt động M&A sôi nổi
Mặc dù tình hình kinh doanh “kém sáng” với các công ty “con” kinh doanh “bết bát” và thua lỗ là vậy nhưng hoạt động M&A của đơn vị này vẫn diễn ra sôi nổi.
Đầu tiên phải kể tới dự án Công trình trung tâm thương mại trên lô đất TM01 thuộc Dự án Khu đô thị Nam Thăng Long (Hà Nội) của Vimedimex Group. Dự án này được nhận chuyển nhượng bởi ông ty Bình Tâm – pháp nhân liên quan tới Kita Group.
Thương vụ này diễn ra chỉ ít ngày sau khi Chủ tịch Vimedimex Group Nguyễn Thị Loan bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”, liên quan đến dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá phía Đông Nam thôn Cổ Dương (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội).
Về dự án Khu đô thị Nam Thăng Long (Hà Nội), trước đây thuộc Công ty Nam Thăng Long nhưng vào tháng 3/2019, Công ty Nam Thăng Long đã chuyển nhượng cho Vimedimex. Ít ngày sau khi thương vụ được hoàn thành, Vimedimex tiếp nối “chủ trương” thực hiện “hiệu quả dự án” của Công ty Nam Thăng Long, đề xuất điều chỉnh quy hoạch lô đất TM01 theo hướng tăng mật độ lên 40%, tầng cao tối đa lên 40, với 3.395 căn.
Bên cạnh đó, Kita Invest – một pháp nhân khác của Kita Group cũng nhận chuyển nhượng dự án toàn bộ khu đất gần 602.226 m2 (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) của Công ty TNHH Xây dựng Ngân Thuận – doanh nghiệp từng thuộc sở hữu của gia đình doanh nhân Trầm Bê.
Sau khi về tay Kita Invest, dự án được đổi tên thành Stella Mega City và được công ty đánh giá là một trong những dự án chiến lược của cái tên mới nổi này. Dự án có quy mô lên đến 150ha, tức gấp 2,5 lần diện tích khu đất Sacombank rao bán trước đó, cho thấy nhiều khả năng nhóm Kita đã âm thầm mua gom các lô đất xung quanh từ trước, nhằm chuẩn bị cho quá trình vươn lên mạnh mẽ.
Trước đó, vào năm 2019, Kita Land và Công ty TNHH Thịnh Phát Hà Nội đã ký kết hợp đồng về việc chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ hợp tác phát triển dự án Golden Hills City và dự án Vệt 50m tại TP. Đà Nẵng.
Tuy nhiên, quá trình triển khai kinh doanh tại dự án này, Kita Land còn vướng phải hàng loạt “lùm xùm” vì bị nhiều khách hàng bức xúc “tố” vi phạm hợp đồng, lừa dối khách hàng khi thu nhiều tỷ đồng tiền bán đất từ khách hàng nhưng lại luôn “chây ỳ” không bàn giao đất, có dấu hiệu đùn đẩy trách nhiệm.
Giới chủ nhóm Kita Group là ai?
Kita Group là doanh nghiệp khởi điểm từ lĩnh vực buôn bán đồ uống. Hai cổ đông sáng lập Kita Group là vợ chồng ông Nguyễn Duy Kiên (SN 1969, nắm 55% vốn điều lệ) và bà Đặng Thị Thùy Trang (SN 1979, nắm 22,5% vốn điều lệ). Dù doanh thu quanh năm chỉ mang tính tượng trưng, nhưng từ tháng 9/2018, Kita Group bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực đầu tư bất động sản. Cũng từ đây, quy mô tài sản, vốn chủ sở hữu của Kita Group được điều chỉnh tăng chóng mặt; cùng với đó là quá trình mở rộng hệ sinh thái các công ty con.
Đầu tiên, CTCP Kita Land (thành lập ngày 13/12/2018 và đóng vai trò: Quản lý tài sản, phát triển dự án, phân phối sản phẩm), ông Kiên là Chủ tịch HĐQT công ty tính đến tháng 12/2021. Tại thời điểm này, Kita Land có quy mô vốn 1.200 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: CTCP Đầu tư Saturn (99%) và ông Đặng Kim Khánh (1%). Saturn cũng có mối liên hệ với ông Nguyễn Duy Kiên.
Còn với CTCP Kita Link (thành lập ngày 18/1/2019), ông Kiên là cổ đông sáng lập góp 50% vốn; cùng với ông Đặng Kim Khánh (2%) và Đặng Thị Thùy Trang (48%).
Ngoài ra, ông Kiên là cổ đông sáng lập góp 70% vốn thành lập CTCP Kita Instruction (thành lập ngày 14/1/2019) cùng với Kita Group (30%) và bà Đặng Thị Thùy Trang (30%).
Cuối cùng, ở CTCP Kita Invest (thành lập năm 2019), ông là cổ đông sáng lập góp 40% vốn cùng với 2 cái tên quen thuộc là bà Đặng Thị Thùy Trang (30%) và Kita Group (30%).
Theo nguồn tin từ Vietnamindex cho biết, cuối năm 2019, tổng tài sản của Kita Group đã đạt hơn 2.700 tỷ đồng - gấp 4,5 lần so với thời điểm đầu năm. Vốn chủ sở hữu tăng mạnh từ 295,8 tỷ đồng lên 691,6 tỷ đồng. Năm 2020, không hiểu vì lý do gì mà quy mô của Kita Group lại bất ngờ “teo tóp” đáng kể; tổng tài sản “bốc hơi” 2.190 tỷ đồng (tương đương gần 80%) – từ hơn 2.700 tỷ đồng xuống còn 557 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng thực hiện giảm vốn điều lệ khiến vốn chủ sở hữu giảm 62% xuống mức 261 tỷ đồng.
Trong khi quy mô tài sản có thời điểm lên đến hàng nghìn tỷ đồng như vậy, thế nhưng kết quả kinh doanh của Kita Group lại khá “bết bát”, không hề tương xứng với quy mô tài sản. Trong giai đoạn 2016 – 2018, Kita Group có doanh thu gần như bằng 0, trước khi phát sinh đột biến bất ngờ 23 tỷ đồng vào năm 2019, nhưng vẫn lỗ hơn 100 triệu đồng.
Năm 2020, Kita Group không phát sinh doanh thu và có khoản lỗ lên đến 32,5 tỷ đồng. Việc thua lỗ triền miên cũng là một phần nguyên nhân khiến vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp bị bào mòn đến mức trầm trọng, thậm chí khiến giới đầu tư cho rằng Kita Group đang đối diện nguy cơ khánh kiệt tài sản.
Dữ liệu từ Nhà đầu tư cho biết, năm 2021, Kita Group (công ty mẹ) cũng không phát sinh doanh thu trước đó công ty báo doanh thu 23 tỷ đồng năm 2019. Tuy nhiên, trừ đi các chi phí, Kita Group đều lỗ ròng trong giai đoạn 2019-2021, cụ thể tập đoàn lỗ 135 triệu đồng năm 2019; lỗ 2,1 tỷ đồng năm 2020; và lỗ 454 triệu đồng năm 2021. Trên bảng cân đối kế toán, các chỉ số tài chính Kita Group tại ngày 31/12/2021 đều suy giảm mạnh. Cụ thể, tổng tài sản công ty là 390,8 tỷ đồng, giảm gần 86%; vốn chủ sở hữu 390,5 tỷ đồng, giảm 43,3%.