Lãi suất trong nước cao, doanh nghiệp Việt tìm nguồn vốn nước ngoài
Trong bối cảnh nguồn vốn trong nước khan hiếm, đắt đỏ, huy động vốn khó khăn, nhiều doanh nghiệp, ngân hàng đã tìm được nguồn vốn vay, trái phiếu từ các tổ chức tài chính quốc tế.
Ngân hàng, doanh nghiệp dồn dập gọi vốn quốc tế
Cuối tháng 11, CTCP Tập đoàn Masan hoàn tất nhận giải ngân gói tín dụng 600 triệu USD từ 37 bên cho vay. Đây là khoản huy động hợp vốn nước ngoài giá trị lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực kinh tế tư nhân.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp, tổ chức khác cũng nhận được khoản vay từ các tổ chức tài chính quốc tế. Đơn cử, CTCP Kinh doanh F88 cho biết đầu năm đến nay đã huy động được 70 triệu USD từ nguồn vốn quốc tế.
Hay CTCP Be Group vay 100 triệu USD từ Ngân hàng Deutsche Bank (Đức). CTCP Chứng khoán Bản Việt vay 105 triệu USD từ nhóm ngân hàng nước ngoài.
Cuối tháng 10/2022, Tập đoàn Lộc Trời tiếp cận thành công gói tín dụng 100 triệu USD do MB và 6 ngân hàng quốc tế cho vay hợp vốn...
Không chỉ doanh nghiệp, các ngân hàng cũng luôn tìm kiếm các kênh huy động từ thị trường quốc tế. Gần đây, nhiều ngân hàng công bố hợp đồng huy động vốn khủng từ thị trường quốc tế. Đáng lưu ý, quy mô gọi vốn ngoại của các ngân hàng cũng ngày càng lớn hơn.
Cuối tháng 11, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã hoàn tất giải ngân cho VPBank khoản vay trị giá 150 triệu USD. Trung tuần tháng 11, VPBank ký kết thỏa thuận vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD từ 5 định chế tài chính lớn. Tháng 4/2022, VPBank được giải ngân khoản vay hợp vốn 600 triệu USD của các định chế tài chính lớn của châu Á. Trong năm 2021, VPBank 2 lần huy động được 300 triệu USD.
Tháng 6, Techcombank huy động thành công khoản vay hợp vốn trị giá 1 tỷ USD từ 26 ngân hàng quốc tế. Năm 2020 và 2021, Techcombank cũng vay được 500 triệu USD và 800 triệu USD vốn nước ngoài.
VIB cũng vừa hoàn tất rút vốn khoản vay trị giá 150 triệu USD từ Công ty Tài chính quốc tế (IFC). Hồi tháng 3, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và VIB công bố thỏa thuận khoản vay hợp vốn trị giá 260 triệu USD.
Tháng 11, SeABank huy động được 200 triệu USD từ Tập đoàn Tài chính Phát triển quốc tế Mỹ (DFC). Trước đó, vào đầu năm, SeABank được IFC và 5 quỹ đầu tư quốc tế mở rộng gói tín dụng từ 150 triệu USD lên 220 triệu USD.
IFC cũng mới có đề xuất về khoản đầu tư tổng cộng 320 triệu USD vào 3 ngân hàng là SHB, VIB và OCB để hỗ trợ danh mục cho vay dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV).
Một hình thức vay vốn nước ngoài khác cũng được ngân hàng hướng đến là phát hành trái phiếu quốc tế. Đầu năm 2022, IFC và DEG (của Đức) đầu tư 165 triệu USD vào trái phiếu chuyển đổi cấp 2 của HDBank. Mới đây, HDBank đã hoàn thành việc xin ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua phương án phát hành 500 triệu USD trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư quốc tế và nâng room ngoại từ 18% lên 20%. Vingroup, VPBank và Đất Xanh cũng hút hàng trăm triệu USD từ trái phiếu quốc tế.
Mục đích truyền thống của các hoạt động tài trợ vốn là để các ngân hàng mở rộng danh mục cho vay DNNVV, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, các dự án trong lĩnh vực môi trường và chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Song gần đây, dòng vốn quốc tế tài trợ cho các ngân hàng Việt Nam cũng đa dạng hơn về mục đích. Chẳng hạn, khoản vay 150 triệu USD từ IFC có kỳ hạn 5 năm với mục đích hỗ trợ VIB đẩy mạnh danh mục cho vay khách hàng cá nhân mua, xây dựng, sửa chữa nhà để ở.
Giải quyết khó khăn dòng tiền
Một số chuyên gia kinh tế đánh giá, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp tăng cao trong khi các kênh dẫn vốn trong nước đang gặp khó khăn thì việc huy động nguồn vốn nước ngoài sẽ giúp các doanh nghiệp bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Việc huy động quốc tế là cơ hội cho doanh nghiệp phát triển, là giải pháp hữu hiệu để giải quyết khó khăn dòng tiền.
Hơn nữa, việc các tổ chức xếp hạng quốc tế đồng loạt nâng mức xếp hạng quốc gia đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn quốc tế với lãi suất hợp lý. Hồi tháng 9/2022, Moody’s đã nâng xếp hạng của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2, với triển vọng ổn định. Trước đó, S&P nâng xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam lên mức BB+.
Trong báo cáo ngày 18/11, tổ chức xếp hạng tín nhiệm FiinRatings đánh giá việc huy động vốn quốc tế thành công của các tổ chức trong nước gần đây mang đến tín hiệu tích cực. FiinRatings cho biết, trong bối cảnh kênh huy động vốn qua trái phiếu trong nước ảm đạm, vẫn có nhiều doanh nghiệp thành công trong việc thực hiện huy động vốn vay quốc tế. Hơn 2 tỷ USD đã được các doanh nghiệp trong nước thông báo huy động thành công.
Việc vay được nguồn vốn quốc tế không những chứng tỏ vị thế của các doanh nghiệp trong mắt các định chế tài chính nước ngoài mà còn giúp doanh nghiệp trong nước huy động được nguồn vốn với chi phí cạnh tranh hơn so với vốn trong nước.
"Điều này cho thấy niềm tin của các tổ chức tài chính nước ngoài vào sự tăng trưởng dài hạn của các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam nếu như thông tin và hồ sơ tín dụng rõ ràng... Các khoản vay ngoại tệ cũng đã góp phần giải quyết vấn đề áp lực đáo hạn nợ và nhu cầu tái cơ cấu nợ của một số doanh nghiệp", FiinRatings nhận định.
Tuy nhiên, nếu huy động vốn quốc tế, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với rủi ro tỷ giá, như năm nay tỷ giá biến động tới 8%, nên phải sử dụng các biện pháp để giảm rủi ro.
Mặt khác, dù nguồn vốn quốc tế hiện rất dồi dào nhưng việc vay tín dụng từ nước ngoài không phải vô hạn bởi chịu sự giới hạn trong quy định về quản lý vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp.
Để tiếp cận các tiêu chuẩn khắt khe từ các định chế tài chính quốc tế, doanh nghiệp phải có uy tín, có năng lực tài chính vững mạnh, số liệu công khai minh bạch, được kiểm toán bởi các tổ chức quốc tế, có phương án sử dụng vốn khả thi, có đơn vị tư vấn chuyên nghiệp…