Lãi suất “chạm đáy”, dòng tiền sẽ chảy mạnh vào bất động sản?

Khi lãi suất ngân hàng giảm, vàng và chứng khoán đều có những rủi ro bất thường cũng là lúc nhiều người sẽ tìm đến kênh đầu tư bất động sản.

Lãi suất “chạm đáy”, dòng tiền sẽ chảy mạnh vào bất động sản? - Ảnh 1

Lãi suất “chạm đáy” 20 năm

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước thời điểm cuối năm 2023 tiền gửi vào ngân hàng cao nhất từ trước đến nay. Tính đến tháng 11/2023, tổng tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng đạt 12,8 triệu tỷ đồng.

Theo đó, tiền của dân cư đạt 6,471 triệu tỷ đồng. Còn tiền của tổ chức kinh tế đạt 6,834 triệu tỷ đồng. Bất chấp lãi suất tiền gửi liên tiếp giảm từ tháng 3-2023 đến nay, tổng lượng tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng. Trên thị trường, các ngân hàng đều công bố năm 2023, lượng tiền gửi tăng mạnh so với năm 2022.

Theo báo cáo tài chính năm 2023 của Vietcombank,  ngân hàng này có lượng tiền gửi đạt 1,395 triệu tỷ đồng, tăng thêm 152.200 tỷ đồng so với năm 2022. Hay tại VietinBank, tính đến 31/12/2023, tiền và vàng gửi của khách hàng là hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 13% so với cuối năm 2022.

Trong báo cáo tài chính quý 4 mà VPBank công bố cũng thể hiện, tổng tiền gửi của khách hàng vào ngân hàng này năm 2023 đạt hơn 442.368 tỷ đồng, tăng thêm 139.200 tỷ đồng so với năm 2022.

Tuy nhiên, Thời gian qua, lãi suất liên tục giảm đã khiến mặt bằng lãi suất còn thấp hơn nhiều so với giai đoạn đại dịch COVID-19 xuất hiện.

Theo Ngân hàng Nhà nước đánh giá, lãi suất chạm “đáy” 20 năm. Đối với lãi suất huy động, các ngân hàng liên tiếp giảm kể từ tháng 3/2023 đến nay. Cụ thể, thời điểm đầu năm 2024 tại Vietcombank, mức lãi suất tiền gửi cao nhất là 4,7%/năm áp dụng kỳ hạn 12 tháng. Còn kỳ hạn 1 tháng chỉ là 1,7%/năm, mức 3%/năm cho kỳ hạn 6 và 9 tháng.

Tại các ngân hàng lớn khác có cổ phần của Nhà nước gồm: BIDV, VietinBank, Agribank, lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất cũng chỉ 4,8%/năm cho các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên. Còn các kỳ hạn ngắn hơn từ 6 đến 11 tháng được niêm yết 3%/năm. Đối với khối các ngân hàng tư nhân, lãi suất huy động cũng sát với mức của các ngân hàng có vốn nhà nước. Như tại VPBank, kỳ hạn 12 tháng được trả lãi là 5%/năm. Còn tại MBBank, kỳ hạn 6 đến 11 tháng có lãi suất 3,9 - 4,2%/năm...

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 25/03/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0.76% so với cuối năm 2023 (cùng thời điểm năm 2023 tăng 2.17%). Đồng thời, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 0.26% (cùng thời điểm năm 2023 tăng 1.99%).

Tiếp nối đà giảm lãi suất từ cuối năm 2023, xu hướng giảm lãi suất huy động và cho vay tiếp tục được duy trì. Lãi suất tiền gửi bình quân bằng đồng Việt Nam trong tháng 2/2024 của Ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước ở mức 0.2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 2.2-3.1%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5.3-5.6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 6.8-7.5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6.9-7.3%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.

Dòng tiền sẽ tìm đến bất động sản?

Khi lãi suất tăng cao, đa số người dân có xu hướng gom tiền gửi vào ngân hàng để đảm bảo an toàn, nhưng trong bối cảnh lãi suất lao dốc, không ít nhà đầu tư quyết định rút vốn khỏi nhà băng để chuyển đến bất động sản.

Hiện nay, các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng đều tiềm ẩn những rủi ro, trong khi đó, thị trường bất động sản đang có xu hướng "ấm" dần lên được coi là động lực để thúc đẩy dòng tiền chảy vào lĩnh vực đầu tư này.

TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia cho rằng, việc lãi suất huy động giảm khiến kênh đầu tư truyền thống trở nên kém hấp dẫn, dẫn đến hiện tượng dòng vốn tìm kiếm các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng, ngoại tệ hoặc bất động sản. Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực đánh giá, bất động sản là kênh “chuyển vốn” tiềm năng nhất.

Giải thích về vấn đề này, ông Lực cho biết: Lãi suất huy động giảm, đồng nghĩa lãi vay cũng sẽ giảm theo, yếu tố này sẽ khiến thị trường bất động sản trở nên “nóng” dần. Bởi lẽ, bản thân các doanh nghiệp bất động sản khi hoạt động cũng chủ yếu dựa trên nguồn vốn vay ngân hàng, trong khi người mua nhà cũng phải vay tiền, do đó ngành này nhận được tác động tích cực kép.

TS Cấn Văn Lực nhận định, trong năm vừa qua, dù thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn nhưng nguồn vốn tín dụng vẫn tăng khoảng 6% so với cuối năm 2022. Điều này cho thấy, niềm tin từ nhà đầu tư với thị trường này đã có sự cải thiện rõ rệt.

Quan sát cho thấy, hiện rất nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tài chính đang trở lại thị trường bất động sản. Động thái “săn hàng” và sẵn sàng xuống tiền cũng rõ rệt hơn thời điểm đầu quý IV/2023.

Theo báo cáo và chỉ số về tâm lý người tiêu dùng của batdongsan.com.vn, 65% người tham gia khảo sát dự định mua bất động sản làm kênh đầu tư trong năm 2024. Các dấu hiệu tích cực này đặt ra kỳ vọng phục hồi nhanh của thị trường trong năm 2024.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), đánh giá những thông tin về lãi suất nhà băng đang giảm mạnh phần nào đó thổi thêm hơi ấm vào thị trường bất động sản, giúp tâm lý của nhà đầu tư gỡ được nhiều gánh nặng.

"Tuy nhiên, để tháo gỡ tâm lý chờ của nhà đầu tư và khách hàng, qua đó kích thích dòng tiền đáo hạn nhà băng chảy vào nhà đất, thì điều quan trọng nhất lúc này là đẩy nhanh quá trình gỡ vướng về pháp lý và tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, khơi thông nguồn cung trên thị trường", ông Châu nói.

Đặc biệt, Chủ tịch HoREA cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét hướng dẫn các ngân hàng thương mại về cách hiểu và có thể vận dụng, "nới một chút" các "điều kiện vay vốn", để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà ở thương mại, người mua nhà, nhà đầu tư được tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn trong tình hình thị trường bất động sản vẫn còn đang rất khó khăn hiện nay.

An Nhiên

Theo Chất lượng và cuộc sống