Kỳ 2: Dự án tỷ USD hoang hóa, chủ đầu tư loay hoay giữa những chỉ đạo

Gần hai thập kỷ trôi qua kể từ ngày dự án tỷ đô tại Phú Yên được cấp chủ trương đầu tư, những gì hiện lên ở khu quy hoạch dự án hiện nay vẫn chỉ là một khu đất trống, cây cối um tùm, cỏ dại chen lối. Hàng trăm tỷ đồng bị chôn vùi, hàng trăm ha đất đai bị lãng phí trong khi nhà đầu tư vẫn mòn mỏi chờ đợi những phản hồi về kiến nghị và hoàn thiện thủ tục từ chính quyền.

Sau nhiều năm kể từ khi dự án tỷ đô tại tỉnh Phú Yên tạm dừng do các hướng dẫn không phù hợp đối với phần đất rừng từ chính quyền địa phương, toàn dư án đã GPMB gần như bỏ trống, các công trình đã đầu tư cũng xuống cấp, hàng trăm tỷ đồng của Nhà đầu tư lãng phí trong suốt gần hai thập kỷ qua.

Dự án sau nhiều năm vẫn "án binh bất động"
Dự án sau nhiều năm vẫn "án binh bất động"

Sau thời gian dài làm việc với Thanh tra, các Bộ Ngành trung ương để cung cấp hồ sơ, giải trình nhằm góp phần tháo gỡ sớm dự án, giảm thiểu thiệt hại, đầu năm 2020, chủ đầu tư đã nộp hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng lần 1.

Tuy nhiên khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu UBND tỉnh Phú Yên giải trình thêm 2 nội dung liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thì UBND tỉnh Phú Yên đến nay vẫn chưa phản hồi, dù sau đó, Chủ đầu tư tiếp tục nộp hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng lần 2 thì hồ sơ vẫn bị 'treo', không có kết quả giải quyết.

Sở hữu nhiều tiềm năng nhưng Phú Yên vẫn chưa thu hút được NĐT đến địa phương để phát triển những dự án tầm cỡ
Sở hữu nhiều tiềm năng nhưng Phú Yên vẫn chưa thu hút được NĐT đến địa phương để phát triển những dự án tầm cỡ

Năm 2021, UBND tỉnh Phú Yên ra văn bản điều chỉnh quy mô dự án xuống chỉ còn 138 ha.

Để tiếp tục theo đuổi dự án, nhà đầu tư đã nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, tuy nhiên, không được cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh theo quy mô thực tế đã bị cắt giảm.

Cực chẳng đã, doanh nghiệp này đã có văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ xin cứu xét về việc giải quyết khó khăn, vướng mắc tại dự án.

Sau đó, các cơ quan trung ương đã xem xét và hướng dẫn các vấn đề vướng mắc cụ thể của dự án như thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, thời hạn hoạt động, hình thức giao đất, cho thuê đất của dự án. Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đề nghị tỉnh Phú Yên xử lý dứt điểm các vướng mắc của dự án, đúng thẩm quyền, tránh xảy ra khiếu kiện quốc tế, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư của Việt Nam.

Tuy nhiên, đến nay vụ việc vẫn ‘đứng im’, việc điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư lần 2 của chủ đầu tư dự án vẫn không được xem xét và phê duyệt.

Mặc dù chủ đầu tư đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi từ các chính quyền địa phương. Tình thế ‘im lặng’ đẩy dự án vào định trệ kéo dài và hoang hóa.
Mặc dù chủ đầu tư đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi từ các chính quyền địa phương. Tình thế ‘im lặng’ đẩy dự án vào định trệ kéo dài và hoang hóa.

Tính đến nay, chủ đầu tư đã nhiều lần gửi văn bản tới Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Yên đề nghị đối thoại trực tiếp để giải quyết dứt điểm vấn đề, thì UBND tỉnh Phú Yên mới có động thái giao cho Sở Kế hoạch – Đầu tư làm việc với chủ đầu tư.

Tuy nhiên, UBND tỉnh mới là cơ quan được Chính phủ hướng dẫn trực tiếp để thống nhất chủ trương xử lý các vướng mắc dự án, cho nên, thông tin mới nhất là vẫn chưa có tiến triển nào mới trong việc tháo gỡ cho dự án.

Kỳ 2: Dự án tỷ USD hoang hóa, chủ đầu tư loay hoay giữa những chỉ đạo - Ảnh 1

Như vậy, mặc dù doanh nghiệp đã có những nỗ lực nhưng chính quyền tỉnh Phú Yên vẫn không có động thái đáng kể nào để giải quyết. Cho tới nay, chủ đầu tư vẫn tiếp tục chờ đợi nhưng không biết đến bao giờ Chủ đầu tư mới được đối thoại với tỉnh để tháo gỡ từng bước đối với pháp lý dự án này vốn bị đơn phương dừng xử lý từ chính quyền trong thời gian dài qua?

Theo các chuyên gia, để thúc đẩy đầu tư, một nguyên tắc nhất quán của công tác quản lý đó là "Nắm chắc và thực hiện đúng các quy định của pháp luật" liên quan đến đầu tư tại địa phương, có sự chuyển tiếp hợp lý với tình hình thực tế qua các thời kỳ tránh những vướng mắc gây thiệt hại và rủi ro cho Nhà đầu tư. Đặc biệt, dưới góc độ quản lý nhà nước, khi chủ đầu tư cần được hướng dẫn, cung cấp thông tin liên quan đối với dự án, chính quyền địa phương cần tiếp tục hỗ trợ và giúp các NĐT xử lý các vướng mắc phát sinh theo quy định của luật pháp.

 

Hoàng Ngân

Theo VietnamFinance